Kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới

Võ Việt
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới”.
kinh-te-1-1669871362.jpg
TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: Những năm gần đây, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đạt được những bước tiến nhanh chóng với sự ra đời của hàng loạt mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số, trong đó có mô hình kinh tế chia sẻ.

Mô hình kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số. Mô hình kinh doanh này giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Đối tượng tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, bao gồm: Người sử dụng cá nhân, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp phi lợi nhuận, doanh nghiệp vì lợi nhuận, cộng đồng địa phương…

Tại Việt Nam, một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện, tiêu biểu như: Dịch vụ vận tải trực tuyến từ 2014 (Uber, Grab, dichung...); dịch vụ chia sẻ phòng (cơ sở Airbnb), dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng (peer to peer lending), dịch vụ du lịch (Triip.me),…

Theo TS Đặng Đức Anh, để đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Thông qua Hội thảo sẽ tập trung vào thảo luận những điều đã làm được, hoạt động nào làm cản trở mô hình kinh tế chia sẻ, từ đó tìm ra ra hướng đi nhằm thúc thúc đẩy quá trình phát triển mô hình kinh doanh theo mô hình mô hình kinh tế chia sẻ.

kinh-te-2-1669871362.jpg
Bà Dương Thu Hương, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Dương Thu Hương, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết: Kinh tế chia sẻ vẫn là một xu hướng, cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi sự phát triển của mô hình này; không cần thiết phải ban hành một luật riêng chỉ để điều chỉnh kinh tế chia sẻ.

Việc điều chỉnh pháp luật trong thời gian tới cần tập trung vào việc xử lý, hạn chế các rủi ro phát sinh do sự phát triển của kinh tế chia sẻ, chẳng hạn: rủi ro đối với người lao động, người tiêu dùng khi tham gia kinh tế chia sẻ; rủi ro xâm phạm dữ liệu cá nhân...

Bà Hương cũng đưa ra một số gợi ý chính sách, bao gồm: Cần tư duy lập pháp mở và linh động để các nhà làm chính sách, các nhà lập pháp đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; có chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh;

Bên cạnh đó, cần bảo vệ quyền lợi người lao động trong nền kinh tế chia sẻ; bảo vệ dữ liệu cá nhân; tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường quản lý thuế với các nhà cung cấp nền tảng trung gian…

Các đại biểu, khách mời tham gia Hội thảo đã đưa ra những ý kiến cho rằng, phát triển kinh tế chia sẻ có thể góp phần giúp Việt Nam có thể thích ứng với những đổi thay lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo cùng mọi nguồn lực để đất nước tiến lên phía trước.

Nền kinh tế chia sẻ đã trở thành một khía cạnh ngày càng quan trọng nhờ những lợi ích mà nó mang lại. Kinh tế chia sẻ giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ.

kinh-te-3-1669871362.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số; thiết thực ủng hộ xu thế phát triển mới, trong đó có mô hình kinh tế chia sẻ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư kinh doanh vào khai thác lợi thế của mô hình kinh tế chia sẻ.

Nguyễn Liên