Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm: Gửi vào ngân hàng nào lãi nhất?

Đinh Thảo
Sau nhiều đợt giảm lãi suất huy động từ đầu năm 2023, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục giảm ở nhiều ngân hàng. Đến nay, chỉ còn một số ngân hàng có mức lãi suất từ 9,5%/năm.
ngan-hang-1677121046.jpg
Lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm (Ảnh: Vietnam+)

Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn một số ngân hàng còn duy trì mức lãi suất từ 9,5% (đối với kỳ hạn 12 tháng). Nhóm Big 4 gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV cùng các ngân hàng thương mại lớn (có quy mô huy động tiền gửi của khách hàng trên 300.000 tỷ đồng) hầu hết đã không còn niêm yết mức lãi suất huy động 9,5%/năm.

Chênh lệch lãi suất tiết kiệm online giữa nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV vẫn được duy trì ở mức đáng kể, dù biểu lãi suất tiết kiệm do các ngân hàng công bố trên website là bằng nhau ở hầu hết các kỳ hạn.

Trong đó, Agribank và Vietcombank đang là hai ngân hàng duy trì lãi suất huy động mức thấp nhất thị trường.

Dù vậy, vẫn có sự chênh lệch đáng kể về lãi suất huy động online giữa hai nhà băng này. Chẳng hạn, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng được Vietcombank và hầu hết các ngân hàng thương mại duy trì 6%/năm, trong khi Agribank vẫn áp dụng mức lãi suất chỉ 5,1% (lãi suất công bố trên website của cả hai ngân hàng này là 4,9%/năm). Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại Agribank lại có phần vượt trội hơn so với Vietcombank, lần lượt là 7,6% và 7,4%/năm. Ở các kỳ hạn còn lại, Vietcombank trả lãi suất cao hơn so với Agribank. Như kỳ hạn 6-9 tháng tại Vietcombank là 6,5%/năm, trong khi tại Agribank là 6,3%/năm.

VietinBank BIDV cùng áp dụng lãi suất 6%/năm cho các kỳ hạn từ 1-5 tháng. Sự chênh lệch bắt đầu xuất hiện tại kỳ hạn 6-9 tháng, lần lượt là 7,8% và 7,9%/năm. Trong khi đó, lãi suất cao nhất tại hai ngân hàng này là 8,2%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng. Đáng chú ý, BIDV đã giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn dài sau 12 tháng xuống còn 7,8%/năm, từ mức 8,2%/năm. Trong khi VietinBank vẫn duy trì lãi suất 8,2%/năm cho các kỳ hạn này.

So với lãi suất niêm yết trên website và tại quầy, lãi suất tiết kiệm online tại VietinBank được cộng thêm 1,1% đối với tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng; cộng thêm 0,6% đối với kỳ hạn 3-5 tháng; cộng thêm tới 1,8% đối với kỳ hạn 6-9 tháng; và cộng thêm 0,8% cho các kỳ hạn còn lại.

Tại VPBank, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-5 tháng vẫn là 6%/năm. Nhưng lãi suất huy động kỳ hạn 6-11 tháng đang áp dụng 8,8%/năm, giảm nhẹ so với mức lãi suất 8,9% hôm đầu tuần. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cũng được VPBank giảm nhẹ từ 9,3% xuống còn 9,2%/năm, trong khi kỳ hạn 18-24 tháng giảm từ 9,4% xuống còn 9,3%/năm.

Ngân hàng NCB cũng cho thấy động thái giảm lãi suất huy động, từ mức 9,3-9,45%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng hôm đầu tuần, nay đã giảm xuống mức chung 9,15%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 10-24 tháng trước đó được NCB áp dụng mức chung 9,45%/năm, nhưng nay giảm xuống mức 9,25%/năm (kỳ hạn 10-11 tháng) và 9,3%/năm với các kỳ hạn 12-36 tháng.

Tại Ngân hàng ABBank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng giảm từ 8,7% xuống 8,4%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm từ 8,9% xuống 8,7%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,0% xuống còn 8,9%/năm. Các kỳ hạn sau đó vẫn được giữ nguyên mức 9,0%/năm.

Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ, như KienLongBank, vẫn duy trì mức lãi suất thuộc nhóm dẫn đầu với các kỳ hạn 6 tháng là 9,3%/năm, 9 tháng là 9,4%/năm, và 9,5%/năm cho các kỳ hạn 12-18 tháng.

Tại Techcombank, nhà băng này hiện chỉ áp dụng hai mốc lãi suất 6%/năm và 8,2-8,7%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi 1-5 tháng và 6 tháng trở lên, trên cả kênh quầy và online. Trong đó, mức lãi suất tối đa 8,7%/năm được ngân hàng áp dụng với các khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng, của nhóm khách hàng Private/VIP 1, kỳ hạn 6 tháng trở lên.

Với Sacombank, tháng 12/2022, ngân hàng vẫn chấp nhận chi trả cho các khoản tiền gửi 1-5 tháng mức lãi 6%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng trả 8,5-9%/năm; 12 tháng trở lên trả 9,1-9,2%/năm. Đến nay, mặt bằng này đã giảm còn 8,2-8,5%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 8,6-8,85%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên, tương đương mức giảm 0,35-0,5 điểm % ở hầu hết kỳ hạn. Thậm chí, nếu gửi tại quầy, mức lãi suất tối đa người gửi nhận được từ Sacombank hiện chỉ là 8,65%/năm khi gửi với kỳ hạn 36 tháng, cũng thấp hơn 0,35 điểm % so với cuối năm 2022.

Theo thống kê, trong nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn, SHB là nhà băng duy nhất ghi nhận mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi tăng từ tháng 12/2022 đến nay, trong khi hàng loạt ngân hàng khác như ACB, MBBank, Techcombank, SCB…đều giảm lãi suất huy động giai đoạn này.

Trong biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ giữa tháng 2, SHB vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng ở 6%/năm; trong khi các kỳ hạn 6-11 tháng được nâng lên 8,42%/năm và kỳ hạn 12 tháng trở lên trả lãi suất 8,82%/năm.

SCB hiện là đơn vị chi trả mức lãi suất cao nhất với mặt bằng 7,8-8,3%/năm nếu gửi 6-11 tháng và 9,1-9,5%/năm nếu gửi 12 tháng trở lên trên kênh quầy. Trường hợp gửi online, mức lãi suất người dân nhận được sẽ là 9,4-9,5%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 9,45-9,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, so với cuối năm 2022, mức lãi suất này của SCB cũng đã giảm gần 0,5 điểm%.

Tại LienVietPostBank (LPB), lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh giảm xuống 9,2%. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm xuống 9,1%. Nhà băng này cũng đang triển khai gói ưu đãi lớn nhằm tối ưu chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Phương Thảo - TH