Nghệ thuật trang trí cửa võng đình làng Bắc bộ

Huyền Văn
Nội thất kiến trúc đình làng là nơi phô diễn căn bản hình thức trang trí. Có hai cách thức chạm khắc gây ấn tượng mạnh. Một là những chạm nổi trên các cấu kiện kiến trúc, hai là hình thức trang trí cửa võng.

Nội thất kiến trúc đình làng là nơi phô diễn căn bản hình thức trang trí. Có hai cách thức chạm khắc gây ấn tượng mạnh. Một là những chạm nổi trên các cấu kiện kiến trúc, hai là hình thức trang trí cửa võng.

nlntv-1-a10b2218d51d9a3d70131a868b4bece4-1651634302.jpg
Nghệ thuật trang trí cửa võng đình làng Bắc bộ

Những ngôi đình làng ở thôn quê, khi bước qua cửa chính vào bên trong nhà đại đình, ta thấy ngay một tương phản mạnh: khu vực lộng lẫy vàng son gian giữa tách biệt hẳn với chất gỗ để mộc của toàn bộ phần nội thất còn lại. Nói khác đi, gian giữa - khu thờ tự và nghi lễ trọng thể được trần thiết rực rỡ công phu tinh xảo, trong khi các gian khác như ẩn mình sau màu gỗ cũ, chìm vào không gian tranh tối tranh sáng quen mắt nhiều đời. Ngự trước chính điện nơi uy nghi nhất gây ấn tượng mạnh từ giữa nhìn lên, cửa võng được ghép khéo léo và chạm trổ tinh xảo và công phu hầu hết là thiếp vàng, thường phát triển môtíp hoa lá, dải lụa hoặc đao mác, đao lửa biến hoá tài tình, phần lớn chạm bong, chạm lộng cực kỳ tinh tế.

nlntv-7ea83b6ef9cedbd371bcb25009d74112-1651634265.jpg
Ảnh: Không gian cửa võng đình An Cố (Thái Bình) cuối TK 17. Trên cao là hai “buồng kìm” cân đối chạm rồng, mây. Từ giữa sâu vào trong là hai lớp cửa võng trang trí chạm thủng các đồ án hoa văn trong ô chữ nhật.

Trong nội thất đình làng, từ gian giữa là khu vực thờ tự chính, các gian bên đều có hình chạm khắc trang trí theo tuyến dọc là bộ vì kèo và tuyến ngang là hoành xà nối kết các vì kèo. Những con rồng chạm bong xuyên qua các cột tạo cảm giác bay bổng. Các phù điêu có chủ đề phát triển trên các cốn, ván bưng và ô rỗng, đây là mảnh đất của điêu khắc dân gian thể hiện đời sống thẩm mỹ của cư dân làng xã. Các đầu dư, con rường cũng như tất cả các thành phần chi tiết trên vì kèo đều có thể biến thành hoa lá trang trí, hoặc hình người, hình thú, những lớp hoa văn phủ bề mặt vẫn giữ nguyên vẻ thô mộc của chất liệu gỗ. Đối lập lại, khu vực trung tâm, gian giữa, là nơi diễn ra nghi lễ, hương khói thờ thành hoàng, luôn là hệ thống cửa võng, cửa bức bàn, hương án, ngai thờ, bài vị. Ở đây trang trí cửa võng tạo không khí trang nghiêm, với vàng son rực rỡ, các mô típ quy phạm theo trình tự đăng đối. Cửa võng lộng lẫy là niềm tự hào của những ngôi đình danh tiếng, như đình Diềm (Bắc Giang), đình Đình Bảng (Bắc Ninh), đình Trà Cổ (Quảng Ninh), đình Lâu Thượng (Phú Thọ) ... Nếu tại đình Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), cửa võng dàn tương đối nông ra mặt trước, thì ở đình Diềm, cửa võng kết cấu như ba ô cửa nhỏ, ăn sâu tới chín lớp vào trong.

Khi nghiên cứu về giá trị nghệ thuật của các hình thức trang trí cửa võng đình làng, ta thấy có mấy đặc điểm căn bản:

1. Sự hình thành và phát triển cửa võng đình làng từ đơn giản đến đa dạng hóa các hình thức trang trí, thấy rõ qua các thế kỷ 16 (đình Thụy Phiêu, đình Tây Đằng), thế kỷ 17 (đình Hữu Bổ, đình Diềm, đình Trà Cổ), thế kỷ 18 (đình Đình Bảng) và thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 (đình Mậu Hòa, đình Cổ Loa). Không loại trừ sự đan xen niên đại trang trí cửa võng do quá trình tu bổ tôn tạo (thế kỷ sau chạm khắc thêm).

nlntv-701e6d2ca1740cbb76468b23754cf74d-1651634566.jpg
Cận cảnh chạm khắc hoa văn trang trí lớp ngoài cửa võng đình An Cố (trích đoạn cửa võng).

2. Phong cách trang trí cửa võng đình làng qua từng vùng, miền nổi lên khá rõ nét. Vùng Phú Thọ tiêu biểu là cửa võng đình Hữu Bổ, đình Lâu Thượng nét chạm tinh xảo. Vùng Bắc Giang - Bắc Ninh đình Diềm, đình Đình Bảng bố cục cửa võng nhiều lớp lang, hình thức lộng lẫy. Đình Trà Cổ vùng Móng Cái - Quảng Ninh cửa võng bố cục chia thành ô nhỏ, trang trí bên trong mạch lạc.

nlntv-05cdef255d389c66c529-1651635521.jpg
Trang trí cửa võng trên sạp thờ đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội), TK 17. 

Vùng Hà Nam - Nam Định trang trí cửa võng nằm ở ngưỡng của khu vực gian thờ, nên không thuần túy gọi là cửa võng. Cũng vì thế, các chạm khắc trang trí thể hiện trực tiếp lên kết cấu kiến trúc vốn là những phần chịu lực. Phong cách này còn thấy ảnh hưởng đến Thanh Hóa qua các trang trí cửa võng đình Bảng Môn (huyện Hoằng Hóa), song chưa thấy có ở các đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

nlntv-562ceaae31b20f5604f50508f6fa7691-1651637954.jpg
Chạm nổi trang trí mô tip long- phượng chàu ống bút (trích đoạn cửa võng đình Cổ Loa).

Một số ngôi đình kết hợp giữa phong cách trang trí cửa võng như đình Hữu Bổ, đình Lâu Thượng với phong cách đình Diềm, đình Đình Bảng, ta gọi đó là kiểu thức trung gian. Như các đình ở Tam Canh, Vĩnh Phúc (đình Ngọc Canh, Hương Canh, Tiên Canh), đình Phù Lão hoặc đình Phù Lưu.

3. Kết hợp các ý 1 và 2, ta thấy cửa võng là tên gọi chung của những trang trí nằm ở phía trước khu vực thờ thánh. Chức năng của nó nhằm làm đẹp, tô điểm, trang hoàng càng lộng lẫy càng tốt cho Thành hoàng làng, vị thần che chở dân làng. Xét về hình thức và vị trí của cửa võng không thể có một sự nhất quán, hoặc nguyên tắc chung cho mọi ngôi đình ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lý do là mỗi thời kỳ, mỗi vùng miền, trang trí cửa võng đình làng lại thay đổi khác đi, với những vẻ đẹp mang phong cách riêng. Tuy nhiên, nếu dựa trên lý thuyết tương đối, một tiêu chí tạm thời để tìm ra sự hoàn chỉnh về hình thức cửa võng đình làng, khả dĩ có thể chọn được một di tích tiêu biểu, đó là trang trí cửa võng đình Đình Bảng.

nlntv-7715fe519370fb781ad4bf2208f16654-1651644619.jpg
Cửa võng đình Diềm, TK 17. Phía trên cửa võng là 4 cô tiên chạm nổi trong ô chữ nhật, trên cùng sát với mái là 3 cô tiên đang nhìn xuống.
nlntv-5f6396109817834949519f761a88c3bc-1651807864.jpg
Cận cảnh một trong 3 ô cửa với 9 lớp hoa văn đầu rồng và mây thếp vàng (trích đoạn chi tiết cửa võng đình Diềm).

Nhìn toàn thể, hệ thống cửa võng đình Diềm ở đạt đến độ hoàn chỉnh cả về kỹ thuật chạm khắc, bố cục nhiều lớp lang rõ rệt (trần mái, hoành phi, câu đối, sạp thờ, diệp thượng, diệp hạ, ngưỡng cửa.v.v...). Đặc biệt đây còn là công trình còn nguyên vẹn các trang trí đến ngày nay. Cửa võng đình Đình Bảng có rất nhiều hình mẫu trang trí, chúng biểu hiện thành các môtíp điển hình thời phong kiến. Nhiều môtíp tập hợp lại thành các nhóm đề tài như đề tài tứ linh: Long - Ly - Quy - Phượng, đề tài Bát mã quần phi, đề tài Bát tiên... Như vậy ở phương diện hình thức và nội dung, chạm khắc trang trí khu vực cửa võng đình Đình Bảng biểu hiện toàn vẹn những ý tưởng về tiểu triều đình phong kiến một cách khá đầy đủ.

nlntv-b4e8cc3b7e26bf78e637-1651808071.jpg
Cửa võng đình Trà Cổ, TK 17-18.

4. Màu sắc trang trí cửa võng đình làng là sự phối kết hợp nhuần nhuyễn các sắc độ vàng son khác nhau, tạo nên hiệu quả nghệ thuật rõ nét. Các màu sắc tuân thủ theo nguyên tắc bố cục đăng đối của tạo hình. Thông thường trang trí cửa võng dành nơi cao nhất đặt bức hoành phi ở chính giữa, đôi cột cái hai bên treo dọc đôi câu đối. Hoành phi và câu đối tạo ra giới hạn diện tích các hình thể trang trí bên trong, đồng thời nó còn có ý nghĩa về nội dung văn học của các dòng chữ thể hiện trên đó, đa phần là ca ngợi công đức thành hoàng làng. Bên dưới hoành phi, người ta thường chạm hình mặt trời ở chính giữa, hai bên chạm rồng và mây chầu mặt trời gọi là “lưỡng long triều nhật”. Mảng chạm này phủ vàng toàn bộ trông rất lung linh. Thấp hơn mảng chạm “lưỡng long triều nhật”, các ngôi đình có nhiều cách thức bố cục hình thể cửa võng khác nhau, nhiều màu sắc khác nhau rất đa dạng. Chẳng hạn đình Hữu Bổ kết cấu cửa võng thành dạng cửa bức bàn, nhưng chi tiết các cánh lại tỉa nhỏ ra thành các ô gai dứa hết sức tinh tế đến mức khó nhận ra công năng cơ bản của những bộ cánh cửa có thể mở ra đóng vào nhẹ nhàng. Đình Diềm và đình Đình Bảng, đình Thổ Hà lại chia cắt các phần cửa trở nên cố định thành nhiều ô chữ nhật. Mỗi ô sâu vào trong có nhiều lớp liên hoàn với trụ đỡ dọc. Chính các trụ đỡ này tạo nên vẻ đặc sắc có một không hai, khi người ta chạm hình rồng cuộn ở mỗi một trụ tạo nên vô vàn các con rồng lớp lớp nối đuôi nhau. Đặc biệt hơn, ở đình Diềm người ta dát vàng toàn bộ các con rồng này, khiến người xem có ảo giác về chi tiết trang trí và toàn thể bố cục như một sự chuyển động của các con rồng.

nlntv-fbd017eadd51a784c99887066d3f6e94-1651808163.jpg
Cửa võng đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đầu TK 20.

5. Có thể nhận xét rằng: Khi nghệ thuật chạm khắc đình làng đạt đến sự hoàn chỉnh về tương quan giữa các trang trí gắn với kiến trúc, trang trí phụ trợ như hương án, chấp kích, bát bửu, hạc chầu, ngai kiệu và hệ thống các trang trí cửa võng thì chức năng của đình làng bộc lộ rõ nét. Trong đó trang trí kiến trúc và trang trí cửa võng như một yếu tố cơ bản, các trang trí khác là phụ trợ, tùy từng thời điểm, từng vùng, từng di tích, có đình có hoặc không hình thức hoặc quy mô lớn nhỏ trang trí cửa võng.

Qua quá trình vận động của lịch sử, ta thấy có sự phát triển của chạm khắc cửa võng đình làng từ thế kỷ XVI đến hết thời phong kiến ở Việt Nam. Ban đầu chỉ là các chạm khắc đơn giản trên gác lửng thờ Thành hoàng (sạp thờ), sau là những trang trí hết sức lộng lẫy cầu kỳ và cuối cùng là kiểu thức dạng y môn, cửa võng thuần túy một lớp tách khỏi gác lửng. Điều đó phù hợp với ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thời kỳ cuối, chức năng của đình làng không còn tách riêng ra nữa, mà nó đã nhập với ngôi đền thành một kiến trúc thờ cúng Thành hoàng ở làng.

Bài và ảnh: Nguyễn Hải Phong