Nghiện việc, nhiều người trẻ ngủ và thức bên chiếc laptop

Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên Ngọc Anh (25 tuổi) làm sau khi rời giường không phải đánh răng, rửa mặt mà là bật laptop, check mail trên điện thoại.
laptop-1-1652842070.jpg
Guồng quay công việc khiến nhiều bạn trẻ luôn phải gắn chặt với chiếc laptop, điện thoại. Ảnh: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Kiểm tra một lượt tin nhắn, thông báo, Ngọc Anh mới yên tâm vệ sinh cá nhân. Tối trước khi đi ngủ, những việc này gần như lặp lại.

Đối với cô gái 25 tuổi, người làm việc trong ngành truyền thông báo chí, đây là nhịp sống cô đã quen thuộc hơn 2 năm nay. Dù có phân lịch, giờ làm song với tính chất công việc cần cập nhật liên tục, cô và đồng nghiệp đều hiểu bản thân cần, đôi khi là bắt buộc, chủ động hơn thế nếu không muốn ảnh hưởng đến năng suất.

“Đã lâu lắm rồi, mình không có cảm giác được nghỉ ngơi một cách thật sự thoải mái mà không cần để ý thông báo trên laptop, điện thoại. Giờ còn trẻ, mình nghĩ vẫn có thể trụ được nhưng không biết càng về lâu dài sẽ ra sao”, Ngọc Anh nói với Zing.

Luôn “online”

Vì luôn phải trong trạng thái sẵn sàng làm việc, Ngọc Anh chia sẻ cô còn bắt đầu có cảm giác bản thân mắc hội chứng tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out - hội chứng sợ bỏ lỡ). Cô liên tục F5 trang mạng xã hội, sợ lỡ mất tin tức hay, liên tục ra vào các hội nhóm tìm kiếm những bài đăng, xu hướng mới nhất.

“Có thời điểm diễn ra sự kiện quan trọng nào đó nhận được nhiều sự quan tâm, mình và đồng nghiệp gần như không dám rời máy tính. Vào các dịp nghỉ lễ Tết, khi mọi người nghỉ ngơi cũng là lúc bọn mình bận rộn hơn bình thường để truyền tải thông tin”.

Biết rằng đây là đặc thù nghề nghiệp song Ngọc Anh vẫn không tránh khỏi mệt mỏi, từng có lúc muốn bỏ cuộc vì không tìm ra cách cân bằng với cuộc sống.

“Mình biết chắc chắn một ngày nào đó phải tìm ra giải pháp, không thể để bản thân cuốn vào guồng quay công việc, lẫn lộn với cuộc sống như thế này thêm nữa. Nhưng để làm được điều đó thực sự khó khăn”.

laptop-2-1652842069.jpg
Làm việc với laptop mọi lúc mọi nơi trở thành điều quen thuộc với nhiều bạn trẻ.

Tương tự, Đặng Ngọc (26 tuổi, thư ký phòng kinh doanh) luôn phải trong trạng thái online, sẵn sàng giải quyết công việc. Là người cầm hotline một công ty nhập khẩu than tại Hà Nội, ngoài hỗ trợ giám đốc các công việc cần thiết, Ngọc còn phải điều phối xuất nhập hàng, xử lý vấn đề phát sinh với khách và một số bộ phận liên quan.

“Ví dụ, không có sự xác nhận của mình, khách không thể vào kho lấy hàng nên mỗi khi có đơn, mình phải trực liên tục từ xa để báo lệnh. Hôm xuất hàng ngoài biển thì hiện trường làm việc 24/24, bất cứ lúc nào họ cũng có thể gọi mình để trao đổi, xử lý các tình huống phát sinh”.

Bởi vậy, làm việc ở công ty vào giờ hành chính song Ngọc gần như không bao giờ dám tắt hoặc để điện thoại ở chế độ im lặng. Ngoài cô, còn 2 trợ lý khác ở vị trí tương tự song phần lớn công việc xử lý qua điện thoại vẫn do cô đảm nhiệm.

“Mình nhớ năm 2020, có đợt lũ quét vào kho bãi công ty ở miền Trung. Kho đó chỉ có một người trông nom, khi tình hình nguy cấp, người đó gọi cho mình qua hotline để xin hỗ trợ xử lý nhưng đúng lúc mình không nghe máy, phải báo thẳng lên giám đốc. May mắn là lần đó không có thiệt hại gì, cấp trên cũng nắm được tình hình nên giúp xử lý luôn. Cũng từ lần đó, mình trở nên ám ảnh với việc kiểm tra điện thoại, sợ bỏ lỡ cuộc gọi quan trọng”, Ngọc kể.

Bên cạnh đó, cô gái 26 tuổi cũng đã quen với việc bất chợt bị “réo tên” trong nhóm chat khi đang nghỉ phép hoặc phải làm công văn, giấy tờ vào chủ nhật - ngày nghỉ duy nhất trong tuần.

Ngọc cho rằng với cường độ làm việc hiện tại, cô có thể chịu đựng một phần do còn trẻ, chưa lập gia đình.

“Mình đã nghĩ tới viễn cảnh vài năm nữa khi lấy chồng, sinh con, chắc không thể theo nổi nhịp sinh hoạt này nữa. Có thể khi đó, mình phải chuyển hướng chuyên môn hoặc tìm một công việc khác phù hợp hơn”.

laptop3-1652842069.jpg
Laptop, điện thoại trở thành vật bất ly thân với nhiều người trẻ.

Áp lực phải chăm chỉ

Hải Đằng, hiện sống ở TP.HCM, tự nhận mình là kiểu người tham công tiếc việc. Anh đang làm 2 công việc cùng lúc: nhân viên văn phòng (công việc cố định) và chuyên viên tư vấn đầu tư (công việc tự do).

Đằng cho biết anh có thể dành 50-60% thời gian trong ngày cho công việc. Điều đó có nghĩa là anh sẽ phải ôm laptop hoặc kè kè chiếc điện thoại suốt ngày, bất kể nghỉ lễ hay cuối tuần.

"Có những thời điểm tôi làm việc đến tận nửa đêm, chỉ ngủ khoảng 5 tiếng/ngày trong nhiều tuần liên tục".

Nỗi ám ảnh hiệu suất lao động và sợ lãng phí thời gian khiến Hải Đằng tuân theo thời khóa biểu rất nghiêm ngặt và đôi lúc cảm thấy kiệt sức vì không có khoảng trống để thở.

"Với công việc văn phòng, tôi có thể cố gắng gói gọn và kết thúc sau 8 tiếng/ngày. Nhưng những công việc tự do tôi làm thêm để kiếm thu nhập không như vậy. Ranh giới giữa làm việc và nghỉ ngơi nhiều khi không có. Đôi lúc đi chơi, du lịch, tôi vẫn phải mang laptop để theo sát công việc".

Dù thừa nhận bản thân mất cân bằng trong công việc, cuộc sống cũng như sắp xếp thời gian thiếu khoa học, Đằng vẫn chưa tìm được cách khắc phục.

"Vấn đề lớn nhất là tôi có quá nhiều việc phải làm, mục tiêu phải phấn đấu. Tôi hay lấy lý do mình còn trẻ khỏe, cần nỗ lực nhiều hơn để lao vào công việc".

laptop-4-1652842069.jpg
Nhiều người trẻ tham công tiếc việc vì mong muốn được công nhận trong công việc. Ảnh: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Nghiện làm việc dùng để mô tả nhu cầu làm việc liên tục và không kiểm soát được.

Theo Tiến sĩ Sandra Chapman, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Trí não tại Đại học Texas (Mỹ), bộ não con người có thể trở nên nghiện công việc giống cách nó phản ứng đối với các nguồn gây nghiện quen thuộc khác như ma túy, cờ bạc, ăn uống hoặc mua sắm.

"Một người có thể khao khát được công nhận trong công việc hoặc được tăng lương, thăng chức. Vấn đề là cũng giống như tất cả chứng nghiện khác, theo thời gian, một người có nhu cầu ngày càng nhiều hơn để được thỏa mãn và cơn nghiện bắt đầu gây tác hại. Các triệu chứng cai nghiện bao gồm gia tăng lo lắng, trầm cảm và sợ hãi", bà Chapman nói.

Một trong những yếu tố làm phức tạp thêm chứng nghiện việc là xã hội có xu hướng công nhận, đền đáp, khen thưởng hoặc đánh giá nó theo hướng tích cực.

"Chăm chỉ làm việc sẽ dẫn đến thành công hay cần cù bù thông minh là những quan niệm phổ biến. Chúng ta không nhận ra tác hại của nó cho đến khi các vấn đề như ly hôn, gia đình tan vỡ, sức khỏe tâm thần xảy đến", bà Chapman giải thích.

Tiến sĩ Mark Griffiths của Đại học Nottingham Trent (Anh) cho biết nghiện công việc được một số chuyên gia gọi là "chứng nghiện có lợi trong hại".

"Một người nghiện làm việc có thể kiếm được rất nhiều tiền, giống như người nghiện tập thể dục có cơ thể săn chắc. Nhưng chứng nghiện nào cũng vậy, hậu quả về lâu dài bao giờ cũng vượt xa những kết quả tốt đẹp trước mắt".