Nghệ An: Nâng cao chất lượng lớp tiếng Thái thông qua các buổi học trải nghiệm thực tế

Huyền Văn
Thực hiện chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng nói và chữ viết dân tộc Thái. Để đảm bảo chương trình học tập theo quy định đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, căn cứ kế hoạch học tập của lớp Bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái - Khóa 139 huyện Tương Dương; Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, của đơn vị và chương trình học tập của lớp; Trung tâm GDNN-GDTX Tương Dương tổ chức chuyến đi thực tế tại Homestay Tam Đình- Huyện Tương Dương vào ngày 27/11/2022.

Tiếng nói, chữ viết là một trong những đặc trưng văn hoá vô cùng quan trọng của mỗi dân tộc. Nó là phương tiện giao tiếp, giao lưu, ghi lại lịch sử quá trình hình thành phát triển của dân tộc đó từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tiếng nói, chữ viết là phương tiện để bảo tồn, phát huy, phát triển vốn văn hoá truyền thống của dân tộc. Nó là yếu tố văn hoá đặc trưng nhất để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Ở huyện miền núi Tương Dương - Nghệ An có 02 dân tộc thiểu số (DTTS) có chữ viết là Thái và Mông.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và thực hiện chính sách nhất quán về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó khẳng định nhiệm vụ bảo tồn, phát huy, phát triển văn hoá nghệ thuật của các dân tộc, nhất là bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ thường xuyên của các cấp các ngành trong Tỉnh. Một trong những giải pháp góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số là tổ chức dạy học trong các trường học, các trung tâm và trong cộng đồng. Việc tổ chức nghiên cứu và dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số ở Tương Dương được các cấp, các ngành quan tâm từ nhiều năm nay.

Các lớp dạy tiếng Thái được tổ chức tại Trung tâm GDNN GDTX Tương Dương (khóa học 3 tháng, thời lượng 450 tiết) thu hút CBCCVC ở các cơ quan, ban ngành, các chiến sỹ công an CBQLGD, giáo viên các trường THCS, trường mầm non, tiểu học trong huyện theo học.

Mục đích giúp học viên tìm hiểu các phong tục, tập quán, các lễ hội và các nghề truyền thống của dân tộc Thái; được giao lưu văn nghệ, nhảy sạp, cồng chiêng, khắc luống. Rèn luyện kỹ năng nói, kỹ năng nghe và hiểu tiếng dân tộc Thái. Từ đó hướng cho học viên phương pháp tự học, tự đánh giá kết quả học tập, chủ động trong rèn luyện kỹ năng và tiếp cận kiến thức thông qua các hoạt động học tập tích cực: sử dụng những kinh nghiệm, hiểu biết của bản thân vào luyện kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Riêng tiếng Thái, học viên ngoài việc nắm một số kiến thức cơ bản hệ thống từ vựng, ngữ pháp, âm, vần, thanh điệu còn hiểu về văn hoá truyền thống và phong tục, tập quán của dân tộc đó. Thực tế người học sử dụng được ngôn ngữ dân tộc để tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Khắc phục được sự bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp và công tác, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

nlntv-lop-hoc-tiengthai-1669622647.jpg
Học viên K139 tiếng Thái Tương Dương chụp ảnh lưu niệm với Già làng

Qua việc học tập trải nghiệm thực tế đã góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của học viên về công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (trong đó có tiếng nói, chữ viết). Từ đó đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục dân tộc cho cán bộ và người dân, đồng thời thấy rõ mục đích của việc dạy và học tiếng, chữ DTTS là nâng cao dân trí, bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc, chứ không phải là để lấy chứng chỉ hoàn thiện hồ sơ cá nhân.

Đưa cán bộ, giáo viên, học viên nghiên cứu thực tế địa phương để thu thập, tiếp thu những ý kiến góp ý, bổ sung đổi mới chương trình, tài liệu, phương pháp dạy học và làm việc ở cơ sở. Từ đó nghiên cứu biên soạn các tài liệu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "phòng chống ma túy", "An toàn giao thông", "Chăn nuôi trồng trọt", "Biến đổi khí hậu"; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh… bằng tiếng Thái để tuyên truyền trong cộng đồng. Từ các buổi học thực tế học viên được già làng truyền dạy các nội dung sau:
- Tìm hiểu về phong tục chào hỏi, cuộc sống hàng ngày, nhà ở, các chức sắc của đồng bào.

nlntv-phatbieu-1669622732.jpg
Cụ Ngân Văn Toán giới thiệu về phong tục tập quán của người Thái cho các học viên

- Tìm hiểu về thiên nhiên, vật nuôi, cây trồng, thời tiết khí hậu ở địa phương.
- Tìm hiểu về trang phục truyền thống, lễ hội tết dân tộc và một số phong tục tập quán điển hình của đồng bào.
- Tìm hiểu về phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới. Thăm bản văn hóa tại địa phương.
- Tìm hiểu và nghe hát các làn điệu dân ca Thái

nlntv-hop-1669622798.jpg
 Phong tục làm vía của người Thái

Về ẩm thực, học viên được thưởng thức Các món ăn truyền thống dân tộc Thái. Được thầy mo làm vía cầu mong sức khoẻ bình an. Tham gia giao lưu rượu cần, nhảy sạp, Chơi Tò mạc lẹ, cồng chiêng, khắc luống, lăm vông, bắn nỏ…

Cụ Ngân Văn Toán (Sinh năm 1937) là già làng, thầy mo tại bản Quang Phúc- Xã Tam Đình bày tỏ cảm xúc:” Đoàn tham quan thực tế đã cho chúng tôi cơ hội giới thiệu văn hoá, phong tục của người Thái cho quý khách và hơn thế làm cho truyền thống người Thái được sống lại, được tiếp nối”.

Ông Ngân Văn Nội - PCT UBND Xã Tam Đình cho biết thêm: ”Thông qua các buổi trải nghiệm thực tế tại Homestay Tam Đình đã giúp quảng bá du lịch cộng đồng tại địa phương chúng tôi. Hy vọng ngày càng có nhiều đoàn đến tham quan trải nghiệm nét đẹp văn hoá truyền thống của người Thái tại Tương Dương”.

Từ việc học tiếng Thái thông qua các buổi trải nghiệm thực tế tại thôn bản đã góp phần nâng cao chất lượng sử dụng tiếng DTTS của cán bộ, công chức, viên chức và sâu xa hơn là góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Huyện Tương Dương nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập Quốc tế./.

NGUYỄN PHƯƠNG