Lao động tự do lớn tuổi càng khó tìm việc

Lương Đàm
Để tìm được một công việc phù hợp với tuổi già, sức khỏe… nhiều lao động tự do lớn tuổi chấp nhận công việc lương thấp, không có bất kỳ một chế độ phúc lợi nào để tự trang trải cuộc sống, không phụ thuộc vào con cái.
ba-hong-da-ngoai-60-tuoi-nhung-van-mong-muon-tiep-tuc-duoc-di-lam-de-tu-lo-cho-ban-than-luc-tuoi-gia-suc-yeu-1640746409.jpg
Bà Hồng đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn mong muốn tiếp tục được đi làm để tự lo cho bản thân lúc tuổi già, sức yếu

Chỉ mong kiếm được việc làm

Để có tiền nuôi 3 con nhỏ, bà Nguyễn Thị Hồng (66 tuổi quê Thanh Sơn, Phú Thọ) đã phải rời quê hương lên Hà Nội tìm việc. Năm 1995, bà Hồng xin làm bưng bê tại một quán ăn ở Hà Nội. Công việc vất vả, tiền lương không được bao nhiêu, bà được người quen giới thiệu sang làm giúp việc cho một gia đình tại quận Nam Từ Liêm.

Mỗi ngày, bà Hồng thức giấc từ lúc 6 rưỡi sáng, công việc của bà chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, rửa bát… Được biết, cách đây vài năm gia đình thuê bà làm việc mở một tiệm giặt là quần áo. Vì vậy, công việc mỗi ngày của bà Hồng sẽ kiêm luôn việc giặt là quần áo cho khách. Ngoài việc được bao ăn, ở, trung bình mỗi tháng bà được trả khoảng 5 triệu đồng.

Hơn 20 năm trôi qua, khi con cái đều trưởng thành, có công việc và gia đình riêng, bà Hồng vẫn cặm cụi đi làm. Bà chia sẻ: “Giờ các con tôi đều đã lớn khôn, không muốn mẹ đi làm nữa nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục đi làm để có tiền an dưỡng tuổi già, không phải nhờ vả các con. Các con còn phải lo cho các cháu và cuộc sống riêng, mình tự lo cho mình vẫn hơn”.

Mỗi tháng, số tiền lương bà đều gửi vào ngân hàng để tiết kiệm. Bà bảo số tiền tuy không nhiều nhưng sẽ khiến bà yên tâm hơn. Thi thoảng bà về quê, cả gia đình đoàn tụ, con cái đưa các cháu về thăm bà, bà còn có chút quà cho các cháu dù không nhiều.

Năm nay đã 66 tuổi, bà Hồng vẫn thoăn thoắt gấp quần áo cho khách, dọn dẹp nhà cửa… gọn gàng, ngăn nắp. Công việc nhiều, thu nhập thấp nhưng phần vì không tìm được công việc khác ở tuổi này, phần vì đã thân tình với gia đình thuê mình nên bà Hồng không muốn nghỉ. Bà bày tỏ: “Còn sức khỏe còn muốn làm việc. Tôi mong làm được vài năm nữa rồi mới nghỉ hẳn”.

Việc làm ngày càng khó, thu nhập thấp

Vất vả hơn bà Hồng, ông Nguyễn Văn Đấu (49 tuổi) quê Thanh Hóa đã làm thợ hồ tại Hà Nội gần hai mươi năm. Ông Đấu có hai người con, một người đã lập gia đình còn một người đang học lớp 11. Vợ ở quê làm nông, ông Đấu vẫn phải tiếp tục bám trụ thành phố, bươn chải để lo cho người con thứ 2 ăn, học. Trung bình mỗi tháng, ông gửi về cho vợ con khoảng 5 triệu đồng.

Dịch COVID-19 bùng phát, ông bị mắc kẹt tại Hà Nội, không thể về quê cũng không thể đi làm. Là lao động tự do làm công việc thợ hồ, ông Đấu không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào ngoài gạo, mì tôm từ chính quyền địa phương.

Không chỉ thế, chính ông Đấu cũng phải thừa nhận, công việc mà ông đang làm rất “phá sức”. Hiện tại, ông mắc căn bệnh vôi hóa cột sống do thường phải bốc, xếp gạch ngói, ximăng, sắt thép... hoạt động chân tay nặng. “Lúc còn trẻ, có sức khỏe có thể làm đủ công (31 ngày/tháng) không nghỉ. Giờ có tuổi rồi tôi không làm như trước được nữa. Tháng làm được 10 đến 15 ngày là hết cỡ” - ông Đấu bày tỏ.

Khi PV hỏi sao không tìm một công việc nhẹ nhàng hơn để làm, ông Đấu chia sẻ: “Quen rồi. Giờ làm một công việc không tự do giờ giấc, gò bó khó chịu lắm”.

Trước đây, gia cảnh khó khăn, ông Đấu đã nghỉ học sớm để đi làm, chỉ mong có thu nhập để lo cho vợ con. Bao nhiêu năm trôi qua, ông vẫn chấp nhận công việc thợ hồ mà không có bất kỳ khoản phúc lợi nào.

Nhắc đến dự định tương lai, ông Đấu lắc đầu không biết trả lời PV ra sao. Tuổi già sức yếu, ông Đấu đang nghĩ đến chuyện xin một công việc nhẹ nhàng hơn như làm bảo vệ. Ông không có lương hưu, cũng không có khoản tiết kiệm nào. Vì vậy, sau này khi lớn tuổi hơn, ông vẫn sẽ tiếp tục đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Hằn sâu trong đôi mắt người đàn ông này vẫn ánh lên mối lo, nay mai sức yếu tuổi cao, biết chọn việc gì làm...