Học và đọc thầy Trương Chính

Huyền Văn
Trương Chính là một tên tuổi đã thành danh từ trước năm 1945, với ba tác phẩm:  Dưới mắt tôi (1939),  Những bông hoa dại (1942) và  Nghệ thuật tiểu thuyết (1444 – mất bản thảo). Ông có mặt trong Quyển Ba bộ sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan.
nlntv-0q4dfag6-1657596435.jpg
Ảnh Bùi Xuân Thắng

Biết ông người cùng quê Nghệ Tĩnh, nên cũng hiểu được ít nhiều tạng “ văn và người” Trương Chính. Tinh tế, phảng phất đôi chút khinh bạc và cao ngạo, tất nhiên không phải người xứ Nghệ nào cũng thế; nhưng phàm là người xứ Nghệ có độ vững của trí thức, thường ít nhiều có nó, dưới các biểu hiện khác nhau, kín đáo hoặc lộ rõ.

Dường như có sớm ở ông một cốt tính, một định tính như vậy, ngay từ đầu và suốt cả đời văn, tính từ Dưới mắt tôi. Trong tác phẩm này, Trương Chính nhận định và phán xét những Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… toàn là những tên tuổi lẫy lừng của thời kỳ 1930 – 1945! Ngót 20 năm sau đó, trong Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập ba, mà ông là đồng tác giả, ông trở lại cũng đối tượng ấy và dường như cũng điểm nhìn ấy trong các chương về Tự lực văn đoàn, Khái Hưng, Nguyễn Công Hoan… Một cách nhìn, cách đánh giá vẫn là trên chiều hướng nghệ thuật vị… nghệ thuật, chú ý trước hết vào giá trị văn chương của tác phẩm, không chịu được những đạo ngôn đao to búa lớn, hoặc thô nhám, trần trụi. Hơn 40 năm sau Lược thảo… trong bộ Tuyển 2 tập cho toàn đời văn của mình, ông lại chọn đăng, rút ở Dưới mắt tôi, các bài phê bình Lạnh lùng, Tối tăm, Gia đình, Đời mưa gió của hai tác giả Nhất Linh, Khái Hưng. Sự chọn lại sau 60 năm, là nhằm khẳng định lại các quan niệm nghệ thuật của mình; cũng đồng thời là sự khẳng định giá trị nghệ thuật tiểu thuyết của Nhất linh và Khái Hưng mà ông đánh giá rất cao.

Thời sinh viên, tôi chỉ học thầy Trương Chính có một năm; nhưng đời nghề nghiệp của tôi thường luôn luôn có ông ở bên. Sau Dưới mắt tôi và Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, lại đến với tôi các bản dịch của ông về Gào thét, Bàng Hoàng, Chuyện cũ viết lại và Tạp văn của Lỗ Tấn, rồi giáo trình Lịch sử văn học Trung Quốc…Ông trở thành người sớm nhất kế tục công việc Đặng Thai Mai đã làm, trước và sau 1945.

Ông có một sự nghiệp làm thầy trên 20 năm. Còn sự nghiệp viết thì dài hơn gấp ba lần. Viết cho Ban tu thư, cho sách giáo khoa; và về sau là các công trình dịch thuật, hiệu đính, chuyên khảo và nhất là các tiểu luận… Tiến trình văn học cổ điển dân tộc trở thành đối tượng hấp dẫn ông từ sau năm 1960 trong quá trình ông cộng sự và học tập cụ Lê Thước – như vậy là phải sau hơn 20 năm, tính từ khởi nghiệp phê bình. Ở tuổi nghề từng trải và tuổi đời sau 40, cái vốn văn hóa cổ điển dân tộc này được ông tiếp nhận và thâm nhập thật kỹ lưỡng. Ông đã viết gần như xuyên suốt toàn bộ di sản cổ điển một cách thật am hiểu, với sự cảm thụ tinh tế và sâu. Có thể nói ông không để lại một chuyên luận lớn nào, cũng chưa có riêng một bộ giáo trình nào, nhưng trên tất cả những gì ông đã viết, từ Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn… đến Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… vốn văn học cổ điển của dân tộc đã hiện lên thật sinh sắc và rạng rỡ. Đối với tôi, ông là một trong số ít chuyên gia tin cậy về văn hóa dân tộc, trên cả hai phương diện: khảo và bình.

Một con đường dài có chút quang co, vòng vo nhưng lúc nào cũng là một chân dung miệt mài, thầm lặng, với một niềm yêu mến văn chương dường như có tự bẩm sinh. Niềm yêu mến đó cùng kết quả những kết quả kiếm tìm của ông thường trong một vẻ kín đáo, không mấy khao trương. Người viết Dưới mắt tôi, về sau lại là người ít khi nói về mình, cũng ít tranh cãi với ai. Hơn 30 năm sau Dưới mắt tôi cũng đã có một lần ông tham gia vào một cuộc tranh luận chung quang bộ tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi; nhưng hình như cũng chỉ duy nhất có một lần ấy thôi. Tôi không hiểu trong “vụ” đó ông có chút phiền hà gì không? Bởi sau đó, ông lại trở lại con đường phủi bụi thời gian cho các vẻ đẹp cổ điển. Phải hơn 60 năm sau, vào tuổi 8, ông mới có dịp “tâm sự” về mình – “tâm sự” chứ không là tổng kết, trong cuốn sách tư liệu Nhà văn Việt Nam hiện đại của Hội Nhà văn Việt Nam mà ông thuộc lớp hội viên đầu tiên:

“Không có gì đặc biệt. Chỉ là ham mê văn học, thích nói ý kiến riêng của mình về một tác giả, một tác phẩm đã đọc và mình yêu mến, rồi viết vừa học tập, trau dồi tư tưởng cho khỏi sai lầm và thích hợp với thời đại, rất chú ý đến cách hành văn.

Là một nhà phê bình và nghiên cứu văn học tôi chú ý nhất tính trung thực, nói thật những cảm nghĩ của mình, không phụ họa ai, không nói theo ai, không có ý kiến gì thì không viết. Tôi cho rằng sống hay viết đều phải có lý tưởng ( lý tưởng của thế hệ mình và thời đại mình). Rất ghét thứ văn chương trống rỗng, văn chương xu thời, văn chương xu nịnh. Đơn giản chỉ có thế. Nhưng chính vì thế mà không được lòng ai, ít được ai chú ý, bị người ta lảng tránh hoặc e dè. Dù biết thế, nhưng tôi không thể thay thế hoặc ân hận, cũng không hề phàn nàn, chỉ ghi lại cho nhớ mà thôi!”

Trước đó không lâu, vào đầu năm 1966, nhân Nhà xuất bản Văn học làm bộ Tuyển 2 tập cho ông, ông đã có dịp tâm sự:
“Nay ngồi biên soạn cuốn Tuyển tập này, có dịp nhìn lại công việc mình theo đuổi trong hơn 60 năm qua, tôi vừa vui vừa buồn: vui vì làm việc đúng sở năng sở thích của mình, buồn vì thấy mình suốt đời âm thầm đi tìm hình bóng và tâm sự của người xưa qua chồng sách đầy bụi, chẳng hay có tìm được nét nào đúng không và có mang lại lợi ích gì cho ai không? Dù sao ngoài thú vui ấy, tôi không hề có thú vui nào khác”.

Một lòng yêu nghề, và được làm việc theo khả năng và sở thích – thế cũng là đủ cho hạnh phúc rồi, dẫu chỉ là hạnh phúc tinh thần. Phải thế ông mới làm được, và làm được trên diện rộng gồm phê bình ( cả bút chiến đôi lần), nghiên cứu, khảo chứng, dịch thuật; và trên khả năng vừa mở rộng, vừa thu hẹp đối tượng nghiên cứu, để trở thành chuyên gia tin cậy về văn học cổ, văn hóa cổ Việt Nam.

Ông có chút buồn và bùi ngùi cho nghề nghiệp cũng là phải. Đó cũng là nỗi bùi ngùi chung của một số người trong giới chúng tôi. Quả tôi có “đọc” thấy ít nhiều sự e dè ở người này ngưới khác trong một số đồng nghiệp hoặc bạn đọc của ông. Nhưng tôi chưa thấy ai giảm sự kính trọng đối với ông. Bởi lẽ, trong cốt cách một trí thức trung thực và tự trọng thì điều tối ưu để có thể gây lòng tin và sự kính trọng của đời, phải là người viết những điều mình nghĩ và những điều mình tin là đúng; chứ không phải bằng sự lựa đón, nương dựa, nói theo.

Rồi thì thời gian và người đời sẽ hiểu – tôi tin tưởng như vậy. Vấn đề là sớm hay muộn. Cũng như ông đang làm cái công việc phủi bụi để tìm các hạt ngọc ở người xưa trong dòng chảy dường như vô tình của đời. Phần tôi, tôi tin trong ông có không có ít những điều quý giá đáng tìm, khiến cho việc đọc hôm nay, trong biển sách bề bộn lắm chủng loại, đối với tôi, vẫn là một việc không những có ích mà còn là thú vui, là niềm vui không dễ có.

GS. Phong Lê