Cô gái Bình Thuận khởi nghiệp thành công từ chế biến trái thanh long

Đinh Thảo
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất được coi là “thủ phủ” thanh long của cả nước, chị Trần Thị Kim Lĩnh (sinh năm 1992, ngụ tại khu phố Phú An, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đã khởi nghiệp từ loại quả này và gặt hái được nhiều thành công.
binh-thuan-12123-1673507838.jpg
Sau 10 năm nghiên cứu, Trần Thị Kim Lĩnh cho ra 13 sản phẩm chế biến từ thanh long

Năm 2010, giá thanh long “chạm đáy” chỉ 200 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua, người dân phải đổ bỏ. Nhà nghèo, ba bị bệnh, mẹ của chị Lĩnh chỉ trông cậy vào việc bán thanh long để lo cho gia đình và hai con ăn học. Tuy nhiên, thanh long không bán được, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Chị Lĩnh chia sẻ, mỗi lần bắt gặp những giọt mồ hôi cùng nước mắt lăn dài trên gương mặt sạm nắng của mẹ hay những chỗ thanh long bị đổ bỏ dọc đường, chị ước mình có thể làm được điều gì đó để mẹ và người nông dân bớt khó khăn.

Năm 2010, chị Lĩnh (lúc đó là sinh viên năm nhất, chuyên ngành Công nghệ, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận) đã bắt tay vào nghiên cứu, chế biến các sản phẩm nước giải khát từ trái thanh long tươi. Chị tâm sự, sau gần 20 lần thất bại, không ít lần nản chí nhưng với quyết tâm cùng sự bền bỉ, sản phẩm đầu tay là nước thanh long lên men tự nhiên đã thành công. Tuy nhiên, do là sinh viên và gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên chị không có điều kiện phát triển sản phẩm. Chị không bỏ cuộc, vừa học vừa làm, kết hợp bán gia công sản phẩm thô cho các đơn vị và nghiên cứu thêm sản phẩm mới.

Theo chị Lĩnh, để sản xuất ra một sản phẩm chất lượng, yêu cầu đầu tiên là nguyên liệu đầu vào phải sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, chị đã chủ động hợp đồng với các hợp tác xã sản xuất thanh long hữu cơ trên địa bàn cung ứng loại quả này sau thu hoạch… Thanh long sau khi đem về được rửa sạch, lột vỏ và cắt nhỏ, bóp nhuyễn; sau đó, đem trộn với đường theo tỷ lệ thích hợp và được ủ lên men tự nhiên từ 30 - 45 ngày. Tùy vào điều kiện thời tiết nóng hay lạnh để quyết định thời gian ủ và cho ra sản phẩm.

Không ngừng cố gắng để hiện thực hóa ước mơ, gần 10 năm sau, tháng 9/2019, cơ sở Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bảo Long Bình Thuận do chị Kim Lĩnh làm chủ ra đời với dòng sản phẩm chính là nước ép thanh long lên men tự nhiên. Với tiêu chí “sạch, an toàn, không chất bảo quản, chất tạo màu, giá cả hợp lý”, sản phẩm này vẫn giữ được độ tươi ngon, màu sắc đẹp. Bình quân 8 kg trái tươi sẽ cho ra 1 lít nước ép lên men. Hiện mỗi năm, cơ sở sản xuất của chị cung ứng trên 45.000 lít nước ép thanh long các loại, tương đương khoảng 3.000 - 5.000 lít/tháng… Nhờ đó, số lượng trái thanh long tươi được tiêu thụ cũng tương đối lớn.

binh-thuan1-12123-1673507837.jpg
Trần Thị Kim Lĩnh (trái) cùng nhân viên đóng gói sản phẩm Tết chuẩn bị cho ra thị trường

Những ngày đầu thành lập, cơ sở của chị Lĩnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về tài chính. Xuất phát điểm bằng không, vốn tích lũy cũng không, để xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị phục vụ sản xuất, hai vợ chồng chị phải huy động vốn, vay mượn từ người thân, người quen hơn 300 triệu đồng. Sau gần 3 năm hoạt động, sản phẩm nước thanh long lên men tự nhiên Bảo Long đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Đến thời điểm hiện tại, cơ sở đã có 29 đại lý phân phối sản phẩm trên toàn quốc và có mặt trên các trang, sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo… Nhờ chất lượng ổn định, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nước ép thanh long lên men tự nhiên được trao Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực phía Nam năm 2022; chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao năm 2021; đạt giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021…

Trong hành trình khởi nghiệp, chị Trần Thị Kim Lĩnh đã vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2022 - phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dành cho Nhà nông trẻ tiêu biểu, xuất sắc.

Nói về người thanh niên tiêu biểu này, anh Thái Thành Bi, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Thuận, chị Trần Thị Kim Lĩnh là tấm gương tiêu biểu về thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Chị đã có nhiều đổi mới, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chế biến và nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài hăng say lao động sản xuất, chị Lĩnh còn là thanh niên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tình nguyện tại địa phương. Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19, chị đã nấu cơm phục vụ các tuyến đầu chống dịch, tặng người nghèo, cơ sở cách ly; tặng nhu yếu phẩm cho các bệnh viện, địa phương…

Từ thành công của nước ép thanh long lên men tự nhiên, chị Lĩnh tiếp tục nghiên cứu và cho ra thị trường 13 sản phẩm khác được chế biến từ thanh long như: rượu đế, siro, mứt, kẹo dẻo, mạch nha, thạch… Nhờ đó, giảm áp lực tiêu thụ trái thanh long tươi cho người trồng, nhất là vào dịp chính vụ; đồng thời, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, gia tăng sản phẩm lợi thế địa phương phục vụ phát triển du lịch.

Luôn tâm đắc câu nói “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, chị Lĩnh đang ấp ủ và lên kế hoạch thành lập Hợp tác xã chuyên về sản xuất, chế biến sản phẩm thanh long dành riêng cho đoàn viên, thanh niên - nơi hội tụ các bạn trẻ đam mê kinh doanh, khởi nghiệp, có ý tưởng, dự án khởi nghiệp.