Dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2023 vào đầu tháng 7, những đổi mới trong đề thi

Đinh Thảo
Ngày 30/1, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến tổ chức như mọi năm vào nửa đầu tháng 7 với nhiều đổi mới trong đề thi.
thi-thpt-1675071750.jpg
Sẽ có nhiều đổi mới trong đề thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: TTXVN)

Năm nay, dự kiến nội dung đề thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.

Đề thi sẽ tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực tế, đề thi năm 2021, 2022 cũng đã xuất hiện các nội dung này.

Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức thi. Đặc biệt, phát huy kết quả đã đạt được từ việc tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho người dân, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến cho thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023.

Riêng thí sinh học xong THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT, hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp những năm trước, những người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả đăng ký xét tuyển (thí sinh tự do) thì đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do sở GD-ĐT quy định.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tổ chức thi, đặc biệt là đăng ký dự thi trực tuyến giúp thí sinh có thể tra cứu chính xác thông tin cá nhân nhờ văn bản rõ nét, chuẩn hóa. Kết quả kê khai của học sinh được lưu bằng bản điện tử với ngày giờ để làm căn cứ đối chiếu khi cần và có thể truy xuất mọi lúc mọi nơi. Học sinh có thể tự hỗ trợ, hướng dẫn lẫn nhau trong việc kê khai thông tin.

Đặc biệt, Bộ cũng có nhiều điều chỉnh để kỳ thi diễn ra tốt hơn. Thứ nhất, điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi. Điều này được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi. Bộ đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.

Thứ ba, tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi.

Dự kiến, Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong 2,5 ngày với ba bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

Phương Thảo - TH