Mưu sinh trên ngọn... hồ tiêu

Lương Đàm
Để thu hái hồ tiêu, người lao động phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm rình rập do thường xuyên phải leo trèo, làm việc ở độ cao từ 2 - 7m và có thể bị côn trùng, rắn rếp... ẩn nấp ở trong cây tấn công bất cứ lúc nào.

Nguy hiểm rình rập

Cứ vào tháng 2 hàng năm thì hàng nghìn người lao động ở khắp mọi miền đất nước lại đổ về tỉnh Đắk Nông để thu hái hồ tiêu thời vụ. Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng người lao động có thể gặp nhiều rủi ro tai nạn lao động do thường xuyên phải leo trèo, làm việc ở độ cao từ 2-7m.

nguoi-hai-ho-tieu-thuong-xuyen-phai-lam-viec-o-moi-truong-tren-cao-co-the-bi-con-trung-ran-rep-bat-cu-luc-nao-1645258765.jpg
Người hái hồ tiêu thường xuyên phải làm việc ở môi trường trên cao, có thể bị côn trùng, rắn rếp... bất cứ lúc nào

Ngoài ra, người hái hồ tiêu còn có thể bị côn trùng, rắn rếp... cắn. Những ngày này, ở vườn hồ tiêu của anh Phạm Văn Hanh, ở huyện Đắk Song có khoảng 10 lao động đang khẩn trương thu hoạch hơn 3.000 trụ tiêu.

Giữa thời tiết trời nắng chang chang kết hợp với những cơn gió cuồn cuộn đặc trưng của Tây Nguyên thì anh Nguyễn Văn Trọng đang đứng ở độ cao khoảng 5m tích cực thu hái những cụm hồ tiêu đang chín đỏ rực. Chia sẻ về công việc này, anh Trọng cho biết, năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết xong là anh lại bắt xe khách từ Hà Tĩnh vào Đắk Nông để hái hồ tiêu thuê.

Hằng ngày, từ tờ sáng anh Trọng đã cùng 10 người khác khiêng những cây thang sắt cao tầm 6m để làm chỗ đứng thu hoạch hồ tiêu. Làm việc ở độ cao nếu như không cẩn thận thì rất dễ bị rơi xuống đất, nguy hiểm về tính mạng.

Theo anh Trọng, những năm trước, trong lúc đi làm anh đã không may đụng phải tổ ong và bị hàng chục con chích vào mặt, mũi, đầu, chân, tay... nên từng bị té ngã từ trên cao xuống. Lần đó, do may mắn nên anh Trọng chỉ bị trật khớp tay, bị sưng mặt mũi... nên chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày.

Vừa ăn Tết xong, anh Y Đức ở tỉnh Đắk Lắk cùng một số tbạ bè trong buôn đã kéo xuống huyện Đắk Song làm nghề hái tiêu thuê. "Nhiều hộ gia đình trồng tiêu trên trụ cây sống, phải bắc thang cao gần cả chục mét mới có thể với tới. Nhiều nơi, người dân còn trồng hồ tiêu trên địa hình đồi dốc, nếu không cẩn thận, chọn đặt tháng đúng vị trí thì cả người và thang đều có thể ngã ngửa, hết sức nguy hiểm cho tính mạng" - anh Y Đức cho biết.

truoc-khi-len-hai-thi-danh-dong-tru-tieu-de-ran-ret-dan-ong-lam-to-co-the-bo-ra-hoac-bay-di-cho-khac-1645258765.jpg
Trước khi lên hái thì đánh động trụ tiêu để rắn rết, đàn ong làm tổ có thể bò ra hoặc bay đi chỗ khác

Kinh nghiệm phòng tránh tai nạn lao động

Nhiều người có kinh nghiệm thu hái hồ tiêu cho biết, việc né tráng côn trùng, rắn rếp hay phòng ngừa tai nạn lao động không phải khó khăn nếu như người làm công cẩn thận.

"Trước khi leo lên thang thì phải đặt thang ở vị trí vững chãi, có điểm tựa chắc chắn. Còn khi bắt đầu thu hái thì đánh động trụ tiêu để rắn rết, đàn ong làm tổ có thể bò hoặc bay đi chỗ khác. Khi phát hiện có con vật gì đó ở trong cây thì người lao động có thể né tránh, tìm cách xua đuổi chỉ khi an toàn rồi mới tiến hành công việc" - anh Phạm Văn Hanh, chủ một vườn tiêu ở huyện Đắk Song chia sẻ.

Theo Khoa Chấn thương - Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông), từ đầu năm tới nay, đơn vị đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp tai nạn thương tích, trong đó có những liên quan đến thu hoạch hồ tiêu. Thế nhưng, nhiều người dân chưa biết cách sơ cấp cứu bệnh nhân trước khi đưa vào bệnh viện. Từ đó, vô tình có thể dẫn tới trường hợp tình trạng bệnh nặng hơn.

“Khi phát hiện người chấn thương do leo trèo, chúng ta cần để bệnh nhân nằm nguyên vị trí, không nên bế vác dậy ngay mà cần nhanh chóng gọi xe cứu thương để đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Người đưa đi cấp cứu có thể dùng những vật dụng sẵn có để cố định bệnh nhân trên một mặt phẳng. Khi di chuyển, cần hạn chế việc sử dụng xe gắn máy để tránh gây thêm tổn thương cho người bệnh” - bác sĩ Đoàn Minh Dũng, Khoa Chấn thương- Bỏng khuyến cáo.