Mặt trái của thông điệp “mang tiền về cho mẹ”

Lương Đàm
Bên cạnh mặt tích cực, thông điệp “mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu cũng đang gây ra những tranh cãi về tác động gây suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực cho giới trẻ.
den-vau-trong-mv-mang-tien-ve-cho-me-ra-mat-ngay-29122021-1641632317.jpg
Đen Vâu trong MV “Mang tiền về cho mẹ” ra mắt ngày 29.12.2021

MV (Music Video) “Mang tiền về cho mẹ” ra mắt ngày 29.12.2021 của nam rapper Đen Vâu đang đứng đầu danh sách ca khúc thịnh hành của YouTube. Đồng thời, thông điệp của nó cũng gây tranh luận: Liệu "mang tiền về cho mẹ” có thực dụng, có tác động tiêu cực đến suy nghĩ của bạn trẻ?

Mặc dù nội dung MV không có gì sai lệch hay phản cảm, và chính Đen Vâu cũng đã chia sẻ mẹ anh là dân lao động nên cũng không mong mỏi gì hơn ngoài việc con mình có cái nghề, tự lo được cho bản thân, tuy nhiên, vẫn có những ý kiến khác nhau về mặt trái của thông điệp “Mang tiền về cho mẹ”.

“Mang tiền về cho mẹ” là tốt, tích cực, nhưng nếu coi đó là mục tiêu để đạt được bằng mọi giá, thì đó là sai lầm, nguy hiểm”, bạn Nguyễn Văn Chiến (25 tuổi, TP Vinh-Nghệ An) chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ khác, cũng cảm thấy áp lực đối với mục tiêu “mang tiền về cho mẹ” chưa đạt được, dù đã phấn đấu, vất vả không ít.

“Không phải người mẹ nào cũng muốn con mang tiền về. Tiền đương nhiên là cần, là quý nhưng cái mẹ mong nhất là con bình an, hạnh phúc” – bạn Vân Anh (22 tuổi- Hà Tĩnh) nêu quan điểm.

Ở góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Trang Tuệ (Tp Vinh) nói: “Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, hình tượng người mẹ được khắc họa với các phẩm chất cần cù, lam lũ, hết lòng thương yêu, chắt chiu, chịu đựng, hi sinh cho chồng con, chỉ mong con được hạnh phúc. Thông điệp “mang tiền về cho mẹ” không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Mặt khác, theo nhà nghiên cứu Trang Tuệ, đối với người mẹ Việt Nam, tiền không phải là tất cả, mà tình cảm, hiếu nghĩa của người con mới là điều quan trọng. Không phải con chỉ lo đi làm, rồi “mang tiền về cho mẹ” là xong, hoàn thành nhiệm vụ. Cái người mẹ cần là sự yêu thương, quan tâm, săn sóc, gần gũi và chia sẻ.

“Cha ông ta có câu: Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu”. Yêu thương, trân trọng và tôn kính cha mẹ, đó là thước đo đạo đức, chuẩn mực giá trị con người theo đạo lý dân tộc. Tiền chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục đích và không thay thế được tình cảm, hiếu đạo” – ông Trang Tuệ nói.

Theo nhiều chuyên gia, không chỉ trong mối quan hệ gia đình, mà xét trong tổng thể các mối quan hệ xã hội, đồng tiền cũng không phải là thước đo giá trị.

“Lấy tiêu chuẩn “nhiều tiền” để đánh giá đẳng cấp cá nhân là sai lầm. Tiền nhiều đương nhiên là dễ dàng trong cuộc sống, nhưng quan trọng đó có phải là đồng tiền kiếm được từ lao động chân chính hay không, có đem lại giá trị tốt đẹp cho xã hội hay không.

Thực tế thời gian qua cho thấy rất nhiều “đại gia” giàu nứt đố đổ vách nhưng sau đó vướng vòng lao lý, bởi vì cách họ kiếm tiền là phạm pháp, trái đạo đức xã hội”, Luật sư Vũ Biên (Hà Nội) chia sẻ.