Cách sắp xếp nguyện vọng để tránh trượt đại học

Thí sinh tham gia xét tuyển đại học có gần 1 tháng để đăng ký trên hệ thống lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lời khuyên của các chuyên gia lúc này là các em cần cẩn trọng với những quy định rất mới của Bộ trong năm nay để vào được ngành, trường yêu thích.

Clip lời khuyên của các chuyên gia dành cho thí sinh khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 2022:

Theo thứ tự ưu tiên

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: “Xét tuyển đại học năm nay khác rất nhiều so với năm ngoái. Đó là, các phương thức tuyển sinh diễn ra cùng một lúc và trên cùng một hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Vì thế, các em đăng ký nguyện vọng vào ngành yêu thích phải cẩn trọng”.

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu lấy ví dụ năm 2021, thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức học bạ có thể đỗ không nhập học và đăng ký xét tuyển theo phương thức khác. Nhưng năm 2022 thì các phương thức xét tuyển sẽ thực hiện cùng một lúc trên một hệ thống và thí sinh phải chọn theo thứ tự ưu tiên.

PGS.TS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng tuyển sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Đến thời điểm này các thí sinh đã có đầy đủ dữ liệu, căn cứ như điểm thi, các phương thức để đăng ký trên hệ thống lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT. Vì thế, các em hãy đọc kỹ các chương trình đào tạo, mã xét tuyển các trường, các chương trình đào tạo để lựa chọn”, PGS.TS Vũ Duy Hải nói.

Vẫn nhấn mạnh về điểm mới năm nay và cách sắp xếp thứ tự ưu tiên, tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội lưu ý: "Các em và gia đình nên xác định được ngành nghề học là gì, những cơ sở đào tạo ngành nghề mình yêu thích. Từ đó, các em đưa ra lựa chọn phù hợp. Tránh trường hợp các em chọn 1 trường y tế, 1 trường kỹ thuật hoặc 1 trường văn hoá. Điều này sẽ rất khó cho các em và có thể rủi ro nhiều hơn".

Lưu ý đặc biệt với quy chế mới

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã công bố Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 với những điểm rất mới.

Cụ thể, thí sinh được điều chỉnh thông tin trong suốt thời gian đăng ký. Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học của thí sinh (theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển) của đợt xét tuyển đợt 1 hình thức đào tạo chính quy sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định. Cụ thể là từ sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tới khi công bố kết quả thi và kết quả điểm phúc khảo (nếu có).

Trong suốt thời gian Bộ GD&ĐT mở cổng đăng ký, thí sinh được thoải mái điều chỉnh thông tin chứ không bị giới hạn số lần như trước đây.

Điểm mới thứ hai được nhấn mạnh là lọc ảo chung với tất cả các phương thức. Tất cả các nguyện vọng ĐKXT (theo các ngành, theo các phương thức, các cơ sở đào tạo) của thí sinh trên toàn hệ thống được từng trường xét tuyển, sơ tuyển trước (nếu cần) và đưa lên phần mềm xử lý nguyện vọng - hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Như vậy, hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể, không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau. Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức khác, việc xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí - phí giữ chỗ.

Trường đại học phải chủ động đưa ra phương án giải quyết các rủi ro. Với quy chế mới, các trường đại học phải đưa ra quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, làm rõ cam kết từ phía trường, từ đó giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn dù có thể rủi ro xảy ra cũng đã có phương án.

Từ năm 2023, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh của riêng mình, dựa trên các nguyên tắc và yêu cầu tối thiểu quy định trong quy chế tuyển sinh 2022 mà Bộ GD&ĐT ban hành, trong đó có quy định về xét tuyển cho các hình thức đào tạo khác, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.