Nghệ nhân bảo tồn nghề thêu long bào ở Đông Cứu

Huyền Văn
Được ví như “cánh chim đầu đàn” của phục dựng nghề thêu long bào, Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi đã dành 30 năm tâm huyết để phục dựng hơn 30 long bào các loại như của vua Đồng Khánh, Khải Định, Từ Cung thái hậu (hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn)…

Làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) là nơi nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, đặc biệt là người nghệ nhân tâm huyết với nghề, quyết tâm phục chế lại những bộ trang phục cung đình; góp phần khôi phục tinh hoa, những nét thêu cổ tạo nên hồn cốt của làng nghề.

Hành trình đầy gian nan

Mang trong lòng những khát khao cháy bỏng, gần 4 thập kỷ qua, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi (sinh năm 1969), một người con của làng Đông Cứu, đã không quản ngại khó khăn, nỗ lực tìm lại những mẫu hoa văn, kỹ thuật thêu cổ truyền, phục chế thành công nhiều bộ trang phục cung đình triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Thật xúc động và tự hào khi ngày nay chúng ta lại có dịp chiêm ngưỡng những bộ trang phục xưa do chính nghệ nhân của làng với bàn tay khéo léo và khối óc tài hoa phục dựng.

Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, làng thêu Đông Cứu từng phải trải qua nhiều bước thăng- trầm. Đến những năm 1991-1998, nghề thêu truyền thống của làng đã bắt đầu khởi sắc khi được nhiều người biết đến và đặt hàng. Cũng kể từ đây, ngọn lửa ý tưởng phục dựng những long bào, áo mũ cho vua chúa… được nhen nhóm hy vọng.

nlntv-theu-long-bao-1-1663900562.jpg
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi sinh ra và lớn lên ở làng nghề thêu truyền thống Đông Cứu, là người có nhiều năm nghiên cứu, phục chế trang phục cung đình thời Đinh, Lý, Trần, Lê, Trịnh, Nguyễn...

Ngày đó, tư liệu về trang phục cung đình xưa rất ít và khó có thể tìm được. Những nguồn tư liệu trong hệ thống lịch sử không thể nghiên cứu một cách rõ ràng, nghệ nhân lại mày mò và cất công xin nguồn tư liệu trong và ngoài nước. Có những bản mẫu chỉ là ảnh đen trắng, hoa văn mờ theo năm tháng nhưng nghệ nhân Vũ Văn Giỏi vẫn không từ bỏ hy vọng.

Để phục chế trang phục cung đình, công đoạn khó nhất phải kể đến chính là phân tích kỹ các kích thước trang phục, số đo chuẩn mực của vua chúa, quý phi, thái hậu… Sau đó phải sắp đặt chi tiết hoa văn, họa tiết cho cân đối, hài hòa. Bởi vậy cần phỏng đoán, tính toán, suy luận và hỏi tư liệu, kết hợp việc tra trên sách và cả những cuốn nháp của các nhà sử học xưa.

Sau một quá trình kéo dài nhiều tháng đi tìm lại các họa tiết cổ, nghệ nhân bắt tay vào vẽ phác thảo trang phục. Đây là công đoạn quyết định sự hoàn hảo của bộ trang phục cung đình sau khi phục dựng lại.

Mỗi thời đại lại có thay đổi ít nhiều trong thiết kế, họa tiết, màu sắc, kỹ thuật thêu và chất liệu. Việc này đòi hỏi nghệ nhân phải tính toán, tìm hiểu rất chính xác vì hầu như không còn một nguyên mẫu trang phục nào được lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

nlntv-theu-long-bao-2-1663900636.jpg
Long bào của vua Đồng Khánh - vị hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, tại vị từ năm 1885 đến 1889.

Thêu nét tài hoa

Theo nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, sau khi những ý tưởng và bản thảo thiết kế hoàn tất, công việc tiếp theo chính là chọn lựa vải và chỉ thêu phù hợp nhất. “Tôi phải tìm đến những làng nghề dệt trong cả nước để tìm chất liệu vải, gấm, vóc ưng ý. Chỉ có điều, chất liệu thì dễ tìm nhưng không phải loại nào cũng có thể sử dụng được”, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cho hay.

Trong quá trình thêu, khi phát hiện những loại chỉ thêu không được ưng ý và phù hợp thì đều phải cắt bỏ. Lúc đó, nghệ nhân lại phải tìm đến các nghệ nhân làng khác để học cách nhuộm tự nhiên, không dùng hóa chất. Cũng có lúc, nghệ nhân phải tự mò mẫm từ cách làm nồi nhuộm giữa trưa nắng, đun bếp bằng củi, làm sao cho màu không bị bay khi phơi…

Cũng là trang phục cung đình, nhưng mỗi bộ ở những triều đại và người mặc khác nhau lại có những điểm khác biệt đòi hỏi nghệ nhân thêu phải rất tinh ý, có sự nghiên cứu sâu sắc.

Thêu rồng - phượng được phối màu hài hòa tạo nên bức thêu đẹp, khẳng định được tay nghề người thợ. Từng chân mũi chỉ đều đặn, cánh chỉ như quyện lấy nhau, đường thêu mềm mại, thanh thoát.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chia sẻ: “Long bào của vua bắt buộc phải dùng chỉ se 2 chiều, áo hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se 1 chiều. Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo, đặc biệt mỗi họa tiết thêu trên long bào đòi hỏi về màu sắc riêng, phù hợp với người mặc. Có nhiều chi tiết thêu khó hầu như không còn được biết đến trong kỹ thuật thêu ngày nay, tôi lại tìm đến những bậc cao niên để tư vấn”.

Cách thêu và lối thêu trên từng bộ trang phục cũng vô cùng quan trọng. Lối thêu phục chế khác hoàn toàn so với lối thêu hiện đại, hàng nghìn mũi chỉ đều phải tuân theo quy định của mỗi họa tiết, hoa văn.

Quá trình hoàn thiện phục chế một bộ long bào có thể kéo dài cả năm, thậm chí lâu hơn. Bởi hoàn thiện một bộ trang phục sẽ cần nhiều công đoạn ngành nghề khác bổ sung như: Chế tác đá, kim loại quý… Hàng trăm, hàng nghìn chi tiết được phối hợp với nhau một cách hoàn hảo, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo và có giá trị văn hóa lớn.

Nghề thêu tưởng như thật nhàn hạ như thực tế lại vô cùng vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn, tập trung cao độ. Cho đến nay, tìm khắp ngành nghề thêu cũng chỉ có nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phục chế thành công nhiều bộ trang phục của vua, hoàng hậu, hoàng tử xưa kia. Đó là quá trình dài cả về không gian và thời gian với khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi nhiều công sức.

nlntv-theu-long-bao-4-1663900784.jpg
Bằng tâm huyết và niềm đam mê với nghề, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi truyền dạy lại cho các thế hệ nối tiếp để nghề thêu truyền thống không bị quên lãng giữa dòng chảy cuộc sống đương đại.

Để gìn giữ nghề thêu truyền thống, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã truyền lại cách thêu cho những thế hệ sau. Từ khi phục dựng thành công chiếc long bào đầu tiên, đến nay, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cùng nhóm thợ đã làm được hàng chục bộ trang phục cung đình, từ áo nhà vua tới áo hoàng hậu, thái tử, công chúa. Tiêu biểu trong số đó là các bộ long bào của vua Đồng Khánh, Bảo Đại, Tự Đức, hoàng thái tử, hoàng hậu.. Những tác phẩm này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Nhờ công phục dựng nghệ thuật thêu cung đình, cá nhân nghệ nhân Vũ Văn Giỏi được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2013 và nhận danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2016.

Thành công của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi là niềm tự hào, là động lực để các thế hệ của làng Đông Cứu tiếp tục gìn giữ những lối thêu cổ và tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của cha ông. Thời gian chẳng khi nào ngừng lại, người nghệ nhân cũng ngày càng nhiều tuổi, nhưng với đam mê cháy bỏng, niềm tự hào của làng nghề ông sẽ tiếp tục phát huy để thêu nên những nét tài hoa.