Công nhân nói gì khi trở lại làm việc đầu năm mới?

Lương Đàm
Nhiều công nhân đã trở lại làm việc ngay cả trước ngày nghỉ cuối cùng Tết Nguyên đán 2022, tuy vậy, có công nhân vì lý do riêng mà chưa thể trở lại nơi làm việc ngay. Họ mong muốn một năm mới có công việc, thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống.
cong-nhan-san-xuat-tai-khu-cong-nghiep-thang-long-ha-noi-1644208058.jpg
Công nhân sản xuất tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội

Mong mua được nhà để ổn định cuộc sống gia đình

Chị Trần Thị Bích là tổ trưởng tổ sản xuất, làm việc tại Công ty TNHH YKK Việt Nam (tỉnh Hà Nam). Công ty chị đã bắt đầu ngày làm việc đầu tiên vào ngày 5 Tết Âm lịch.

“Quê của tôi ở thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, cách nơi làm việc khoảng 25km. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định đi bằng xe máy trở lại làm việc” - chị Bích cho hay. Trước đây, chị Bích cùng chồng thuê trọ tại nhà người dân. Gần đây, khi khu Thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam bắt đầu cho đoàn viên, người lao động thuê nhà, vợ chồng chị là một trong những hộ gia đình chuyển về đây sinh sống. Khi đã ổn định chỗ ở, vợ chồng chị dự định năm nay sẽ sinh em bé. Thu nhập bình quân của chị Bích rơi vào khoảng hơn 9 triệu đồng/tháng; nếu làm cả chủ nhật thì được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Sống xa nhà, hai vợ chồng không dành dụm được là bao, nên ngôi nhà cho riêng mình vẫn là ước mơ của cả hai trong năm mới này.

“Tôi mong mua được nhà vì tôi và chồng đều xác định sẽ gắn bó, làm việc lâu dài tại đây. Tuy nhiên, năm nay, tôi dự tính vẫn chưa đủ điều kiện để hoàn thành được mong muốn ấy, vì số tiền tiết kiệm của cả hai vợ chồng chưa có là bao”- chị Bích nói.

Sáng 6.2, anh Hà Doãn Du cùng vợ và 2 con từ Tuyên Quang trở về khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) để chuẩn bị cho buổi làm việc đầu tiên của năm mới vào ngày 7.2. Gia đình anh Du được người em trai dùng xe ôtô chở từ quê lên Hà Nội, mất 4 giờ đi lại. Anh cảm thấy may mắn khi tránh được cảnh đi xe máy lên Hà Nội giữa trời mưa rét hoặc phải chen chúc trong xe khách, gặp cảnh tắc đường.

“Tôi nghỉ Tết từ 26 Tết Âm lịch. Do tình hình dịch còn phức tạp, nên những ngày ở quê, tôi gần như không đi đâu, chủ yếu ở nhà nghỉ ngơi. Kỳ nghỉ Tết vừa rồi, đối với tôi là rất thoải mái, vì đã khá lâu, cả gia đình mới được cùng nhau về quê, nghỉ ngơi” - anh Du nói.

Theo anh Du, hằng năm, khi bắt đầu năm mới, công ty thường có lì xì cho công nhân bằng cách chuyển khoản (200.000 đồng/người) cùng với khoản tiền lương. Điều này góp phần động viên người lao động cố gắng, nỗ lực nhiều hơn trong năm mới.

“Năm mới, ước muốn thì rất nhiều, nhưng có lẽ lớn nhất là có được ngôi nhà cho riêng gia đình. Tuy nhiên, ước mơ ấy còn khá xa vời, trong tương lai gần, tôi chưa thực hiện được vì chưa đủ điều kiện kinh tế. Hiện nay, gia đình tôi vẫn đang thuê trọ tại khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội”- anh Du tâm sự. Thu nhập của anh Du hiện tại rơi vào khoảng 9-10 triệu đồng/tháng.

Đi làm muộn vì chờ giấy hoàn thành cách ly y tế

Do bị mắc COVID-19, nên mãi đến 31.1 (tức 29 Âm lịch), chị Trịnh Thị Toan - công nhân Công ty TNHH UIL (Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) mới được về quê sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2. Tính cả thời gian điều trị bệnh, nghỉ cách ly, chị được nghỉ 16 ngày, nhưng thời gian được ở bên chồng con chỉ vẻn vẹn 6 ngày. Do đang trong thời gian cách ly, nên những ngày Tết, chị Toan chỉ ở nhà, không đi đâu.

“Công ty đã bắt đầu làm việc từ ngày 5.2, nhưng tôi chưa hết thời gian cách ly ở nhà nên chưa lên công ty được ngay. Ngày mai (7.2) tôi mới lên Bắc Ninh” - chị Toan cho hay.

Do phải chờ lấy giấy chứng nhận hoàn thành cách ly, nên chị Toan không thể bắt kịp chuyến xe khách đi vào buổi sáng 7.2. Chồng chị đành sẽ phải chở chị bằng xe máy từ Tuyên Quang xuống nơi trọ. “Quãng đường từ quê lên nơi tôi trọ là 370km. Biết là đi xe máy có nguy cơ tai nạn cao, trời lại mưa rét, nhưng tôi không có cách nào khác là nhờ chồng chở bằng xe máy. Tôi hy vọng vào ngày 7.2, trời sẽ không còn mưa nữa. Chở tôi xong, chồng tôi sẽ trở về quê ngay” - chị Toan nói.

Khi được hỏi về ước mong năm mới, chị Toan chỉ ngậm ngùi: “Tôi có nhiều điều ước lắm, nhưng cuộc sống không được như tôi nghĩ, còn rất nhiều khó khăn, khổ cực”. Một mình chị Toan thuê trọ làm công nhân tại Bắc Ninh 4 năm nay, chồng và 2 con ở quê. Chồng chị Toan bị bệnh u vòm họng, sức khoẻ yếu, không có việc làm ổn định. Khi sức khỏe cho phép, anh làm những công việc lặt vặt, thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng. Chị Toan mắc bệnh thiếu máu, thường xuyên phải uống thuốc, truyền máu.

“Lương cơ bản của tôi hơn 4 triệu đồng/tháng, nếu có tăng ca được từ 6-7 triệu đồng/tháng. Phải tằn tiện lắm thu nhập của vợ chồng tôi mới đủ để nuôi 2 con ăn học, trang trải cuộc sống sinh hoạt của gia đình, mua thuốc chữa bệnh” - chị Toan nói.