Nỗi lòng người "dính Covid" ngày cận Tết

Lương Đàm
Sáng 23/1, đặt xong vé xe về quê, xếp quà cho bố mẹ vào hộp, Nguyễn Thu Trang, 23 tuổi, mua que test nhanh Covid-19 thì thấy hai vạch.

Nhìn vạch mờ, cô gái lần đầu tự lấy mẫu nghĩ có thể mình thao tác sai nên lấy thêm một que nữa, ngoáy sâu hơn. Kết quả lần thứ hai là "hai vạch căng đét". "Trời đất quanh tôi như tối sầm. Dương tính đồng nghĩa với tất cả những kế hoạch mà tôi chuẩn bị cho Tết năm nay đều đổ vỡ vào phút cuối cùng", cô gái đang ở trọ tại quận Đống Đa, Hà Nội, kể.

Trước đó hai hôm, Trang thấy đau họng, chảy nước mũi nhưng không lưu tâm vì cho rằng do mình vừa đi lạnh về. Trước khi lên xe về quê, cô vẫn quyết định test nhanh để đảm bảo không mang virus về cho gia đình, làng xóm.

Sau phút bấn loạn, Trang bình tâm trở lại, bắt đầu ngồi nhắn tin cho những người đã tiếp xúc gần mình, thông báo cho bố mẹ và gọi bạn trai tiếp tế. Cô cũng gọi điện báo cho trạm y tế phường, làm test nhanh và được yêu cầu điều trị tại phòng.

"Đau lòng nhất là lúc gọi điện xin hủy vé xe vì biết chắc Tết này ở lại Hà Nội một mình", cô gái quê Thanh Hóa nói.

Cùng với Thu Trang, tối 23/1 (tức 21 tháng Chạp) Hà Nội ghi nhận 2.966 ca mắc Covid-19 mới, số ca trung bình của 7 ngày là 2.914. Đến ngày 24/1, toàn thành phố đang điều trị hơn 68.500 ca, trong đó gần 59.000 F0 điều trị tại nhà.

qua-va-vali-quan-ao-thu-trang-xep-san-nhung-khong-the-ve-que-1643171410.jpg
Quà và vali quần áo Thu Trang xếp sẵn nhưng không thể về quê

"Tết Nguyên đán càng cận kề, nhu cầu đoàn tụ, mưu sinh của người dân càng lớn. Trở thành F0 vốn đã khó khăn, thành F0 ngày giáp Tết bỗng nhiên trở nên khó chấp nhận hơn với nhiều người", thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Thọ, quản trị viên trang Tư vấn hỗ trợ F0 có hơn 30.000 thành viên, nói.

Bác sĩ Thọ cho biết, trung bình một ngày anh tư vấn điều trị cho khoảng 50 F0, cả mới và cũ. Các bệnh nhân của anh, ngoài nỗi lo sức khỏe, những ngày cận Tết, hầu hết đều tỏ ra rất chán nản hơn khi bị trì hoãn công việc hay kế hoạch liên quan đến Tết...

Trang cũng như 71% người tham gia khảo sát Kỳ vọng của người Việt vào dịp Tết 2022 của công ty nghiên cứu thị trường Q&me thực hiện tháng 11/2021, dự định về quê đón Tết 2022. Khảo sát cho thấy, "sức khỏe" và "gia đình" là 2 yếu tố người Việt ưu tiên hàng đầu và cảm thấy có giá trị nhất. Gia đình sum họp và thư giãn, nghỉ ngơi là những mong đợi vào dịp Tết 2022.

Đợt nghỉ lễ 30/4 năm ngoái, Trang sợ dịch không dám về. Cuối năm, cả gia đình đều đã tiêm hai mũi vaccine, cô háo hức xin nghỉ sớm để về quê. Trang thèm bữa cơm nhà, thèm ngủ cạnh mẹ, tâm sự đủ chuyện buồn vui mà năm qua không phải lúc nào cũng có dịp nói. "Không ngờ lần đầu tiên trong đời ăn Tết xa nhà, lại còn phải cách ly một mình trong tâm lý mọi thứ lỡ dở. Càng nghĩ càng thấy tủi thân", Trang nói.

Đã hai ngày sau khi có quyết định cách ly, Trang vẫn chưa dỡ đồ trong vali ra. Cô cho biết, khi biết tin con không thể về, bố mẹ đều khóc và "coi như chẳng còn Tết nhất gì nữa".

Không phải xa quê như Trang, anh Phạm Quyết Thành, 45 tuổi, được cách ly tại nhà ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, những ngày cuối năm là dịp để anh shipper kiếm cái Tết tươm tất cho gia đình, giờ phải nghỉ sớm.

Vợ anh ba năm sinh hai đứa, lại vướng dịch bệnh nên chỉ ở nhà chăm con. Cả gia đình, cùng mẹ già 70 tuổi, sống dựa vào thu nhập của anh. "Trung bình mỗi ngày cận Tết anh kiếm được 600-700 nghìn đồng. Nhưng bây giờ, cả nhà lại phải tiêu vào tiền tiết kiệm, còn chật vật hơn lúc giãn cách", chị Thu Hồng, 35 tuổi, vợ anh nói.

Những năm trước, ngày Tết ông Táo, chị Hồng mua hoa quả, bánh chưng, khoanh giò, quần áo mã để tiễn các ông về trời. Năm nay vì không được ra ngoài, lại đứt thu nhập, chị tính chỉ thắp hương suông "mong các ông thông cảm". Đau đầu nhất là chị một nách chăm hai đứa con nhỏ, chăm chồng phải cách ly và người mẹ 70 tuổi.

Theo khảo sát Kỳ vọng của người Việt vào dịp Tết 2022, tài chính là nỗi lo lớn nhất của các gia đình, xuất hiện ở 64% người tham gia. Bên cạnh đó, gần 50% có xu hướng tiết kiệm tiền hơn so với các năm trước. Thực tế trước mắt của vợ chồng chị Thu Hồng là cái Tết năm nay sẽ không còn được như cũ. "Giờ đến Tết cả nhà có gì ăn đấy, dè sẻn trong khoản tiết kiệm vì chẳng biết năm tới sẽ đi làm được không", chị nói.

me-con-chi-thu-hong-o-phong-rieng-cach-ly-voi-chong-la-f0-ngay-can-tet-o-tang-bo-1643171411.jpg
Mẹ con chị Thu Hồng ở phòng riêng, cách ly với chồng là F0 ngày cận Tết, ở tầng bốn

Bác sĩ Phạm Văn Thọ cho rằng mắc Covid-19 trong những ngày cận Tết là điều không ai mong muốn, nhưng buộc phải đối diện. Bệnh nhân cần chuẩn bị thuốc, thiết bị y tế dành cho F0 tại nhà. Nếu không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, bệnh nhân chỉ cần ăn uống đầy đủ, giữ tinh thần thoải mái và nên điều trị kịp thời khi ho nhiều, sốt kéo dài, hụt hơi... "Cần giữ bình tĩnh, tuân thủ phác đồ điều trị để sớm khỏi bệnh và tuân quy định 5K để tránh lây lan cho cộng đồng", ông nói.

Anh Phạm Quyết Thành cho biết, sau khi lên mạng xã hội tìm giúp đỡ, đã được một đơn vị mang đến tận nhà tặng gói thuốc điều trị F0. Sau ba ngày, anh test âm tính. Xác định không thể ra ngoài dịp Tết, nhưng anh thấy nhẹ người khi biết sắp khỏi bệnh và đặc biệt là hai con nhỏ cùng mẹ già không bị lây.

Sau hai ngày nhiễm bệnh, các triệu chứng ho, khó thở, đau đầu của Thu Trang bắt đầu dày lên. Dù hụt hẫng vì không được về quê ăn Tết cùng gia đình, đây cũng là dịp để cô cảm nhận rõ tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp dành cho mình. "Mọi người tiếp tế cho tôi chẳng thiếu thứ gì", cô nói.

Tên một số nhân vật đã thay đổi