Hoàng Minh Thảo - Vị tướng văn võ song toàn

Lương Đàm
Thượng tướng, GS, Nhà giáo nhân dân (NGND) Hoàng Minh Thảo sinh ngày 25-10-1921, mất ngày 8-9-2008, tên thật là Tạ Thái An, sinh tại xã Bảo Khê, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Hoàng Minh Thảo là tên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông.

Họ Hoàng là lấy tên của trường quân sự Hoàng Phố, còn tên đệm Bác giải thích: "Bác thấy chú là con người nhanh nhẹn, tháo vát và thông minh. Chú có cách sống giản dị, đối xử với anh em đồng đội rất nghĩa tình và thơm thảo. Do vậy Bác đặt tên, đệm của chú là: Minh Thảo, chú thấy có được không?". Họ tên Hoàng Minh Thảo đã gắn bó với ông suốt cuộc đời.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước, quân đội giao nhiều trọng trách; được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1959, Trung tướng năm 1974, Thượng tướng năm 1984; được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Vị tướng mưu lược trên chiến trường

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tham gia cách mạng năm 1937, cùng nhân dân cướp chính quyền ở Tràng Định-Thất Khê, Lạng Sơn (1944). Khi mới một tuổi quân, ông chỉ huy đội du kích tiêu diệt đồn Pò Mã nổi tiếng (5-1945). Tháng 7-1945, ông được phân công làm Trưởng ban phụ trách Công tác biên giới của Tổng bộ Việt Minh.

Với tư duy thông thái, tài năng chỉ huy quân sự, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như: Phó tư lệnh, Tư lệnh Liên khu 3 khi mới 24 tuổi (9-1945); người trẻ tuổi nhất được giao giữ chức Khu trưởng Chiến khu 3 và được phong quân hàm đại tá đợt phong hàm đầu tiên khi mới 27 tuổi (1948); Tư lệnh Liên khu 4 (2-1949); Tư lệnh Đại đoàn 304 khi mới 29 tuổi (1950).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Minh Thảo đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo điều hành kết hợp tác chiến rất hiệu quả giữa bộ đội chủ lực với dân quân du kích tiến công vào hậu phương địch ở Kiến An, Đường 5, Hải Phòng; chiến trường Trung Lào, cánh đồng Chum... Trực tiếp chỉ huy Đại đoàn 304 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

z2864994575094-85243ca3e4523bc57128f0695a52ae91-1638324559.jpg
Tư lệnh Hoàng Minh Thảo (thứ 2, từ trái sang) cùng các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần 10 năm (1966-1975), trên chiến trường Tây Nguyên, ông được giao nhiều trọng trách: Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1966), Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1968); Phó tư lệnh Quân khu 5 (1974); Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên (3-1975).

Đây là giai đoạn gắn liền với những trận đánh, những chiến dịch và chiến thắng lẫy lừng, minh chứng ông là vị tướng chỉ huy mưu lược. Với cương vị Tư lệnh Chiến dịch Đắc Tô 1 (1967), cách đánh "Vận động tiến công kết hợp chốt" đã gắn liền với tên tuổi của ông. Chiến dịch Đắc Tô II (từ 5-5 đến 26-6-1969), một tư duy sáng tạo về cách đánh mới, bước đầu vận dụng thành công nghệ thuật "Vận động bao vây, tiến công liên tục" và phối hợp lực lượng đánh bại chiến thuật di tản, co cụm, đóng chốt điểm cao của địch, làm thất bại một bước biện pháp chiến lược "quét và giữ", buộc địch phải co vào thế phòng ngự bị động trên chiến trường Tây Nguyên...

Trên cương vị Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và tư lệnh nhiều chiến dịch, với nhãn quan của một nhà quân sự, đồng chí Hoàng Minh Thảo là người đầu tiên đề xuất lựa chọn Nam Tây Nguyên làm hướng mở đầu, Buôn Ma Thuột là mục tiêu mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã trực tiếp tạo ra thế trận và thời cơ đột biến về chiến lược để giải phòng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Người thầy tâm huyết và uyên bác trên giảng đường

Sau khi tiếp quản Thủ Đô (10-1954), ông giữ chức vụ Hiệu trưởng Học viện Quân sự liên tục từ 1954-1966. Hơn chục năm làm công tác quản lý giáo dục, đào tạo, vừa chỉ đạo vừa trực tiếp nghiên cứu khoa học quân sự, những bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn được chuyển tải cho những thế hệ cán bộ cao cấp của quân đội. Ông luôn là người đi đầu truyền lửa, truyền thụ không chỉ kiến thức mà phương pháp tư duy cho người học một cách khoa học, sát với thực tiễn.

Từ năm 1977 đến 1990, ông là người giữ cương vị người đứng đầu dài nhất trong lịch sử Học viện Quân sự Cấp cao, ông rất tâm đắc, nhiệt huyết phương pháp vận dụng các quy luật của lịch sử và diễn biến thực tế trên chiến trường để vận dụng vào giảng dạy, kích thích sự khám phá, gợi mở, ham muốn, phát triển trong nghiên cứu khoa học của người học. Đồng thời, gián tiếp loại bỏ phương pháp "thuộc bài" lịch sử máy móc, đơn thuần, khô cứng cho người học.

Với nỗ lực trong giảng dạy và nghiên cứu cứu khoa học không biết mệt mỏi, ngày 12-9-1986, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định đặc cách phong GS cho Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Cuối năm 1988, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu NGND, đây là danh hiệu cao quý, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về những cống hiến của ông đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo cán bộ của quân đội và đất nước.

Nhà khoa học quân sự xuất sắc

Năm 1990, dù tuổi đã cao, nhưng trước yêu cầu nghiên cứu tham mưu chiến lược quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, với tài năng, trí tuệ của mình, Thượng tướng GS, NGND Hoàng Minh Thảo là người đầu tiên được bổ nhiệm Viện trưởng Viện chiến lược quân sự, nay là Viện chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng).

z2864994567389-ec299090e3739e86038345197cf61273-1638324559.jpg
Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo lúc sinh thời. 

Trong 5 năm (1990-1995), ông đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia nghiên cứu hoàn thành nhiều công trình, đề tài có tính cấp thiết. Nhiều công trình nghiên cứu, tiêu biểu của ông đã được công bố, phát hành, trong đó có cụm 8 công trình về nghệ thuật quân sự: "Học tập khoa học quân sự Xô Viết" (1958); "Tổ tiên ta đánh giặc" (1969); "Thất bại của một sức mạnh phi nghĩa" (1975); "Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng" (1977); "Tìm hiểu một số vấn đề về nghệ thuật chỉ huy" (1987); "Nghệ thuật tác chiến: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn" (1990); "Về cách dùng binh" (1997); "Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự (2001)... Đây thực sự là những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao để các thế hệ cán bộ chỉ huy, cơ quan các cấp trong quân đội nghiên cứu, học tập, vận dụng vào lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo là chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp phát triển khoa học. Ông là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực tự học, tự rèn, không ngừng trau dồi tài năng để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Một vị tướng mưu lược trên chiến trường, người thầy tâm huyết và uyên bác trên giảng đường; nhà khoa học xuất sắc nghiên cứu về quân sự, quốc phòng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.