Không lương và thưởng Tết, lao động tự do cật lực "cõng việc"

Lương Đàm
Giáp Tết, những lao động tự do như chạy xe ôm, thu mua đồng nát… đều tranh thủ làm thêm thời gian, cố gắng để "kiếm" một cái Tết ấm áp, trọn vẹn bên gia đình.

Cật lực kiếm công việc thời vụ

Ra khỏi nhà từ lúc 6 giờ sáng nhưng gần 8 giờ, ông Phú (quê Hà Nam) vẫn chưa có khách thuê. Những ngày giáp Tết, ông cố nán lại thành phố, chạy xe để có thêm chút thu nhập.

Ngoài làm xe ôm, ngày này, ông còn nhận thêm chở cây cảnh hay chở hàng cho khách có nhu cầu.

ong-phu-nhan-cho-them-cay-canh-de-kiem-them-thu-nhap-1643427989.jpeg
Ông Phú nhận chở thêm cây cảnh để kiếm thêm thu nhập

Ông Phú cho biết: "Tôi không biết sử dụng công nghệ, ai gọi thì đi nên thu nhập thấp hơn so với mọi người. Mọi năm, bình quân mỗi ngày cật lực tôi kiếm được 300.000 - 400.000 đồng chưa trừ chi phí xăng xe, nhưng năm nay bị giảm đi gần một nửa.

Thấy nhiều người có nhu cầu vận chuyển cây cảnh, tôi ra các điểm bán chờ khách thuê. Tết đến rồi, có vất vả một chút cũng phải cố "cày cuốc" để có tiền lo cho gia đình. Dịch như thế này vẫn có việc đã tốt lắm rồi".

Nhớ quãng thời gian thành phố giãn cách xã hội, ông Phú rơi vào bế tắc vì không có việc làm, trong khi mọi chi phí đều phải chi trả hàng tháng. Để duy trì cuộc sống, ông đành phải thắt chặt chi tiêu, vay mượn thêm để sinh hoạt. Giờ là thời điểm “hốt bạc”, ông cố gắng cày cuốc kiếm tiền gửi về cho gia đình sắm tết.

Ông Phú cho hay, khu trọ mà ông ở, thời điểm này, nhiều người lao động tự do như ông đều cật lực kiếm công việc thời vụ để làm. Người thì sáng bán hàng, chiều giúp việc; người làm phụ hồ, đêm đến lại đi rửa bát thuê…

Theo ông, nếu như không có dịch, người đi lại nhiều thì những người làm nghề xe ôm như ông còn có lãi. Thế nhưng, từ khi có dịch đến giờ, ông Phú không có mấy khách. Nhiều người e ngại dịch hạn chế di chuyển hay sinh viên vẫn ở quê học online nên có ngày ông ngồi chơi, ngóng khách.

Không biết khái niệm thưởng Tết

Ngồi phân loại phế liệu trên đường Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội), chị Phương (quê Nam Định) chia sẻ, gần 20 năm chị gắn bó với công việc thu mua đồng nát nên chị không bao giờ biết đến khái niệm thưởng Tết.

Vậy nên, bắt đầu năm mới, chị mong công việc nhiều, có thêm thu nhập để gửi về quê. Vài năm nay, cứ gần Tết, nhu cầu thuê người dọn nhà nhiều, chị Phương lại tranh thủ thời gian rảnh nhận thêm công việc lau dọn cho một số gia đình. Công việc này giúp chị Phương có thêm 200.000 - 300.000 đồng mỗi ngày, tùy vào thời gian làm việc.

“Người ta đi làm công ty sẽ có thưởng Tết, tôi làm tự do, làm được bao nhiêu người ta trả bấy nhiêu. Hiểu được như vậy nên tôi cố “cày cuốc” để tự thưởng Tết cho mình" - chị Phương chia sẻ.

la-lao-dong-tu-do-khong-co-thuong-tet-chi-phuong-cat-luc-cong-viec-de-tu-thuong-tet-cho-minh-1643427989.jpeg
Là lao động tự do không có thưởng Tết, chị Phương cật lực cõng việc để tự thưởng Tết cho mình

Chị Phương kể, những năm trước, tuy thu nhập không cao nhưng có đồng ra đồng vào, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của chị và chồng giảm đáng kể.

Điều may mắn với vợ chồng chị Phương là dịp cuối năm nhiều việc nên có thêm thu nhập. "Chúng tôi làm từ sáng đến đêm, không ngày nghỉ nên có thể kiếm gần 1 triệu đồng/ngày" - chị Phương cho hay.

Sâu trong ánh mắt của người phụ nữ gần 40, là sự cố gắng không ngừng nghỉ: "Làm nghề gì cũng phải làm hết mình. Lao động tự do như chúng tôi không có tiền lương, không thưởng Tết nên chỉ mong có nhiều người thuê.

Tết đang đến gần, tôi phải chăm chỉ làm việc mới có thêm bánh chưng, bộ quần áo mới cho các con. Ở quê chỉ trông chờ vào hơn sào ruộng sẽ không có Tết ấm no".