Giải bài toán thiếu nguồn nhân lực cho ngành du lịch

Giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch.

Chiều 13-5, Tổng Cục Du lịch, Sở Du lịch TP.HCM và Trường Đại học Văn Hiến đã tổ chức Hội thảo quốc gia Liên kết vùng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch COVID-19.

Hội thảo cũng có sự tham dự của gần 200 lãnh đạo Sở VH-TT&DL, Sở Du lịch 23 tỉnh, TP.

Du lịch gặp khó sau đại dịch

Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ những khó khăn nói chung và đặc biệt là nguồn nhân lực mà ngành du lịch TP.HCM đang gặp phải.

“Thách thức này không chỉ đối với Việt Nam, mà tất cả các nước trong khu vực, trên thế giới đều đang phải đối diện”- bà Hiếu nói.

du-lich21-1854-1652495201.jpg
Hội thảo đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết khó khăn cho ngành du lịch.

Cũng theo bà Hiếu, nếu như trước dịch COVID-19, ngành du lịch TP trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau dịch COVID-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng.

“Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề”- bà Hiếu cho hay.

Tính đến giữa tháng 4-2022 tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM là 796 doanh nghiệp (giảm 1.341 doanh nghiệp so với năm 2020) trong đó 454 doanh nghiệp lữ hành, 342 cơ sở lưu trú và 6.410 hướng dẫn viên du lịch.

Các giải pháp phục hồi ngành du lịch

Nhằm giải quyết về nguồn nhân lực cho ngành du lịch, bà Hiếu cũng đưa ra một số giải pháp. Theo bà Hiếu, ngành du lịch TP.HCM chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo, vừa tập trung ngắn hạn, dài hạn, vừa tập huấn, bồi dưỡng….

Bên cạnh đó, xây dựng, thành lập thêm các khoa nghiệp vụ du lịch để đào tạo trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin,…đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

du-lich2-66-1652495201.jpg
Hội thảo có sự góp mặt của nhiều bộ, ngành du lịch.

“Thứ hai là chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung bộ… luôn xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong bốn nội dung trọng tâm trong các chương trình hợp tác liên kết với các địa phương”- bà Hiếu cho hay.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết đại dịch COVID-19 là ảnh hưởng đến tất cả các ngành kinh tế, ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và kéo dài.

“Đáng chú ý trong thời gian vừa qua, từ lữ hành đến khách sạn đều bị ảnh hưởng nặng nề, có những thời điểm gần như đóng băng hoàn toàn. Vấn đề quan trọng hơn nữa là lượng lớn lao động trong ngành du lịch đã chuyển dịch”- ông Phương cho hay.

Ông Phương cũng cho biết thêm, sau đại dịch ngành du lịch Việt Nam, từ Bộ ngành, các địa phương đều thúc đẩy hàng loạt hoạt động để thúc đẩy, kích cầu du lịch nội địa, đến từng bước thí điểm mở cửa du lịch quốc tế.

“Trong hai đợt lễ vừa qua có khoảng hơn 5 triệu lượt người du lịch nội địa, tổng thu du lịch đạt tới 22.000 tỉ đồng. Chỉ riêng trong một tháng mở cửa (từ 15-3 đến 15-4) lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, đạt 41.000 lượt, chiếm 4% tổng số lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thời gian đó”- ông Phương nói.

Từ đó, ông Phương cũng cho rằng, ngành du lịch đang phục hồi và sẽ phát triển trong thời gian tới, những con số trên có thể cho thấy ngành du lịch phát triển trong năm 2022. Đây là tín hiệu đáng mừng cho toàn ngành, điều này cũng đưa ra thách thức cho các đơn vị du lịch, đặc biệt là bài toàn về nguồn nhân lực du lịch.

Do đó, đại diện Tổng cục Du lịch cũng đưa ra một số đề xuất để giải quyết về nguồn nhân lực. Đơn cử như các địa phương và doanh nghiệp ngành du lịch cần có các chính sách thu hút nhân lực đã thôi việc, chuyển việc; tổ chức đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành, chú trọng nguồn nhân lực địa phương.

“Ngành du lịch cần đầu tư nguồn nhân lực lâu dài, đào tạo nhân lực công nghệ cao thích ứng bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghệ 4.0”- ông Phương nói.

Hội thảo “Liên kết vùng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch COVID-19” cũng đưa ra nhiều giải pháp và tập trung bốn nội dung gồm: Phát triển du lịch trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19; Phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Liên kết vùng phát triển du lịch, liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; Phát triển các loại hình du lịch đặc thù.