Nỗi buồn môn Sử

Huyền Văn
Đề xuất đưa Lịch sử thành môn tự chọn cho khối PTTH làm dấy lên nhiều lo ngại từ dư luận, rằng liệu một ngày lịch sử dân tộc có bị lãng quên? 

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng việc giảm tải Lịch sử, biến Lịch sử thành môn tự chọn không bắt buộc là cần thiết, để phát huy giáo dục khai phóng giống như các nước Anh, Pháp, Úc. Nhưng, nhiều người lại nhận định rằng đó là với bối cảnh các quốc gia phương Tây, có hoàn cảnh xã hội, lịch sử, chính trị, dân tộc… quá khác biệt so với Việt Nam. Nhiều người viện dẫn ra rằng tại sao các chuyên gia này không lấy Trung, Nhật, Hàn ra để so sánh? Trong khi các nước Trung, Nhật, Hàn đồng văn với chúng ta, và ít nhiều có những gắn bó lịch sử với Việt Nam. Họ cũng là các quốc gia phát triển nhưng vẫn giữ được tính dân tộc cao, giữ gìn được văn hóa dân tộc. Khi các quốc gia này đã đưa trở lại hoặc vẫn luôn duy trì vị thế bắt buộc của bộ môn Lịch sử thì chúng ta lại đang làm khác họ. Và Lịch sử là 1 trong 3 môn học bắc buộc ở Mỹ - nước đứng đầu phương Tây.

Nhiều người cho rằng việc biến môn Lịch sử trở thành một trong những môn học tự chọn là không hợp lý và sẽ chẳng khác nào “xoá sổ” môn này, điều này có thể gây hậu quả khôn lường cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Hãy thử nghĩ xem, sau khi áp Lịch sử thành môn tự chọn, có lẽ sẽ có những lớp người Việt không biết về ngày 30/04/1975 hay 02/09/1945, không rõ về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa - Bạch Long Vĩ… Rồi sự xuyên tạc lịch sử ngày càng nhiều hơn, chủ nghĩa bịa đặt lịch sử và xét lại lịch sử sẽ đến.

Theo thống kê năm 2015 của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, khi môn Lịch sử là môn bắt buộc thì trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ có 153.600 thí sinh đăng ký thi môn Sử (tức là có khoảng 1/10 thí sinh quan tâm tới môn Sử). Vậy không biết nếu chúng ta cho phép các em bỏ qua môn Sử khi còn học phổ thông thì sẽ còn được bao nhiêu thí sinh đăng ký thi môn Sử trong các kỳ thi THPT quốc gia sắp tới? Liệu chúng ta có nên nghĩ đến tình huống xấu nhất là không có thí sinh nào đăng ký thi môn Lịch sử trong các kỳ thi THPT quốc gia không?

Có một câu chuyện, về anh Khánh - một thầy giáo dạy văn ở trường THPT An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang. Anh thú nhận rằng tới tận năm ngoài 30 tuổi, anh mới lần đầu tiên hiểu kỹ về Chiến tranh. “Ở ngoài đảo, mình không có điều kiện tiếp cận thông tin, vào Internet, sách giáo khoa thời mình thì không nhắc đến mấy” - anh kể. Khi biết đến, Khánh đã phải nhờ rất nhiều bạn bè ở các trường đại học gửi tài liệu cho đọc, để biết thêm về những cuộc chiến. Anh quyết định rằng mình sẽ không để các em học sinh phải chịu điều ấy - dù anh là một thầy giáo dạy văn, không phải dạy sử.

Tiết học thầy giáo Khánh chọn, là sau khi anh giảng xong cho học sinh về “Bình Ngô đại cáo” - tác phẩm tuyên bố chủ quyền dân tộc trước giặc xâm lăng phương Bắc. Anh dành một tiết học ngồi kể cho học sinh về những cuộc chiến, về diễn biến, và những đau thương mà nó mang lại. Rồi người thầy giáo khóc. Gia đình anh cũng có nhiều liệt sĩ. Anh nhớ bà ngoại, mất chồng từ năm 26 tuổi, nhớ người cậu ruột hy sinh ở chiến trường biên giới Tây Nam. Học sinh trong lớp cũng đồng loạt khóc theo. Rồi cả lớp đứng dậy, dành một phút tưởng niệm cho những người đã ngã xuống. Tiết học ấy sau này trở nên nổi tiếng trên báo chí. Bởi vì nó đặc biệt: những cuộc tưởng niệm như thế không được tổ chức ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt với những người ngoài quân ngũ...

Có những người lính già đã qua nhiều cuộc chiến, nói về chiến tranh với một vẻ đầy bình thản. Nhưng họ chua chát khi nói về sự lãng quên. Chính bản thân họ, sau bao nhiêu năm, cũng không cưỡng lại được sự phai mờ của ký ức. Họ sợ sự quên ấy, chứ không sợ kẻ thù.

Lịch sử là hồn cốt của một quốc gia, dân tộc, là một bộ phận trong cơ thể đất nước Việt Nam. Những kiến thức lịch sử giúp cho giới trẻ hiểu về truyền thống đất nước, lòng tự tôn dân tộc, biết quý trọng hiện tại, trân quý tương lai. Hiểu được điều đó, thế hệ trẻ sẽ có lý do chính đáng để cảm thấy tự hào về đất nước của mình và thấy có động lực để tiếp tục xây dựng và phát triển nó hơn nữa. Còn ngược lại, nếu không am hiểu về lịch sử, có thể các bạn sẽ thấy mọi thứ rất bi quan, rằng Việt Nam bây giờ thua kém tất cả quốc gia khác và vì vậy chẳng có lý do gì để đóng góp cho quê hương. Nhưng trong lịch sử mỗi lần đất nước lâm nguy thì cái đã giúp chúng ta vượt qua được mọi khó khăn để giành chiến thắng chính là tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc bất diệt. Nếu mất đi điều đó, lần tiếp theo đất nước lâm nguy chúng ta sẽ phải làm sao đây?

nlntv-f8ca99241e5a561dfbfebeb145671587-1650673912.jpg
Môn lịch sử trở thành môn học tự chọn dấy lên nhiều tranh cãi.

Không thể lấy phong cách giáo dục ở nước khác áp dụng vào Việt Nam được. Bởi vì lịch sử của họ khác Việt Nam khác và con người với nền văn hóa cũng khác. Chúng ta có thể đi học tập, trao đổi kinh nghiệp để để tiếp thu tinh hoa về mà xây dựng đất nước và con người Việt Nam, chứ không phải là về để loại bỏ môn học lịch sử. Có lẽ việc định đoạt một thế hệ nên học cái gì là điều quá sức và không ai có quyền làm điều đó. Lịch sử là thứ mà tất cả chúng ta phải trân trọng. Bác Hồ từng nói “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Với quá khứ đầy rẫy những mất mát sau bao cuộc chiến tranh vệ quốc, chúng ta phải biết sử, để yêu hòa bình.

Vậy thay vì né tránh vấn đề gốc rễ bằng cách "xóa sổ" môn Sử, chúng ta hãy dành thời gian suy nghĩ xem phải làm thế nào để khiến môn Sử thu hút được học sinh.

nlntv-52a555328e941372ff9f82897b9e34a6-1650674106.jpg
Lịch sử là cội nguồn dân tộc, không bao giờ được phép lãng quên. (ảnh minh họa)

Trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều kênh lịch sử, và rất nhiều người thích thú với những kênh lịch sử đó. Bởi vì thứ có trên đó, là nội dung, là câu chuyện, những thứ cuốn hút với hình ảnh, âm thanh, giọng đọc hay những thước phim, chứ không phải con chữ trên sách vở. Bởi cách dạy máy móc, thiếu nhiệt huyết, khô khan và mang nặng giáo điều đã giết chết môn lịch sử, chứ không phải lịch sử không đáng học. Điều mà chúng ta thật sự cần không phải là cho các em quyền chọn học môn Sử hay không mà là làm thế nào để khiến các em có hứng thú với giờ học Lịch sử. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục bắt học sinh nhớ từng ngày từng tháng, từng sự kiện lịch sử, bắt học sinh nhớ xem bao nhiêu máy bay, bao nhiêu tăng, bao nhiêu lính thiệt mạng trong một trận đánh thì đương nhiên là học sinh sẽ chẳng bao giờ yêu nổi môn Lịch sử. Một khi môn học truyền được cảm hứng cho người học thì việc xếp vào môn tự chọn hay bắt buộc không còn là vấn đề lớn.

Văn – Sử - Triết vốn là một gốc rễ để tạo nên nền văn hóa Việt Nam, góp phần không nhỏ vào nên văn hóa phương Đông lừng lẫy. Nếu bỏ quên lịch sử, chắc khác nào bỏ quên chính cội nguồn của dân tộc mình.

Minh Ngọc - Tre Việt
Bảo Anh

Bảo Anh

09:00 23/04/2022

Bài viết quá đúng, quá hay, mong bộ giáo dục xem lại.