Làng xã và tôn giáo tín ngưỡng người Việt thời xưa

Huyền Văn
"Có thể nói tín ngưỡng làng xã là một dòng chảy ngược từ cõi trần lên cõi linh thiêng, một thứ linh thiêng hóa lịch sử bởi nhu cầu thực tiễn của dân làng về sản xuất, kinh doanh, giáo dục, sinh hoạt.".

Vài nét về tổ chức làng xã người Việt

Làng xã ở nước ta xuất hiện tương đối muộn nếu hiểu như một cơ cấu hành chính. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, nói về ông Khúc Hạo (cuối thời Bắc thuộc) làm chức Tiết độ sứ lập ra bộ, phủ, châu, xã ở các nơi. Đứng đầu hàng xã là chức Xã quan.

Đào Duy Anh khảo trong lịch sử thấy chức Xã quan cũng trải qua vài trăm năm thay đổi theo vòng cương tỏa của triều đình. Đại để đời xưa các xã thôn không có Lý trưởng do dân cử, mà do triều đình cắt đặt gọi là Quan xã.

Theo Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, vào đầu thời Trần (1226 - 1242), vua Thái Tông đặt chức tư xã, ngũ phẩm trở lên làm đại tư xã, lục phẩm trở xuống làm tiểu tư xã, cùng với xã chính, xã giám là các xã quan, họ chăm lo hộ tịch, và các chức nhiệm quan trọng khác.

Đời vua Trần Thuận Tông các chức ấy bị bãi. Sang triều Lê sơ (1427 - 1525), sau khi khai quốc, đặt trở lại chức xã quan, đại xã ba người, trung xã hai người, tiểu xã một người. Đời Lê Thánh Tông đổi Xã quan làm Xã trưởng. Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17), vua để các châu huyện chọn nho sinh, sinh đồ đặt chức xã trưởng, xã tư, giao cho chỉnh lí việc làng và xét hỏi kiện cáo.

Đến đời Cảnh Trị chọn các lương gia tử đệ cho làm xã trưởng để huấn hoá xã dân, cứ ba năm lại xét hành trạng, nếu tốt cho thăng làm huyện quan. Như vậy đã đến lúc triều đình không can dự vào việc xã thôn, mà để cho quan huyện tự quyết điều hành, chứng tỏ uy quyền của triều đình ngày càng giảm. Đến đời vua Long Đức, Vĩnh Hựu thì xã dân tự hành bầu cử lấy xã trưởng, rồi trình quan phê chuẩn mà thôi. Lệ ấy vẫn còn đến ngày nay.

Câu nói cửa miệng Phép vua thua lệ làng, các cụ còn nói Hương đảng, tiểu triều đình, vì mỗi làng có một tục lệ riêng của mình. Đó là những quy ước truyền thống được dân làng tôn trọng và bảo tồn, hay còn gọi là Hương ước, đây là một điểm đặc biệt của làng xã Việt Nam. Mỗi làng có hương ước riêng, không giống nhau, dân làng áp dụng cho nhiều vấn đề rất khác nhau, chi tiết cụ thể, từ tổ chức làng đến phụ quyền, những vấn đề tư pháp tới đời tư dân làng.

Hương ước hay lệ làng vừa mang tính chất các điều qui định về đạo đức kiểu Khổng giáo ứng dụng, vừa xuất phát từ những quan điểm tín ngưỡng khác nhau, vừa xuất phát từ đặc điểm kinh tế hay dòng họ của mỗi làng cụ thể. Việc làng không đơn thuần chỉ là các việc hành chính mà rộng hơn nhiều, bao gồm toàn bộ các việc chung của dân làng từ chính trị xã hội tới kinh tế, tín ngưỡng, phong tục tập quán và văn hoá. Việc làng là cái việc của mỗi triều đình tối thiểu ở mỗi địa phương, và khi suy thoái, nó cũng trở nên quan liêu, bảo thủ và kìm hãm ghê gớm.

Trong làng thường làm ra các hội khác nhau, hội nghề nghiệp gắn với chuyện làm ăn, hội tư văn gồm những người có chức danh khoa bảng, hội văn phả gồm những người nho học chưa có phẩm hàm, hội võ phả gồm những quan võ, hội đồng môn gồm các học trò học cùng một thầy.

Có thể nói các tập đoàn phường hội trong làng là bộ mặt của xã hội điển hình nông thôn xưa. Ở đó có địa chủ, thương nhân, văn nhân, có lớp cùng đinh, nông dân tự do và tăng lữ. Nổi lên trong đó phải kể đến nhóm trí thức làng. Khi Hán học lên ngôi, đạo Khổng ở triều đình chiếm địa vị thống trị thay thế Phật giáo, thì trí thức làng dựa vào đó để có phép tắc xã hội nhiều hơn là tư tưởng của Khổng đạo. Và đó mới là động lực chính của tư tưởng Việt Nam, văn hoá và nghệ thuật người Việt. Đơn cử như Nguyễn Trãi làm tập Quốc âm thi tập, Nguyễn Du làm Truyện Kiều.

Bà hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc về Bút Tháp dựng chùa, tướng công Hoàng Nhân Dũng làm chùa Keo (Thái Bình), bà chùa Mía (cung phi chúa Trịnh Tráng) làm chợ Mía, chùa Mía ở Đường Lâm (Hà Tây). Sĩ tử học thiên kinh vạn quyển, thi đỗ ra làm quan, nếu thi trượt thành trí sĩ ở làng. Nếu sáng tác như Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khuyến, ở quê nhà gọi là văn nhân. Rất có thể họ là tác giả, hay đạo diễn của tranh tượng, thơ ca dân gian, âm nhạc, tín ngưỡng, văn tế, văn bia, câu đối hoành phi ở làng. Nếu đọc gia phả một nhà nào đó ở làng ta sẽ thấy các tên hiệu, tên huý, sự kể lể công tích của các cụ ông, cụ bà được viết chả khác gì một thế giới vọng tộc của cung đình phong kiến.

Tôn giáo tín ngưỡng trong làng

Tôn giáo của người Việt Nam rất phức tạp, không rạch ròi, qui củ. Về đại thể có ba tôn giáo lớn: đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho, nhưng lại dung hoà với tín ngưỡng bản địa thành nhiều biến tướng khó phân biệt. Người nước ta thờ cả Trời, Phật, các thần linh trong vũ trụ, các quỉ thần, linh hồn người chết.v.v. Tín ngưỡng này can thiệp tích cực và góp phần tạo nên những điểm cốt yếu của ứng xử con người trong cộng đồng và tạo nên các phong tục tập quán, quan niệm rất bền chặt nhưng không khép kín.

Vai trò của các giáo thuyết, của các giáo đoàn, tăng lữ, giáo chủ không rành mạch, khắt khe hay khép kín. Các đức tin và các tục lệ đóng vai trò quan trọng hơn những thứ đó. Cũng như lệ quan trọng hơn phép, luật. Tín ngưỡng qua đường tập tục ăn sâu, gián tiếp chứ không trực tiếp, bằng các giáo phái và giáo luật. Cũng do con đường và phương cách tác động đặc biệt này của tôn giáo, tín ngưỡng nên ảnh hưởng của chúng đến văn hoá, văn nghệ và lối sống cũng khác các nơi khác. Thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ là tín ngưỡng phổ biến và xưa nhất ở nước ta.

Ban thờ gia tiên lập ở nhà và nơi thờ họ, cúng bái trong những ngày giỗ, tết. Trên ban bài trí cẩn thận, bài vị, ảnh, mộc chủ, bát hương, ống hương... Nhà nghèo là cái án thư để mộc, nhà giàu có hương án, linh toạ, khám sơn cùng đồ thất sự bằng đồng, chuông, khánh.v.v. Gian thờ còn được trang trí thêm cửa võng, y môn chạm mai-lan-cúc-trúc hoặc dơi-sóc kèm mấy chữ đại tự “Đức Lưu Quang”, “ Ẩm Hà Tư Nguyên”.

Ngoài giỗ, tết người ta còn dâng cúng thắp hương các ngày Hàn thực (3/3), Đoan ngọ (5/5), Trung thu (15/8), Trùng cửu (9/9), Trung nguyên (15/7), Hạ nguyên (15/10), tết Thanh minh, tết cơm mới.v.v. Các việc vui mừng lễ cưới, mừng thọ, mừng thi đậu, khao lên lão.v.v. đều cúng dâng lễ bố cáo với tổ tiên, “ âm dương phù trợ” còn là làm thêm bát hương cúng thờ thần Thổ công cùng thần Táo quân, mong cầu phúc, cầu làm ăn phát đạt, vinh hiển con đàn cháu đống, mạnh khoẻ.

nlntv-c6f802754c159577f4c111f6ef0365fa-1653034037.jpg
Miếu thờ Thần linh, Đền Tam Lang, Hà Tĩnh.

Đạo Lão trong dân gian khác xa với triết lí cao sâu của Lão tử. Đạo Lão lấy thanh tịnh tự nhiên làm tôn chỉ, lấy tự nhiên ứng các việc tự nhiên. Đạo là một nguyên lí huyền diệu, vô hình vô sắc sinh ra âm dương, triết học của nó căn bản là vô vi, kêu gọi sự hội nhập của con người với tự nhiên. Đạo Lão cơ bản là vậy, nhưng ở Việt Nam khi ảnh hưởng với trí thức Nho học và dân gian, đại để gồm:

- Một số nhà Nho nhiễm tư tưởng thư thái an nhàn, chán công danh phú quí, thích tiêu dao phóng khoáng như trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cống Bích, cả Triệu.

- Một bộ phận nhân dân nhiễm những biến thể của đạo Lão, tin vào truyện thần tiên huyền ảo, vào phép luyện âm binh, cầu âm dương của phù thuỷ, vào thanh đồng, đồng cốt, hầu bóng... nhiều gia đình mở “tĩnh điện” thờ cúng Thái Thượng Lão quân, Độc Cước sơn thần, Trương Thiên Sứ (Trương Đạo Lăng).

Ngoài ra nhiều vùng quê thờ các vị thánh theo triết thuyết bắt nguồn từ ấn Độ, Trung Quốc và cả nhân thần, thiên thần người Việt, như Phạn Thiên, Đế Thích, Ngọc hoàng thượng đế. Phủ Giầy (Nam Định) thờ mẫu Liễu Hạnh, đền thờ Trần Hưng Đạo ỏ Kiếp Bạc (Hải Dương), là nơi tập trung cầu cúng mang nhiều mầu sắc mê tín.

nlntv-989d2967667f2baba876598f85e3abf3-1653028899.jpg
Cổng làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang)

Đạo Khổng nguyên là một tư tưởng và luân lí, học thuyết chú trọng về thực hành, thiên về khoa học xã hội và phép trị nước. Lý luận bàn về âm dương - ngũ hành, chính trị học bàn về tổ chức quốc gia, quan hệ vua - tôi - dân. Xã hội học qui định tầng lớp dân chúng (sĩ - nông - công - thương). Đạo đức học quy định chuẩn đức trong xã hội, gia đình: trung quân - ái quốc, cha con - anh em - vợ chồng. Thuyết về người quân tử: nhân - nghĩa - lễ - trí - tín. Dân gian ít học thì lễ là quan trọng hơn cả, nhằm qui định mọi cách thức ứng xử của con người trong cộng đồng. Về tôn giáo thuần tuý Khổng học đưa ra thuyết tam tài: thiên - địa - nhân. Con người ta có hồn, phách, thể xác, và kết tinh của trời đất và phải kính thờ trời (vua là con trời), ngoài ra còn thờ cúng quỉ thần.

nlntv1-1653034246.jpg
Tam quan chùa Keo (làng Hành Thiện, Nam Định)

Đạo Phật ở làng xã là một trong những tôn giáo phổ quát nhất và đặc sắc bởi các tông phái và tính bao dung, hoà hợp với tinh thần người Việt. Đạo Phật đã từng là quốc đạo thời Lý - Trần, thời kỳ nảy sinh nhiều tư tưởng lớn của các thiền sư trí thức như Vạn Hạnh, Mãn Giác, Không Lộ, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông...v.v. khoảng thế kỷ 16 trở đi, Phật giáo phổ cập về làng xã. Hầu hết số dân đều trở thành tín đồ lỏng lẻo, thoải mái tự nguyện của tôn giáo này.

Triết thuyết Phật giáo ở làng gần với tư duy tín ngưỡng dân quê, những bến mê, luân hồi, bể khổ, điạ ngục, niết bàn, cùng chung với Đạo giáo thờ Thái thượng Lão Quân, chung với Thánh Mẫu, chung với Khổng Tử gọi là tam giáo đồng đường. Thờ "tiền Phật, hậu Thánh" ở chùa là “tôn giáo bản địa” nằm trong tôn giáo “du nhập”, cũng là sự đặc sắc ở làng, sự không thuần khiết về tín ngưỡng này biểu hiện tâm linh đa thần giáo của giáo dân. Nó làm cho đạo Phật tan hoà vào “đạo bản địa” nhiều hơn, giúp người ta hướng thiện, ứng xử với nhau hiền hoà, thoải mái, không gò bó, giáo điều.

Trong làng còn có rất nhiều vị thần phổ thông gắn với đức tin, lòng kính-sợ của dân làng. Trải nghìn năm phong kiến, số lượng thần linh khảo trong Bách thần lục của thời Nguyễn thống kê tới 300 vị (chưa đầy đủ). Một xã Vạn Diệp (Mỹ Lộc, Nam Định) thờ 13 vị gồm: 3 Long Cương, 2 Thiên Quan, 5 vị thần khác và Hưng Đạo Vương.

Nhìn chung, tín ngưỡng cổ nhất dân làng thờ thần đá, thần cây, sau đó đến thần núi, thần sông suối, thần mây, mưa, sấm chớp (Tứ pháp) cầu mùa, thần rắn, giao long. Các vị nhân thần có công giúp nước giành độc lập: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo.v.v. Các vị giúp dân khai khẩn đất hoang để canh tác, lập ấp dựng làng như Nguyễn Công Trứ, những người chết giờ thiêng, kẻ gắp phân, ăn trộm, tà dâm…v.v. Nghĩa là tất tật những hiện tượng và nhân vật gắn với sự kính sợ, dân làng đều thờ cúng, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” càng làm dân làng tin vào việc lễ bái.

Ngoài ra mỗi phường thợ, đơn vị sản xuất còn thờ cúng tổ nghề của mình. Nghề mộc có ông tổ nghề Tô Phú Vượng, nghề nông có thần Nông và cúng cơm mới tháng 10 cùng tổ chức lễ xuống đồng vào mùa xuân. Dân chài ở sông nước thờ thần sông, thần hà bá. Dân chài ở biển thờ cá ông (cá voi).

Thành hoàng làng là các vị thần linh đặc thù của tín ngưỡng người Việt. Người ta thờ vì Ngài là hiện thân của quyền lực cai quản toàn thể thôn xã, che chở cho dân trong làng chống mọi hung thần, phù hộ làng xã thịnh vượng an khang. Sắc phong cho thành hoàng của triều đình chia làm 3 hạng: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần, tuỳ theo tài và công đức của thần đối với đất nước và dân làng.

Tín ngưỡng thành hoàng biểu hiện sự ứng xử của dân làng đối với thần linh mong họ che chở, nên có nhiều điểm tương đồng vùng dân cư cùng thờ nhóm thần linh tương tự. Vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc thờ vua Hùng và bộ tướng của ngài (đình Xốm, đình Hữu Bổ); vùng Sơn Tây thờ các vị thần núi Ba Vì : Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh (đình Tây Đằng, đình Chu Quyến); vùng Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) thờ Nguyễn Công Trứ... Một số nơi thờ thành hoàng là tà thần, yêu tinh thần, dâm thần...v.v. Như vậy tín ngưỡng thành hoàng phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của dân cư nông nghiệp. Ngài là biểu hiện của lịch sử, phong tục, cùng đạo đức, pháp luật, hy vọng của cả làng; lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt (dù là phúc thần hay tà thần).

Việc cúng giỗ thành hoàng, là ngày lễ hội chung của làng có những cung cách, phép tắc qui định nghiêm ngặt. Ngoài ra, thành hoàng còn là nơi để dân làng bố cáo về cưới xin, ma chay, lên lão, phạt vạ…v.v. Vì thế Ngài là một mối liên hệ vô hình khiến cho cả làng thành một cộng đồng có tổ chức và hệ thống chặt chẽ, "Có thể nói tín ngưỡng này là một dòng chảy ngược từ cõi trần lên cõi linh thiêng, một thứ linh thiêng hóa lịch sử bởi nhu cầu thực tiễn của dân làng về sản xuất, kinh doanh, giáo dục, sinh hoạt.".

Nguyễn Hải Phong - Nguyễn Đình Chiến