Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ Tết

Huyền Văn
Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam may mắn còn lại dáng nét trong thơ Đoàn Văn Cừ như chứng tích của cả một thời xưa

Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam may mắn còn lại dáng nét trong thơ Đoàn Văn Cừ như chứng tích của cả một thời xưa:

“Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo nhau
(Chợ tết)

Đòan trải dài vùn vụt giữa dòng sông
Người lố nhố chèo lên làn nước lạnh
Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh
Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn
Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn
(Đám hội)

Một cụ già râu tóc trắng như bông
Mặc áo đỏ cầm hương đi trước đám
Dăm sáu cụ áo nền bông đỏ sẫm
Quần nâu hồng chống gậy bước theo nhau
Hàng ô đen thong thả tiến lên sau
(Đám cưới mùa xuân)

Những hình ảnh chân thật đầy màu sắc và hoat động thật sống động. Nó dường như muốn tự phân biệt với đố lớn thơ của nhiều tác giả trong phong trào Thơ mới, nhìn chung là hướng ra đời sống thị thành, và hướng con người đi vào và đào sâu một cái Tôi riêng. Còn Đoàn Văn Cừ cùng với những người thuộc xu hướng như ông là Anh Thơ, Bàng Bá Lân, và nhất là Nguyễn Bính, lại muốn con người trở về hoặc ở lại với nông thôn, với làng quê, trong những vui buồn xen kẽ, và cả trong cái vui chung, dẫu hiếm hoi, nơi đời sống cộng đồng. Hướng về cội nguồn, về cái chung của số đông, của sinh hoạt nhân quần, lẽ tự nhiên là có cái ồn vui, và cả sự ấm áp:

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc

Cả những gam màu trong thơ tết của Đoàn Văn Cừ cũng là những gam màu nóng:

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết
Con gà sống mào thâm như cục tiết
...
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Chợ là thế. Và chợ tết càng thế. Đông hơn thường. Và vui hơn thường, nhiều màu sắc hơn thường. Nhân quần trong thơ về chợ tết của Đoàn Văn Cừ vẫn là một nhân quần trong sự mưu sinh, trong sự vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày. Nhưng đây là phiên chợ tết, phiên chợ cuối năm, phiên chợ của kết thúc và mờ đầu cho một năm, nên lại có gương mặt rạng rỡ, và mang theo niềm vui, sự thong dong, sự thụ hưởng, sự ngắm nhìn... Cái đó chỉ có trong phiên chợ tết. Đón nhận được thần sắc đó, ý vị đó, Đoàn Văn Cừ đã chuyển được nó vào bức tranh chợ tết trong thơ Đoàn Văn Cừ, bức tranh quê Việt Nam trong lâu dài và chu chuyển của lịch sử bỗng trở nên vĩnh viễn.

Hoài Thanh qua Thi nhân Việt Nam có nói đến “đồng quê” như là nơi”nương náu cuối cùng của dĩ vãng”, trong lời bình thơ Đoàn Văn Cừ. Dĩ vãng và vẻ đẹp của dĩ vãng chỉ có nơi đồng quê ư? Xem ra là đúng. Sinh hoạt phố xá thành thị của ta đã hình thành từ đầu thế kỷ trước khiến cho những chàng trai quê trong thơ Nguyễn Bính vừa ngậm ngùi, vừa lo âu đến thảng thốt:

Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Thế giới thành thị đó đang đổi thay rất nhanh, rất gấp và cực kỳ gấp vào cuối thế kỷ trước đến đầu thế kỷ này. Đổi thay hàng ngày và thậm chí hàng giờ. Nó lấn dần nông thôn, đến mức xem ra đã hết hẳn những phiên chợ tết kiểu Đoàn Văn Cừ. Nhưng may mắn thay, còn đó những bài thơ về những”bức tranh quê” cùng “hội xuân” và “chợ tết”...

Hoài Thanh lưu ý đến cái sống động, cái hoạt động, cái “dồi dào mà rực rỡ” sắc màu trong thơ Đoàn Văn Cừ. Đó quả là nét riêng làm nên thơ ông. Nhưng phần tới, đọc thơ Đoàn Văn Cừ ngay từ khi còn nhỏ, còn ở tuổi bám gấu áo theo mẹ đi chợ tết, tôi thường buồn ngay sau cái vui, hoặc nói cách khác, thường thấm thía một nỗi buồn, có lẽ do được nhìn qua tâm thế một đứa trẻ thấy cuộc vui chóng qua, ngày vui ngắn quá:

Trên con đường đi các làng hẻo lánh
Những người quê lũ lượt trở ra về
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ

Không chỉ riêng chợ tết mà còn lan sang cả các đám cưới và hội xuân, vào cữ giêng – hai:

Người đi xem nhiều bọn đã ra về
Trên đường vắng lá đề rơi lác đác
Ốc xa rúc từng hồi trong xóm mạc

Những “lê thê”, “tơi bời”, rồi “lác đác”, và cả cái tiếng “ốc xa rúc” nơi “xóm mạc” gắn với cảnh hoàng hôn sau cuộc vui kéo dài trong ngày, tự nhiên vẫn cứ là cái phải đến, là cái không cưỡng được, làm đọng lại biết bao là buồn thương và nuối tiếc.

Sau này lớn lên tôi mới hiểu: rốt cuộc thì không khí thời đại vẫn là cái không ai, không nhà thơ nào, kể cả Đoàn Văn Cừ thoát được. Nó là nỗi sầu lớn của thời thế, nằm trong cảnh ngộ chung của dân tộc. Và là sản phẩm của con người khi đi sâu vào cái Tôi riêng, trong cảnh ngộ chung ấy.

Trong Thi nhân Việt Nam, ở cả hai lần ấn hành, mục Đoàn Văn Cừ đều không có tiểu sử. Chỉ có thơ chọn và lời bình của Hoài Thanh. Tác giả Thi nhân Việt Nam đã hai lần đưa tin đều không liên hệ được, cả hai lần “vẫn chưa biết Đoàn Văn Cừ ở đâu!”. Nhà thơ như là người mai danh ẩn tích. Chỉ có thơ mà không thấy người.

Và xem ra không chỉ vào thời của Thi nhân Việt Nam lúc nhà thơ còn ở tuổi ngài hai mươi lăm. Tác giả của Thôn ca, năm 1960, rồi tập Dọc đường xuân, năm 1979 hình như vẫn sống một đời thơ khiêm tốn thầm lặng thế. Ngoài thời gian tham gia quân đội trong kháng chiến chống Pháp, rồi mười năm công tác ở Nhà xuất bản phổ thông; từ năm 1970, sau khi nhà thơ đồng hương Nguyễn Bính mất bốn năm, Đoàn Văn Cừ về, sống ở quê: xã Nam Lợi, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định.

Người bé nhỏ, dáng hiền hậu, khiêm nhường và có phần khắc khổ, chân dung Đoàn Văn Cừ từ những bài thơ viết giữa những năm 1930 cho đến 1960, rồi 1970 dường như vẫn không thật “hòa hợp” lắm với đời sống thành thị.

Chân dung Đoàn Văn Cừ xem ra phải được đặt trên nền cảnh nông thôn Việt Nam thuần hậu, ít thay đổi, thì mới thật là phù hợp. Nhưng như vậy có là đi ngược với quy trình “tiến hóa” không, khi trong tâm tưởng của nhiều thế hệ bạn đọc chúng ta vẫn “sống” với bao thiết tha, luyến nhớ những hội xuân và chợ tết qua bảng màu rực rỡ mà trong trẻo của Đoàn Văn Cừ?

GS. Phong Lê