Hitler từng phái đặc vụ bí mật dàn dựng tấn công Đức để khơi mào Thế chiến II - Kỳ cuối

Đinh Thảo
Vào giữa tháng 8/1939, Naujocks và một đội gồm 6 lính SS biết nói tiếng Ba Lan đến Gleiwitz và đăng ký vào ở khách sạn Oberschlesischer, tự xưng là kỹ sư khai thác đang tìm kiếm khoáng sản trong khu vực.

Kỳ cuối: Tiến hành chiến dịch

hitler2-23523-1685004818.jpg
Hitler chào khi binh lính hành quân theo đội hình về phía cây cầu gỗ do Đức Quốc xã xây dựng bắc qua sông San, gần Jarolaw, Ba Lan. Ảnh: Getty Images

Sau đó, chúng bắt đầu tập hợp quân phục Ba Lan, giấy tờ, vũ khí, thuốc lá và những vật dụng cần thiết khác để thực hiện cuộc tấn công theo kế hoạch dàn dựng. Tham gia mật thiết vào quá trình này là một nhân vật không ai ngờ tới: không ai khác chính là Oskar Schindler, nhà công nghiệp và là người sau này đã cứu mạng 1.200 người Do Thái trong thời kỳ diệt chủng Holocaust.

Tuy nhiên, vào năm 1939, Schindler vẫn chưa thay đổi tư tưởng và vẫn tích cực ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Đức Quốc xã. Đây thậm chí không phải là lần hợp tác đầu tiên của ông này với tình báo Đức. Năm 1936, Schindler khánh kiệt và tuyệt vọng sau một loạt dự án kinh doanh thất bại, rồi gia nhập Abwehr – cơ quan tình báo quân đội Đức. Ông được giao nhiệm vụ do thám các tuyến phòng thủ của quân đội Séc gần thị trấn Ostrava. Thật không may, Schindler làm điệp viên thậm chí còn tệ hơn cả làm doanh nhân. Chẳng bao lâu sau, ông bị bắt, bị buộc tội phản quốc và bị kết án tử hình vào tháng 8/1938. Nhưng trước khi ông bị hành quyết, Đức đã xâm lược Tiệp Khắc và Schindler được trả tự do. Sau đó, ông được Abwehr thăng chức và làm phó chỉ huy tình báo ở Ostrava, cách Gleiwitz chưa đầy 20 km. Đồng phục và những thứ khác cho chiến dịch tấn công đài phát thanh Glewitz được cất giữ trong căn hộ của Schindler, trong khi một mạng lưới điệp viên Abwehr dưới quyền chỉ huy của ông này đã giúp đưa các điệp viên SS qua biên giới vào Ba Lan.

Đến ngày 25/8, mọi thứ đã sẵn sàng, Naujocks và nhóm của hắn chờ đợi mật lệnh “Grossmutter gestorben” (nghĩa là "Bà nội đã chết") để bắt đầu chiến dịch. Tuy nhiên, Hitler cảm thấy rằng Ba Lan và các đồng minh có thể sớm đầu hàng trước yêu cầu của mình, nên đã hoãn cuộc xâm lược đến ngày 1/9, khiến Naujocks và người của hắn phải chờ đợi gần hai tuần. Cuối cùng, vào tối 31/8, mật lệnh đã đến trong một cuộc điện thoại gọi tới khách sạn Oberschlesischer. Cả đội lên hai chiếc ô tô và lái đến đài phát thanh Gleiwitz. Ở trên một trong những chiếc xe này là Fasciszek Honiok, một nông dân vùng Thượng Silesian 43 tuổi bị Gestapo bắt giữ vì hợp tác với Ba Lan. Honiok mặc quân phục Ba Lan và bị đánh thuốc mê bất tỉnh.

Đội này đến đài phát thanh vào khoảng 8 giờ tối, xông lên cầu thang và qua cửa trước mà không gặp phải kháng cự nào từ bảo vệ, nhanh chóng áp đảo cả bảo vệ lẫn các kỹ sư đang làm nhiệm vụ, trói và nhốt họ dưới tầng hầm. Sau đó, cơ thể bất tỉnh của Fasciszek Honiok bị lôi ra khỏi xe, bị bắn xuyên sau đầu và vắt qua cầu thang phía trước để làm bằng chứng về việc Ba Lan tham gia vào cuộc đột kích.

Nhưng khi một trong những người của Naujock là Karl Hornack chuẩn bị thực hiện chương trình phát sóng ủng hộ Ba Lan theo kế hoạch dàn dựng, hắn ta nhận ra mình đã mắc một sai lầm nghiêm trọng. Tòa nhà mà đội đột kích không có phòng thu phát sóng, chỉ có thiết bị truyền phát để phát tín hiệu nhận được qua cáp từ thành phố Breslau. Sau 10 phút tìm kiếm tòa nhà trong tuyệt vọng, Hornack đã sử dụng micro chống bão khẩn cấp vốn dùng để cảnh báo người nghe đài về thời tiết khắc nghiệt. Bằng chất giọng Ba Lan hoàn hảo, Hornack thông báo trên sóng: “Chú ý! Đây là Gliwice. Đài phát thanh đang nằm trong tay Ba Lan”.

Hornack đã định kết thúc chương trình phát sóng bằng một tuyên bố về các yêu sách lãnh thổ của Ba Lan trong khu vực, nhưng phần này của thông điệp đã bị cắt do sự cố kỹ thuật hoặc do một kỹ thuật viên Ba Lan đã tìm cách tắt máy phát. Nhưng như vậy là đã đủ và khi đội của Naujock rút khỏi khu đài phát thanh, các đài phát thanh ở Đức đã phát sóng lại thông điệp trên khắp cả nước, coi đây là một bằng chứng về hành vi gây hấn của Ba Lan.

hitler3-23523-1685004818.jpg
Thủ tướng Anh Chamberlain (phía trước bên trái) gặp Hitler (phía trước bên phải) vào tháng 9/1938, một năm trước khi Đức xâm lược Ba Lan. Ảnh: V

20 cuộc tấn công khác của Chiến dịch Himmler cũng thành công tương tự, trừ một ngoại lệ. Đội được giao nhiệm vụ đột kích trạm hải quan Hochlinden đã không được thông báo về sự chậm trễ trong kế hoạch xâm lược và đã tấn công trước khi trạm này kịp sơ tán, dẫn đến cái chết của một số công dân Đức. Nhưng điều đó hầu như không quan trọng: Hitler có lý do để xâm lược. Sáng hôm sau, Quốc trưởng có bài phát biểu trước Quốc hội Đức.

Hắn tuyên bố: “Tôi không còn thấy Chính phủ Ba Lan sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán nghiêm túc với chúng ta nữa. Những đề xuất hòa giải này đã thất bại bởi vì trong khi đó, trước hết, đó là câu trả lời cho cuộc tổng động viên đột ngột của Ba Lan, sau đó là nhiều hành động tàn bạo hơn của Ba Lan. Những điều này một lần nữa được lặp lại đêm qua. Gần đây, có tới 21 sự cố ở biên giới: tối hôm qua có 14 vụ, trong đó có ba vụ khá nghiêm trọng. Do đó, tôi đã quyết định nói chuyện với Ba Lan bằng chính ngôn ngữ mà Ba Lan đã sử dụng với chúng ta trong nhiều tháng qua… Đêm nay, lần đầu tiên những binh sĩ chính quy Ba Lan đã nổ súng vào lãnh thổ của chúng ta. Kể từ 5 giờ 45 sáng, chúng ta đã bắn trả… Tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh này, bất kể chống lại ai, cho đến khi đảm bảo an toàn của Đức Quốc xã và các quyền lợi của đất nước”.

Khi Hitler nói những lời này, binh sĩ Đức đã tràn qua biên giới vào Ba Lan. Mặc dù các cường quốc Đồng minh không bị lừa lâu, nhưng sự nhầm lẫn do Chiến dịch Himmler gây ra đã giúp Hitler có thêm thời gian quý giá để hoàn thành cuộc xâm lược mà không bị cản trở. Vào ngày 17/9, Liên Xô đưa quân vào Ba Lan từ phía Đông. Đến ngày 6/10, số phận của Ba Lan đã được định đoạt và cuộc xung đột hủy diệt nhất trong lịch sử hiện đại đã bắt đầu.