Một ít nỗi niềm khi biên soạn tác giả Văn học thiếu nhi Việt Nam (Phần 2 và hết)

Đinh Thảo
Từ đáy lòng, tôi luôn quý mến và trân trọng các tác giả viết cho thiếu nhi. Bởi tôi nghĩ: các nhà văn khi viết cho người lớn có thể rối rắm, phức tạp, đa nghĩa, nhiều ẩn ý... nhưng khi đi vào miền đất cho thiếu nhi, người viết nào hầu như cũng dành cho các em những phần trong trẻo, tốt đẹp nhất.
thieu-nhi-1-1685610692.jpg
Một ít nỗi niềm khi biên soạn tác giả Văn học thiếu nhi Việt Nam (Ảnh: Internet)

Nhiều khi tôi lặng người vì xúc động khi đọc những thư và tư liệu gửi đến. Tôi biết đời sống của không ít các nhà văn chúng ta còn chật vật nhưng các anh chị vẫn cố gắng gửi sách, hoặc các bản photo sách và những bài phê bình, những dòng tâm sự trong tự bạch theo bưu phẩm nhanh, với số tiền không phải là nhỏ.

Tôi lại còn yêu cầu các anh chị hãy gửi cho tôi những bức ảnh chân dung thật rõ nét và đẹp nhất. Tôi muốn có một đội ngũ viết cho thiếu nhi thật trẻ trung và đẹp như mình muốn. Và sự đáp lại thật cảm động. Có anh chị còn gửi cho tôi vài kiểu chụp khác nhau để tôi chọn.

Tôi sung sướng, nhờ chồng, con và cả Bích Nga cùng lựa chọn để tìm cho được bức ảnh mình ưng ý nhất.

Thế là suốt mấy tháng hè nóng gay gắt tôi xoay vần với ngổn ngang thư từ, tài liệu, sách vở, ghi chép, bản thảo... Đáng lẽ công việc phải xong vào cuối tháng 7, nhưng do còn phải chờ một số tác giả chậm hoặc không chịu gửi lý lịch, mặc dù tôi và Bích Nga phôn đi phôn lại nhiều lần, thậm chí đến cả nhà riêng, nhưng xem ra họ vẫn không mặn mà gì với công việc này.

Tôi đành phải dựa theo Từ điển nhà văn và các loại sách tham khảo để soạn lấy.

Ngày tháng cứ trôi, qua thư từ, điện thoại hoặc tiếp xúc trực tiếp, bản thảo ngày một dầy thêm. Hàng tuần Bích Nga đến đưa tài liệu các nhà văn gửi đến rồi lấy đi những bản thảo tôi đã hoàn thành. Bích Nga làm việc nghiêm túc và cũng tinh tế trong nhận xét nên đã giúp tôi kịp thời bổ sung, sửa chữa những phần còn thiếu, hoặc chưa rõ.

Đến cuối tháng 8 - 2005 thì bản thảo mới hoàn thành, để đưa in. Và bây giờ, trước mặt tôi là một cuốn sách bề thế, dày dặn, ngót 900 trang cỡ 16x24cm, nâng trên tay khá nặng.

Tất nhiên, khi xem lại vẫn còn những thiếu sót hoặc những gì tôi chưa thật ưng ý; và tôi đã gửi gắm lời xin lỗi vào trong Lời đầu của người biên soạn.

Điều làm tôi áy náy nhất là, dẫu đã đến con số 224 tác giả cuốn sách còn để thiếu một số nhà văn, bởi các lý do:

- Có nhà văn tôi không sao liên lạc được, bởi không biết địa chỉ như Minh Giang, Vũ Dương Quỹ, Lý Lan, Lê Khắc Hoan...

- Có nhà văn có viết cho các em, nhưng tôi lại chưa được đọc; hoặc không hiểu sao tôi vẫn cứ đinh ninh là họ chỉ viết cho người lớn như Băng Sơn, Tạ Duy Anh...

- Có một số nhà văn có tên tuổi, có viết cho các em như Nguyễn Đình Thi với Cái Tết của chú mèo con, như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh với những bài thơ được các em nhớ, thuộc nhưng tôi lại bỏ qua, với ý nghĩ: đây có lẽ không phải là phần viết gì quan trọng đối với họ.

- Lại có tác giả có viết cho thiếu nhi tuy không nhiều nhưng lại có công đóng góp lớn cho văn học thiếu nhi như Nguyễn Thắng Vu, Trần Đình Nam, Trần Thị Nhâm... tôi muốn đưa vào sách, nhưng bị các anh chị ấy phản đối.

Tôi hy vọng, nếu có dịp được bổ sung, tôi sẽ làm hết mình để bù đắp những thiếu sót này. Có một vài điều tôi muốn nói rõ thêm. Về phần Tác phẩm, ở mỗi tác giả tôi đều để tác phẩm viết cho thiếu nhi lên trước và sau mới đến văn học cho người lớn. Lại có tác giả: chỉ có danh mục sách viết cho thiếu nhi mà không có sách cho người lớn. Điều này là tuỳ thuộc vào bản khai của các tác giả gửi đến; tôi không dám thêm bớt.

Cuối cùng tôi muốn nói đây là cuốn Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, chứ không phải là Tác gia; vì Tác giả có tiêu chí phổ cập hơn Tác gia theo cách hiểu của tiếng Việt. Với Tác giả, đội ngũ có thể mở rộng, không bị hạn chế, chỉ cần ít nhất có tác phẩm cho thiếu nhi được in, hoặc đã có tác phẩm cho thiếu nhi được giải thưởng, hoặc được nhiều thế hệ thiếu nhi nhớ thuộc.

Tuy có một ít nỗi buồn trong khi tiến hành việc biên soạn, hoặc sau khi sách được ấn hành đến từ một vài đồng nghiệp; tôi vẫn có được sự bù đắp và chia sẻ trong các “cú” điện thoại khá dài từ nhiều nơi gọi đến để góp ý thêm, hoặc để cảm ơn và chúc mừng; có những “cú” điện thoại rất bất ngờ như của Dương Minh Nguyên đến từ sáng mồng 1 Tết, thông báo đó là một món quà quý nhất cho một năm mới, đối với anh; có những bức thư rất cảm động, như thư của các anh Thanh Quế, Trúc Chi, Trần Hoài Dương và Thy Ngọc...; đặc biệt là lá thư của anh Thy Ngọc - đó là cả một bài thơ dài 52 câu, chép kín hai mặt giấy và với cách trình bày rất dụng công...

Chính những tình cảm đó đã đem lại cho tôi không ít niềm vui và sức mạnh, để có thế làm tiếp những gì mình còn mong mỏi, trong một sự nghiệp – như tôi đã có dịp nói trong Lời Người biên soạn: “dẫu đã được hưởng sự quan tâm chăm sóc của Đảng và Nhà nước, của các ngành, các giới liên quan, nhưng vẫn còn nhiều bùi ngùi, xúc động bởi một cảnh quan chung chưa phải tất cả đều sáng sủa, để cho ta trọn vẹn sự phấn khởi”.

Cũng xin được phép nói thêm: chính vì “cảnh quan” đó nên tôi đã quyết tâm làm cuốn sách này./.

Hà Nội, cuối tháng 4 - 2006

PGS.TS. Vân Thanh (Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)