Hồ sơ mật: Thiết bị tác nghiệp của các điệp viên

Đinh Thảo
Khi nhắc đến các thiết bị gián điệp, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến kho vũ khí của James Bond như khuy măng sét phát nổ, bút bắn tia laser, xe công nghệ cao đa năng. Trong lịch sử, các điệp viên ngoài đời thực đã sử dụng nhiều thiết bị, nhưng không phải lúc nào chúng cũng hào nhoáng như vậy.

Trên thực tế, rất nhiều thiết bị gián điệp đã được ngụy trang thành những vật dụng thường dùng hàng ngày. Từ những chiếc máy ảnh được giấu trong bao thuốc lá cho đến những chiếc bi đông phát nổ. Dưới đây là những thiết bị gián điệp được ngụy trang thành những đồ vật mà chúng ta có thể thấy ngay trong nhà mình.

Máy ảnh thuốc lá

Máy ảnh Tessina 35mm là một trong những thiết bị gián điệp độc đáo. Nó được phát minh bởi kỹ sư hóa học người Áo, Tiến sĩ Rudolf Steinbeck và được sản xuất từ năm 1957 đến 1996 tại Gretchen, Thụy Sĩ. Đây là máy ảnh phim 35mm nhỏ nhất từng được sản xuất, thậm chí còn nhỏ hơn cả Minox 35 và có thể đeo trên cổ tay như một chiếc đồng hồ. Máy ảnh chỉ lớn hơn bao diêm một chút với kích thước 65x50x20 mm và có thể dễ dàng giấu trong bao thuốc lá hoặc trong túi xách.

hsm-1-1679279694.jpg
Máy ảnh được thiết kế đủ nhỏ để có thể cho vừa vào một bao thuốc lá. Ảnh: CIA Museum

Hiện tại, có một chiếc Tessina đang được trưng bày tại Bảo tàng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Đây là chiếc máy ảnh được giấu bên trong một bao thuốc lá vào những năm của thập niên 1960. Trong Chiến tranh Lạnh, các đặc vụ của Stasi (Đức) cũng đã phát triển một thiết bị tương tự. Họ đã tạo ra một chiếc hộp thuốc lá chứa cả thuốc lá thật và một chiếc máy ảnh. Khi cần chụp một đối tượng, các đặc vụ sẽ vờ lấy một điếu thuốc ra hút và chụp mà không hề gây nghi ngờ.

Chuồn chuồn

Vào những năm 1970, Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển CIA đã phát triển một thiết bị nghe lén thu nhỏ và cần một thiết bị để có thể gắn nó và truyền được thông tin mà không gây nghi ngờ. CIA đã chọn giải pháp phát triển một phương tiện bay không người lái thu nhỏ có thể bay gần hoặc phía trên mục tiêu, bí mật ghi lại cuộc trò chuyện.

Ban đầu, họ cân nhắc việc chế tạo một thiết bị bay có hình dạng một con ong vò vẽ. Tuy nhiên, loài ong vò vẽ có kiểu bay thất thường, và nếu một con bị phát hiện dừng lại và lơ lửng giữa không trung chắc chắn sẽ gây nghi ngờ. Vì vậy, phương án này đã bị loại bỏ. Sau đó, một nhà côn trùng học nghiệp dư trong dự án đề xuất thiết kế hình một con chuồn chuồn. Chuồn chuồn là loài bay nhanh. Chúng có thể bay lơ lửng, lướt đi và thậm chí bay lùi. Chúng có nguồn gốc từ mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực, vì vậy sự hiện diện của chúng sẽ không có gì lạ.

Do đó, “Insectothopter” đã ra đời. Nó được thiết kế dài 6cm và có sải cánh 9cm, giống kích thước của một con chuồn chuồn thực tế. “Insectothopter” có một động cơ thu nhỏ để di chuyển cánh lên và xuống với tốc độ thích hợp để cung cấp cả lực nâng và lực đẩy. Một lượng nhỏ nhiên liệu đẩy ở thể khí được sử dụng để chạy động cơ và phần thừa được thoát ra phía sau để tạo thêm lực đẩy. Một chùm tia laser dẫn đường và đóng vai trò là liên kết dữ liệu cho cảm biến âm thanh thu nhỏ ở trên.

hsm-2-1679279694.jpg
Dựa vào hình mẫu của “Insectothopter’ nguyên bản của CIA, tình báo Nga sau này đã chế tạo một thiết bị bay không người lái hình con chuồn chuồn có gắn micro. Ảnh: CIA Museum

Các chuyến bay thử nghiệm ban đầu rất ấn tượng. “Insectothopter” có thể di chuyển 200 mét trong 60 giây, nhưng chỉ khi không có gió. Vì trọng lượng của một con “Insecthothopter” chỉ 1 gram, nên ngay cả làn gió nhẹ nhất cũng có thể thổi bay nó. Mặc dù là một phát minh mới, “Insectothopter” chưa bao giờ được đưa vào một điệp vụ thực sự.

Sau này, dựa vào hình mẫu của “Insectothopter" nguyên bản của CIA, tình báo Nga đã chế tạo một thiết bị bay không người lái hình con chuồn chuồn có gắn micro. Tuy nhiên, nó quá nhỏ để có thể điều khiển từ xa và không có thiết bị do thám nào đủ nhỏ để gắn lên nó. Ngày nay, các cơ quan tình báo đã thiết kế nhiều thiết bị tương tự có thể điều khiển được và có thể thực hiện nhiệm vụ do thám và chúng thậm chí còn nhỏ hơn so với “Insectothopter”.

Bình nước phát nổ

Loại bình nước phát nổ này được một số sĩ quan tình báo của Quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhìn bề ngoài, nó là một chiếc bình đựng nước bình thường, nhưng ở phía dưới đáy có gắn một khối thuốc nổ. Nó được kích nổ bằng cách kéo chốt nối với nắp của bình nước bằng một đoạn dây.

Thẻ thoát hiểm

Chơi bài được xem là một phần cuộc sống của người lính ngoài mặt trận. Đó là cách đơn giản nhất để giết thời gian và giúp họ thoát khỏi cuộc sống căng thẳng hằng ngày ở vùng chiến sự. Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, United States Playing Card Company (USPCC) đã nhận ra tầm quan trọng của phụ kiện này và bắt đầu sản xuất những bộ bài rẻ tiền, phù hợp túi tiền của những người lính sắp đến châu Âu để chiến đấu ở Mặt trận phía Tây. Quân đội Mỹ và USPCC đã có một thời gian dài hợp tác cùng nhau, nhưng chính Công ty chơi bài Bicycle (một thương hiệu của USPCC) đã đưa hợp tác hai bên lên một tầm cao mới.

hsm-3-1679279694.jpg
Bản đồ được giấu trong quân bài giúp tù binh trốn thoát khỏi các nhà tù. Ảnh: spymuseum.org

Cụ thể, Bicycle đã hợp tác với các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ và đồng minh để tạo ra những bộ bài đặc biệt, trong đó con át chủ bài che giấu một mảnh bản đồ ẩn có thể giúp tù binh trốn thoát khỏi các trại tù của Đức. Bản đồ được giấu ở giữa hai lớp của quân bài. Để lộ mảnh bản đồ, chỉ cần ngâm thẻ trong nước. Tuy nhiên, do giới hạn về kích thước, nên phần của bản đồ có thể được giấu ở các quân bài khác nhau và tù binh đôi khi phải tìm ở nhiều bộ bài để có được một bản đồ hoàn chỉnh.

Theo thống kê, đã có ít nhất 32 người trốn thoát khỏi lâu đài Colditz nhờ bộ bài bản đồ này và nó cũng đã khuyến khích 316 người khác trốn tù.

Đồng xu rỗng

Trong Chiến tranh Lạnh, các đồng xu rỗng đã được các điệp viên sử dụng như một thiết bị gián điệp để chuyển các thông điệp bí mật, giấu thuốc độc tự sát và buôn lậu vi phim chứa tài liệu bí mật mà không bị phát hiện. Đồng xu được gia công thủ công với độ chính xác cao từ hai đồng xu thật để tạo thành một ngăn bí mật bên trong. Sau khi đóng lại, nó hoàn toàn không thể phân biệt được với một đồng xu thông thường bằng mắt thường. Nó có thể được mang trong ví và không bị phát hiện nếu bị lục soát.

Câu chuyện liên quan đến công cụ độc đáo này bắt đầu từ năm 1953 khi một cậu bé bán báo tên là Jimmy Bozart được một người phụ nữ tặng một đồng xu và một số tiền lẻ khi bán cho cô tờ Brooklyn Eagle. Cậu bé sau đó vô tình làm rơi đồng xu, đồng xu bị tách làm đôi. Khi nhặt lên, cậu thấy đó là một đồng xu rỗng có chứa một mảnh vi phim nhỏ bên trong. Jimmy quyết định mang đồng xu và vi phim đến cảnh sát. Sau đó, họ đã thông báo cho FBI.

Sau khi kiểm tra vi phim, FBI kết luận rằng đó là một loại thông điệp được mã hóa. Mặc dù FBI không thể giải mã được nội dung, nhưng họ suy luận rằng máy đánh chữ được sử dụng để in mã là của nước ngoài.

hsm-4-1679279694.jpg
Đồng xu rỗng là một trong những thiết bị gián điệp độc đáo. Nó được KGB dùng để chuyển các thông điệp bí mật mà không bị phát hiện. Ảnh: CIA Museum

Năm 1957, Hoa Kỳ nhận được thông tin liên lạc từ một điệp viên Liên Xô muốn đào thoát. Tên anh ta là Reino Hayhanen, người đã cung cấp cho FBI thông tin về một mạng lưới gián điệp của Liên Xô đang hoạt động có trụ sở tại New York để đổi lại được bảo vệ và đào tẩu an toàn. Với sự giúp đỡ của Hayhanen, FBI cuối cùng đã có thể giải mã thông điệp được tìm thấy bên trong đồng xu. Ngẫu nhiên, đó là một tin nhắn gửi đến Hayhanen. Tuy nhiên, vì một số lý do nào đó mà anh ta không bao giờ nhận được và đồng xu cuối cùng đã được lưu hành ở New York và sau đó được tìm thấy bởi Jimmy.

Người ta biết được rằng mạng lưới gián điệp của Liên Xô đã sử dụng nhiều đồng xu rỗng, bu lông và các vật thể rỗng khác để truyền tin. Với sự hỗ trợ của Hayhanen, Rudolf Abel, một điệp viên tích cực của Liên Xô thời bấy giờ, đã bị bắt. Anh ta bị buộc tội gián điệp, bị kết án và bị bỏ tù.

Liên Xô không phải là quốc gia duy nhất sử dụng các thiết bị rỗng để giấu thông tin quan trọng. Năm 1960, Gary Powers, một phi công máy bay U-2 của CIA, được lệnh bay qua không phận Liên Xô để chụp ảnh và ghi lại các địa điểm nhạy cảm của Nga. Thật không may, máy bay đã bị bắn hạ và Gary bị bắt làm tù binh. Anh ta sở hữu một đồng đô la bạc rỗng có chứa một cây kim tẩm độc để tự sát khi bị bắn hoặc gặp rắc rối. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà anh ta đã không sử dụng nó và bị Liên Xô giam giữ trong 21 tháng. Ngày 10-2-1962, Liên Xô và Hoa Kỳ đã đồng ý trao đổi Gary Powers và Đại tá Vilyam Fisher (hay còn gọi là Rudolf Abel) tại cầu Glienicke, Berlin, Đức.

Ngày nay, đồng xu có thể được sử dụng để giấu chip máy tính, chẳng hạn như thẻ nhớ Micro-SD. Những thẻ nhớ như vậy có thể chứa hàng nghìn, thậm chí hàng triệu tài liệu bí mật. Nếu chúng ta giả sử rằng một trang văn bản A4 có dung lượng 4KB, thì thẻ nhớ 32GB có thể chứa 8 triệu trang. Và ngay cả khi các trang có chứa hình ảnh, thì vẫn có thể lưu hàng nghìn hình ảnh.

Chiếc ô Bulgary

Ngày 7-9-1978, các bác sĩ phẫu thuật đã tìm thấy chất độc ricin trong đùi Georgi Markov, một chính trị gia Bulgaria. Chất động chết người đã xâm nhập vào cơ thể của ông. Các chuyên gia sau đó đã đưa ra giả thuyết rằng Markov đã bị đâm vào đùi từ phía sau bằng một chiếc ô có gắn đầu kim. Khi bóp cò gắn trên tay cầm ô, xi lanh khí nén bắn ra một viên thuốc độc nhỏ dưới da và thuốc độc từ từ xâm nhập vào cơ thể và gây chết người. Trong một thời gian dài, cấu trúc đặc biệt của "chiếc ô Bulgary" đã thu hút không ít trí tưởng tượng của công chúng.

hsm-5-1679279694.jpg
Thiết bị gián điệp có cấu trúc đặc biệt này đã thu hút không ít trí tưởng tượng của công chúng. Ảnh: spymuseum.org

Giày phát tín hiệu

Trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô đã tiến hành nhiều chiến dịch gián điệp để thu thập thông tin được coi là sống còn đối với an ninh quốc gia của nhau. Nằm trong nỗ lực đó, KGB đã tạo ra một micro và máy phát tín hiệu có thể giấu trong đế giày.

Máy phát này có thể phát hiện cuộc trò chuyện ở khu vực lân cận và phát đến một máy thu nằm trong trạm giám sát bí mật gần đó. Khi lắp vào, một chốt nằm ở phần gót rỗng được kéo ra và kích hoạt đèn hiệu radio và micro, cho phép ghi lại cuộc trò chuyện cho đến khi hết pin. Về cơ bản, máy phát này là một đài phát thanh nhỏ, phát sóng trên tần số mà chỉ máy thu đặc biệt mới phát hiện được.

hsm-6-1679279694.jpg
Micro và máy phát tín hiệu được giấu trong đế giày. Ảnh: spymuseum.org

Tuy nhiên, vào những năm 1970, thiết bị gián điệp này ít được sử dụng dần khi nhiều công nghệ nghe lén phức tạp hơn ra đời.

Mực tàng hình

Không phải tất cả các thiết bị gián điệp đều phải có công nghệ cao hoặc thiết kế tinh vi. Mực tàng hình là một ví dụ. Trên thực tế, các điệp viên từ lâu đã dựa vào một phương pháp tự chế rất đơn giản để chuyển các thông điệp ẩn. Họ đã nhúng một cây bút vào nước cốt chanh và dùng nó để viết một tin nhắn lên giấy.

Sau khi nước chanh khô, dùng bút bình thường để viết thứ khác lên tờ giấy. Nội dung có thể là những nội dung vô thưởng vô phạt hay danh sách mua hàng. Khi nhận được thư, người nhận chỉ cần hơ nó lên một ngọn nến hoặc bóng đèn. Sức nóng sẽ biến nước cốt chanh thành màu nâu, thông điệp ẩn trên giấy hiện ra như một phép màu.