Nguyễn Huy Hiệu: Sáng danh vị tướng đa tài

Ngay từ những năm đầu trong quân ngũ tôi đã được nghe nhiều về Nguyễn Huy Hiệu - người chỉ huy trẻ tuổi trí dũng song toàn. Theo năm tháng của cuộc chiến, chiến công của ông ngày càng khích lệ tôi mong ước được đến với ông. Sự ngưỡng mộ ông ngày càng tăng dần tới mức sau khi tốt nghiệp Học viện quân sự Frunze Liên Xô, nơi ông từng tu luyện trước đó, tôi nguyện ước được về “chiến đấu” dưới sự chỉ huy của ông
nguyen-huy-hieu-sang-danh-vi-tuong-da-tai-1648092583.jpg
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Khi đó ông đã là Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn Một, còn tôi mới là Chỉ huy một Trung đoàn chủ lực trong Quân đoàn của ông. Thời gian sau đó tôi thường được triệu lên Quân đoàn họp hành, giao ban, hầu như tháng nào tôi cũng được gặp, được nghe sự chỉ bảo khi ân cần, khi nghiêm khắc của ông... Mới đó mà đã gần 35 năm, mái đầu ông đã điểm bạc, vị tướng vẫn hàng ngày cần mẫn đi về làm việc trong Văn phòng Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga bên hồ Trúc Bạch với đầy đủ vinh quang mà bất kỳ vị tướng nào cũng mơ ước. Chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật làn thứ 75 của ông, bất giác trong tâm trí tôi lại hiện về những dấu ấn sâu đậm đi qua cuộc đời của vị tướng mà tôi hằng ngưỡng mộ, yêu kính ...

Tuổi 18, như bao chàng trai sinh ra và lớn lên ở các làng quê miền Bắc, Nguyễn Huy Hiệu tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đó là lúc Đế quốc Mỹ đã bắt đầu mở rộng phạm vi cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chúng không chỉ gây bao đau thương chết chóc cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam mà còn mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Ngoài biển thì tàu chiến. Trên trời thì máy bay các loại. Bao nhiêu thành phố, làng mạc, cầu cống, trường học, nhà máy, cơ quan bị chúng đánh phá. Thành phố Nam Định và những thị trấn, cửa sông, bến cảng ở huyện Hải Hậu, quê hương của Nguyễn Huy Hiệu cũng bị chúng đánh phá tàn hại, máu của đồng bào chiến sĩ mình thấm vào đất đai, đỏ loang trên mặt nước sông Hồng, sông Ninh, sông Đáy... Bởi vậy, ngay khi mặc trên mình bộ quân phục, khẩu súng khoác trên vai ra trận, Nguyễn Huy Hiệu đã xác định, rất có thể trong cuộc chiến, ông sẽ bị bom đạn của kẻ thù gây cho ông thương tích, tàn phế, thậm chí hy sinh cả tính mạng, nhưng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nền hòa bình của đất nước, ông không tiếc máu xương. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ có 4 chiến dịch lớn thì Nguyễn Huy Hiệu tham gia cả 4: Chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968; chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971; Chiến dịch Quảng Trị 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Trong chiến dịch cuối cùng này, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy Trung đoàn 27 nằm trong đội hình Sư 320B/ QĐ1, một trong 5 mũi tấn công vào giải phòng Sài Gòn, làm nên ngày 30 tháng 4 lịch sử. Trước chiến dịch này, vào tháng 12 năm 1973, Nguyễn Huy Hiệu đã được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Trong bản tuyên dương anh hùng LLVT ghi: Nguyễn Huy Hiệu đã trực tiếp tham gia đánh 67 trận. Có những trận lập nên những chiến công vang dội mà các phương tiện truyền thông đã nhiều lần ngợi ca. Có thể nói, mỗi một nấc thang thăng tiến của Nguyễn Huy Hiệu đều mang dấu ấn trận mạc. Bạn bè, đồng nghiệp kính trọng, yêu mến ông là vì thế. Những người hoạt động trên lĩnh vực Văn học nghệ thuật, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo còn thích gần gũi Nguyễn Huy Hiệu bởi ông rất trọng thị những gì thuộc về văn hóa. Ông đã viết và cho xuất bản chục cuốn sách về nghệ thuật quân sự và các lĩnh vực quan thiết khác của Bộ Quốc phòng, như “Ký ức tháng 4 năm 1975 và những điều suy ngẫm”, “Quân đội với vấn đề giải quyết hâu quả sau chiến tranh”, “Một số vấn đề về công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam”, “Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, mô hình về hợp tác khoa học – công nghệ”, “Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo về Tổ quốc”, “Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai”, “Quân đội với chiến lược bảo vệ môi trường”…

nguyen-huy-hieu-sang-danh-vi-tuong-da-tai-nlntv-1648092743.jpg
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (người thứ 2 từ bên trái) tặng hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Như trên đã nói, Nguyễn Huy Hiệu là người trọng thị văn hóa, lại có phong cách sống cởi mở, chân tình nên giới cầm bút rất thích gần gũi ông. Đã có hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn sách mà các nhà văn, nhà báo viết về ông như: “Một thời Quảng Trị”, “Bến sông tuổi thơ”, “Hồi ức chiến trường xưa và đồng đội”, “Những bước chân không mỏi của người anh hùng”, “Vị tướng với tấm lòng tri ân”, “Vị tướng với mùa thu vàng”, “Vị tướng có duyên với con số 7”, “Vị tướng với an ninh môi trường”, “Sức mạnh của phương châm 4 tại chỗ”, “Vi tướng Thành Nam”, “Vị tướng với chín năm ở nhà Con Rồng” … và bây giờ là “Vị tướng với mùa xuân”. Cuốn “Một thời Quảng Trị” đã được dịch sang tiếng Anh và được Bộ Ngoại Giao Việt Nam tặng Tổng thống Obama và đoàn công tác của Mỹ khi họ sang thăm Việt Nam. Cuốn “Bến sông tuổi thơ” được VTV1 dựng thành phim tài liệu phát nhiều lần trên sóng truyền hình. Có thể nói, cuộc đời cũng như sự nghiệp binh nghiệp của Nguyễn Huy Hiệu là một đề tài vô cùng phong phú, hấp dẫn giới cầm bút.

Tỉnh Quảng Trị, một tỉnh mà suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ Nguyễn Huy Hiệu đã gắn bó; từ một người lính binh nhất cho đến chức Trung đoàn trưởng; ông đã tham gia chiến đấu 67 trận ở đây; được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam phong danh hiệu Anh hùng LLVT cũng từ mảnh đất này. Năm 2022, kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị, 1972 – 2022, đồng đội, các nhà văn nhà báo viết và xuất bản cuốn sách “Đời binh nghiệp kết tinh thành sách quý” như là một món quà mừng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
(Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam)