Những thầy thuốc 'áo xanh’ trên đảo - Bài cuối: Đưa Trường Sa gần hơn với đất liền

Huyền Văn
“Ra đảo công tác, từ một bác sĩ mổ hộp sọ, phải biết mổ thêm cả ruột thừa, mổ chân, mổ đẻ, mổ bụng, mổ ngực… để cấp cứu được nhiều ca bệnh nhất có thể”.

Đó là lời khẳng định của Thiếu tướng, PGS.TS. Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 khi trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức trong chuyến công tác Trường Sa tháng 5/2022.

Xin Thiếu tướng cho biết việc xây dựng Trung tâm y tế Trường Sa hiện đại có ý nghĩa như thế nào?

Muốn nói đến những thay đổi ở Trung tâm Y tế Trường Sa thì phải quay lại lịch sử từ những ngày đầu, cách đây 30 năm. Khi đó, từ một tổ quân y chỉ có 3 người, bệnh xá thiếu thốn trang thiết bị, thuốc men. Nay, nơi này đã là một trung tâm y tế hiện đại, tương đương một trung tâm y tế cấp quận huyện.

Việc xây dựng Trung tâm y tế hiện đại tại Trường Sa có giá trị to lớn góp phần chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho bộ đội, nhân dân và ngư dân lao động trên biển mỗi khi không may mắc bệnh. Bởi nó không những bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân mà nó còn là điểm tựa tinh thần cho bà con ngư dân đang ngày đêm bám biển, lao động sản xuất trên ngư trường quần đảo Trường Sa.

Bà con yên tâm thì ngư dân sẽ ra nhiều, bởi khi ngư dân đã xuống thuyền là họ đã chấp nhận đánh đổi tính mạng của mình cho biển cả, bão tố, sóng gió, bệnh tật. Cho nên khi có một trung tâm y tế hiện đại như thế người dân rất yên tâm, coi đó như một điểm tựa.

Khi người dân có niềm tin thì họ sẽ đến với Trường Sa, ngư dân đến càng đông, tức là bà con càng yên tâm bám biển lao động sản xuất. Chính vì thế càng khẳng định chủ quyền của chúng ta trên biển.

Sự xuất hiện của bà con ngư dân là những “bia chủ quyền” của đất nước trên Biển Đông, đó không phải là những khối bê tông, mà là những tấm lòng, trái tim của những con người dũng cảm, ngày đêm bám biển lao động sản xuất. Đấy là những bia chủ quyền sống.

Vậy chúng ta cần có những việc làm cụ thể để cho bà con yên tâm vươn khơi bám biển, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân nơi biển đảo.

nlntv-truonga-1677407476.jpg
Thiếu tướng, PGS.TS. Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (người ngồi đầu ghế bên phải ảnh) trao đổi công việc với các y bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa.

Thưa Thiếu tướng, con người là yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công y tế biển đảo. Vậy việc đào tạo, cống hiến của các y bác sĩ ra Trường Sa được Bệnh viên Quân y 175 chọn lựa như thế nào?

Với Bệnh viện Quân y 175 thì việc đầu tiên là làm gì và làm thế nào để tốt nhất cho Trường Sa, đó là mệnh lệnh từ trái tim, đó là trách nhiệm, là thương hiệu mà hơn 30 năm qua Bệnh viện Quân y 175 đã làm cho Trường Sa.

Câu chuyện y tế biển đảo nói chung hay y tế ở Trường Sa nói riêng không phải là niềm tự hào của Bệnh viện Quân y 175 mà là niềm tự hào của các bệnh viện Quân đội và nhân dân.

Chúng ta cũng hy vọng rằng một ngày nào đó, Trường Sa hay thị trấn Trường Sa sẽ là một thủ đô của du lịch biển và Trung tâm y tế Trường Sa không chỉ cứu chữa cho người dân, cho quân nhân mà còn cứu chữa cho cả khách du lịch khi du lịch biển phát triển.

Còn bây giờ, mỗi năm chúng ta có hàng chục đoàn từ đất liền ra thăm Trường Sa, nếu Trung tâm y tế Trường Sa không bảo đảm tốt thì cũng là một vấn đề. Bởi chúng ta lo cứu chữa, bảo đảm cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã là tốt rồi chứ chưa nói gì câu chuyện cấp cứu cho du khách.

Hiện nay Trung tâm huyện Trường Sa đã trở thành “Thủ đô của Trường Sa", cho nên các đảo xung quanh là vệ tinh, khi có người bệnh sẽ tổ chức vận chuyển đưa về cấp cứu, cứu chữa. Như vậy trong quá trình chờ đợi sự tăng cường của đất liền ra đảo thì Trung tâm y tế Trường Sa đã giải quyết được vấn đề cấp cứu căn bản ban đầu, trước hết là cứu người dân qua cơn nguy kịch. Còn lại tất cả những vấn đề sau đó Bệnh viện Quân y 175 sẽ tiếp ứng, hỗ trợ họ.

Đối với các y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, phương châm của bệnh viện là: Dù muốn được đi học, đi nước ngoài, đi Trường Sa, đi biên giới (biên giới Tây Nguyên và biên giới Campuchia) thì cơ hội được cống hiến đều như nhau.

Câu chuyện đặt ra là bạn muốn đi học thì bạn hãy đi Trường Sa trước, và bạn muốn đi Trường Sa thì bạn phải đi học. Cũng giống việc các bác sĩ đi Nam Sudan cũng vậy. Ở Bệnh viện Quân y 175, để được đi công tác nước ngoài như vậy không phải là cắt cử mà đó là một cuộc "xếp hàng", hay nói cách khác đó là sự tình nguyện.

Để thay đổi một tinh thần như thế thì phải có một quá trình thay đổi tư duy của các y bác sĩ, đó là cống hiến, dâng hiến và tận tụy của mình như thế nào, đạt được mức độ, trình độ, năng lực như thế nào thì mới được tham dự những hoạt động như vậy.

Cho nên các y bác sĩ phải học tập, phấn đấu rèn luyện. Để được đi Trường Sa không hề đơn thuần chỉ là giỏi chuyên môn mà còn cả tinh thần cống hiến, làm sao phải thể hiện năng lực tốt, đủ tiêu chí để đảm bảo được yêu cầu tốt nhất.

nlntv-ytetruongsa2-1677407573.JPG
Thiếu tướng, PGS.TS. Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 và đoàn công tác của TP Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với y bác sĩ Trung tâm y tế Trường Sa. Ảnh chụp tháng 5/2022.

Vậy Bệnh viện Quân y 175 đã làm gì khi lựa chọn các y bác sĩ đi công tác ở Trường Sa, và sau khi về đất liền họ sẽ có những kinh nghiệm gì để truyền lại cho thế hệ sau này, thưa Thiếu tướng?

Trước đây Bệnh viện Quân y 175 mỗi lần cử y bác sĩ đi Trường Sa anh em đều ngại khó ngại khổ, đấy là chuyện đương nhiên. Thế nên điều kiện làm việc cho anh em và chuẩn bị con người đi Trường Sa là 2 yếu tố quan trọng nhất.

Theo tôi, phải trả lời được câu hỏi, họ ra đấy làm cái gì, khả năng họ muốn làm thì có làm được không? Cho nên trước hết là cơ sở vật chất, môi trường làm việc, điều kiện làm việc, thậm chí kể cả công tác hậu phương phải làm thật tốt.

Bên cạnh đó là sự gắn bó giữa người lãnh đạo, giữa bệnh viện với các y bác sĩ ở Trường Sa như thế nào. Tóm lại, để làm tốt công tác tư tưởng cho y bác sĩ có rất nhiều việc phải làm từ chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị kiến thức, chuẩn bị điều kiện làm việc với sự quan tâm của các đơn vị cũng như công tác tư tưởng, công tác hậu phương chính sách… để các y bác sĩ yên tâm và thấy rằng việc được cống hiến sức trẻ ở Trường Sa là một vinh dự, trách nhiệm với tinh thần dâng hiến, hy sinh, dám nhận nhiệm vụ.

Đó là điều vinh quang được đi Trường Sa, được làm việc, được cống hiến chứ không phải là "bị phải đi". Theo tôi mỗi đơn vị cần thay đổi tư duy, động viên, khuyến khích và làm tốt hậu phương quân đội thì anh em mới có tinh thần lên đường.

Họ đi như thế, vậy họ về thì ra sao? Ở Bệnh viện Quân y 175 có tiêu chí là: Nếu có tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài thì tiêu chí đầu tiên là bạn đã cống hiến ở Trường Sa chưa, đi công tác vùng biên giới chưa... Nếu đã kinh qua những nơi làm việc như thế, khi trở lại bệnh viện, các y bác sĩ ấy sẽ là những người được ưu tiên đầu tiên cử đi đào tạo.

Hay như những y bác sĩ trên tổ bay đêm, bay cấp cứu giữa Trường Sa và Bệnh viện Quân y 175 cũng vậy. Nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào... cho nên bệnh viện luôn quan tâm đến họ, phải làm tốt công tác hậu phương quân đội.

Tôi nghĩ rằng, không phải đơn vị nào cũng có thể làm được như Bệnh viện Quân y 175, và cũng không phải đơn vị nào cũng đủ điều kiện để làm được như thế.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!