Kiểm lâm Thái Nguyên: Những bước chân thầm lặng để đại ngàn mãi xanh…

Huyền Văn
Dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên, sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt của các cấp chính quyền địa phương, những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt nhiều thành tích quan trọng. Đây chính là động lực lớn lao để những bước chân thầm lặng của lực lượng kiểm lâm bền bỉ từng ngày bảo vệ màu xanh bất tận của đại ngàn…

Những năm trở lại đây, công tác bảo vệ, phát triển rừng tại Thái Nguyên luôn ghi nhận những kết quả tích cực. Diện tích “xanh” liên tục được mở rộng, kinh tế lâm nghiệp đi vào chiều sâu, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, tạo nguồn thu ổn định cho người dân địa phương.

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên – ông Lê Cẩm Long khẳng định: Năm 2022, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định; tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trên địa bàn không có điểm nóng về khai thác, phát phá, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép.

nlntv-chi-cuc-truong-chi-cuc-kiem-lam-thai-nguyen-ong-le-cam-long-ben-phai-trong-cay-tai-le-phat-dong-tet-trong-cay-nam-2022-1680227565.png
Ông Lê Cẩm Long – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên tham gia trồng cây tại khuôn viên trụ sở huyện ủy Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên xuân Qúy Mão 2023.

Thực tế ghi nhận, dù biên chế lực lượng kiểm lâm mỏng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên hiện có 165 cán bộ, công chức, người lao động), thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn rộng lớn, thế nhưng, bằng tình yêu dành cho màu xanh của đại ngàn, nhận trọng trách trước Đảng và nhân dân, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trong công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Minh chứng cho thấy, năm 2022, tổng diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 4.163,11 ha/3.700 ha (đạt 112,52% kế hoạch); Số cây xanh phân tán trồng trên địa bàn tỉnh là 1.854.658 cây/1.705.000 cây (đạt 108,78% kế hoạch); Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm ước đạt 649 tỷ đồng (đạt 100,62% kế hoạch, tăng 6,79% so với năm 2021).

Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC được 1.331,9ha/1.400 ha, đạt 95,13% kế hoạch toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; bước đầu đã thực hiện chuyển hóa 112,5 ha rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn tại huyện Đồng Hỷ; sản lượng khai thác đạt 101,21% kế hoạch, tăng 6,27% so với cùng kỳ năm; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 30 vụ so với năm 2021; ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46% đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khoá XX (nhiệm kỳ 2020-2025).

Có thể thấy, nhờ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, cùng sự giám sát, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, công tác bảo vệ, phát triển rừng tại Thái Nguyên đã ghi dấu hiệu quả rõ nét, trở thành điểm tựa vững chắc để Thái Nguyên phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.

Nhằm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ “vàng mười” của địa phương cũng như của Quốc gia, ông Lê Cẩm Long - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo kế hoạch.

nlntv-can-bo-kiem-lam-tinh-thai-nguyen-tuan-tra-rung-tai-dinh-hoa-1680227535.png
Cán bộ Chi Cục Kiểm lâm Thái Nguyên kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Trong năm 2023, thực hiện trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh 3.435 ha (trồng rừng phòng hộ: 245 ha; trồng rừng sản xuất: 3.190 ha (trồng rừng gỗ lớn 640 ha; trồng rừng gỗ nhỏ: 300 ha; trồng Quế theo Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh: 350 ha; trồng rừng do người dân tự bỏ vốn trồng: 1.900 ha). Ổn định tỷ lệ che phủ rừng (theo tiêu chí mới) từ 46% trở lên.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đặc biệt trong những tháng khô hanh; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng, tạo vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ tập trung, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ; Thu hút nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, các dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động Lâm nghiệp.

nlntv-can-bo-chi-cuc-kiem-lam-thai-nguyen-tha-dong-vat-hoang-da-ve-rung-tu-nhien-tai-than-sa-phuong-hoang-1-1680227873.png
Cán bộ Chi Cục Kiểm lâm Thái Nguyên thả động vật hoang dã về rừng tự nhiên khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án: Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; dự án Bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025...

Tin rằng, với quyết tâm lớn lao là động lực; sự tin yêu, ủng hộ của các cấp chính quyền và người dân là điểm tựa, những bước chân không mệt của lực lượng kiểm lâm sẽ thêm vững vàng, bền bỉ, bảo vệ đại ngàn, để rừng xanh mãi xanh...

Bùi Cường – Đức Long