Người lao động hay "nhảy việc" sau Tết, do đâu?

Lương Đàm
Có hàng loạt lý do khiến người lao động chuyển việc ngay đầu năm mới, trong đó mức đãi ngộ không tương xứng và thiếu cơ hội phát triển sự nghiệp là lý do hàng đầu.
tai-ha-noi-viec-nhay-viec-dich-chuyen-viec-lam-cua-lao-dong-thuong-dien-ra-ngay-dau-nam-moi-1645081768.jpg
Tại Hà Nội, việc nhảy việc, dịch chuyển việc làm của lao động thường diễn ra ngay đầu năm mới

Anh Hoàng Vũ Khiêm - chuyên viên phân tích rủi ro khách hàng của một ngân hàng thương mại tại Hà Nội - vừa quyết định chuyển việc từ nơi có mức lương hơn 20 triệu đồng sang nơi mới với mức lương cao hơn 35 triệu đồng.

"Điểm đỗ" mới của anh là một công ty chuyên phân tích rủi ro chứng khoán cho nhà đầu tư. Anh này cho biết, lý do nhảy việc chính là lương thưởng, chế độ việc làm gò bó tại ngân hàng không tương xứng với chuyên môn được đào tạo.

"Mình làm ở lĩnh vực ngân hàng được 2 năm 3 tháng, nhưng đến nay lương vẫn không tăng trong khi đó áp lực công việc nặng nề, thời gian không có và thấy công việc không có thăng tiến nên quyết định nghỉ để sang môi trường mới", anh Khiêm cho biết.

Khả năng chuyển việc của anh là hoàn toàn dễ dàng bởi ngành ngân hành đang có nhu cầu nhân sự khá nhiều, song những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm khá ít.

Khi được hỏi về việc quyết định nghỉ việc sau Tết Nguyên đán có liên quan gì tới mức thưởng Tết và các chế độ mà chủ sử dụng lao động đã chi trả , anh Khiêm cho hay: "Thực tế việc thưởng lương tháng 13, thưởng chế độ có ghi trong hợp đồng lao động và chủ sử dụng lao động trả theo thỏa thuận. Việc người lao động hưởng chế độ thưởng là chế độ chi trả cho người lao động đóng góp, cống hiến cả năm trước đó, theo doanh số và định mức KPI. Do đó, người lao động nghỉ việc sau Tết sau khi đã hưởng các chế độ thưởng là chuyện bình thường".

Thực tế, tình trạng nhảy việc không chỉ xảy ra đối với nhân sự quản lý bậc trung, cao cấp khiến các công ty "săn đầu người" đón tiếp nồng nhiệt mà diễn ra cả ở bộ phận lao động có kinh nghiệm lâu năm, chuyên môn sâu.

Theo chị Quách Thu Trang, chuyên viên phân tích của công ty tuyển dụng nước ngoài tại Hà Nội, xu hướng dịch chuyển nơi làm việc của lao động hiện nay rất nhanh, đa phần diễn ra trong đầu các quý I và quý II. Lý do là các doanh nghiệp có kế hoạch phát triển kinh doanh trong năm tài chính tiếp theo, nên việc tuyển dụng các vị trí mới, thay đổi mới sẽ diễn ra ồ ạt.

"Đứng ở góc độ tâm lý, người ta cho rằng việc người lao động chuyển việc, nhảy việc sau Tết dương hoặc Tết nguyên đán khá nặng nề, thậm chí có người nói là sự phản bội. Tuy nhiên, về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động, các bên tôn trọng việc này và pháp luật thừa nhận. Ở đây, người lao động không hứng thú công việc cũ, do trái chuyên môn sở trường hay do lương thấp, sự thăng tiến nghề nghiệp.... Ngoài ra, yếu tố khách quan là do vận động của chu kỳ kinh doanh, năm tài chính của doanh nghiệp khiến nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao", chị Trang cho hay.

Theo một số chuyên gia về lao động, lý do chuyển việc của lao động có tay nghề là mức đãi ngộ, hay địa điểm làm việc. Đối với lao động dệt may, da giày, hay điện tử, cơ khí, hầu hết mức lương doanh nghiệp trả không quá chênh nhau, mức thù lao theo năm cũng tùy vào công việc, năm công tác và số cống hiến.

Hiện nay, nhiều địa phương có khu, cụm công nghiệp nên người lao động có xu hướng chuyển về gần để làm. Hơn nữa, các doanh nghiệp mới chuyển về các khu, cụm công nghiệp đều muốn tuyển người có tay nghề cao làm tổ trưởng, phân xưởng trưởng, mức đãi ngộ cũng cao hơn nên dễ kích thích việc nhảy việc, chuyển việc sau Tết.