Nhà ở công nhân luôn là vấn đề bức thiết

Lương Đàm
Phải xa quê lên thành phố kiếm sống, với những công nhân làm việc ở khu công nghiệp, tiền thuê trọ như một áp lực vô hình đè lên vai họ.
gia-dinh-chi-van-tai-phong-tro-o-thon-mai-chau-1645260095.jpg
Gia đình chị Vân tại phòng trọ ở thôn Mai Châu (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội)

Tiền thuê trọ là gánh nặng với gia cảnh công nhân

Trong căn phòng trọ ở gần Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chị Nguyễn Thị Thiệp - công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam vừa mới chuyển đến, đồ đạc vẫn còn bày ngổn ngang.

Phòng trọ cũ có giá 900.000 đồng/tháng, số tiền này khá vừa túi tiền nhưng nơi ở chật chột, ẩm mốc, các con không có chỗ vui chơi nên sang năm 2022, chị Thiệp quyết định chuyển đến nơi mới. Chỗ vừa chuyển đến có giá 1,6 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền điện nước), khá rộng rãi. Căn nhà có 3 gian: 2 gian dùng để nghỉ ngơi, vui chơi, 1 gian bếp; nhà vệ sinh và gác xép.

Chị Thiệp có chồng và 2 người con: Bé gái 3 tuổi tên Ánh Sương và bé trai tuổi rưỡi tên Nhật Minh. Hiện chồng và con đều ở lại quê vì trường mầm non chưa mở cửa.

Có được nơi thuê rộng rãi hơn song người phụ nữ 26 tuổi vẫn lo lắng, vì: “Làm công nhân năm thứ 5, cuộc sống tha hương, tôi muốn kiếm được tiền để lo cho con có cuộc sống ấm no hơn. Cuộc sống còn khó khăn quá, tiền truê trọ đã đành, tiền điện cũng 3.000 đồng/số. Số tiền này quá lớn so với cảnh của công nhân”.

Rồi thêm việc sắp tới 2 con ra Hà Nội đi học, mỗi tháng tiền ăn học của các con lại thêm một khoản đau đầu với chị. Chồng chị làm nghề tự do, mùa dịch nên công việc hầu như không có, chi tiêu trong gia đình chủ yếu đều dựa vào lương của vợ.

Chị Thiệp kể, năm 2021, thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội, dịch bệnh căng thẳng, chồng chị cũng phải nghỉ việc ở nhà trông 2 đứa nhỏ. Một mình chị đi làm công nhân rất khó để xoay sở cuộc sống gia đình. Để vượt qua thời gian khó khăn đó, nữ công nhân phải vay mượn nội, ngoại. Khi Hà Nội hết giãn cách, người dân được tiêm vaccine, cuộc sống dần trở lại bình thường chồng chị mới có việc làm. Ra Tết, chị Thiệp từ Nghệ An trở lại đi làm từ ngày 7.2. Thời gian này, chị được tăng ca nên lương ở mức gần 9 triệu đồng/tháng, nếu không tiền lương cũng chỉ 5-6 triệu đồng.

Nói về mong muốn lớn nhất, chị Thiệp bảo: “Tôi mong tổ chức Công đoàn, công đoàn khu công nghiệp hỗ trợ cho anh chị em công nhân được thuê nhà giá rẻ nhất có thể. Gần 2 triệu đồng thuê nhà là số tiền rất lớn so với thu nhập của tôi hiện nay. Đây là gánh nặng đè lên vai tôi”.

1,2 triệu công nhân cần nhà ở

Chị Vân - quê Bắc Kạn hiện đang thuê trọ cùng chồng và 2 người con ở thôn Mai Châu (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh). Nhà trọ hiện chị đang sống trông rộng và thoáng nhưng cơ sở vật chất đều đã xuống cấp.

Chị Vân nói, gia đình chị đã gắn bó với nơi này 10 năm. Mỗi tháng cũng tốn hơn 1 triệu đồng cho tiền thuê nhà. Ngoài ra, tiền điện 3.000 đồng/số, nước 25.000 đồng/khối. “Nhà đông người, dùng nhiều cũng xót ruột” - chị Vân nói.

Kể về cuộc sống khó khăn, chị Vân cho biết, gia đình “hơi đặc biệt” vì không có ông bà trông con giúp. Ngày trước, chị cũng thuê người trông con nhưng tiền gửi quá tiền lương. 2 vợ chồng xoay sở ngược xuôi đi gửi con. Cuối cùng, chị Vân xin nghỉ làm công ty từ năm 2017, còn chồng vẫn tiếp tục làm ở công ty. Nhiều năm nay, cả gia đình đều trông chờ vào tiền lương làm công nhân của người chồng. Chị Vân có 2 người con đều đang học cấp 1 trên địa bàn xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Để san sẻ với chồng, chị Vân chồng thêm rau, thi thoảng sửa quần áo kiếm thêm thu nhập. Nhà trọ gia đình chị Vân thuê ở cuối ngõ, gần mương nên khá nhiều muỗi, ẩm ướt. Hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép thuê chỗ rộng rãi hơn nên gia đình vẫn tá túc tại đây.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Vân đang đợi các con ổn định đến trường, chị sẽ xin đi làm công nhân. Nếu cuộc sống ổn định hơn mới tính đến chuyện thuê phòng khác.

Theo thống kê, hiện cả nước có 2,7 triệu công nhân ở khu công nghiệp, trong đó khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Đến nay, nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho công nhân khu công nghiệp (được đầu tư xây dựng gần hoặc bên cạnh KCN) đã hoàn thành 116 dự án, với tổng diện tích 2,58 triệu m2, đáp ứng chỗ ở cho 330.000 lao động.

Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, việc phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở cho công nhân, tuy đã có được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 NƠXH tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang từng cho rằng những năm qua, mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư, vì vậy nhà ở cho công nhân luôn là vấn đề nóng bỏng, bức thiết.