Pháp luật quy định như thế nào về phí trọng tài?

Lương Đàm
Bạn đọc Cù Minh Được ở phường 15, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về phí trọng tài?

Bạn đọc Cù Minh Được ở phường 15, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về phí trọng tài?

Trả lời: Điều 34 Luật Trọng tài thương mại quy định về phí trọng tài, cụ thể như sau:

1. Phí trọng tài là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Phí trọng tài gồm:

a) Thù lao trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho trọng tài viên;

b) Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của hội đồng trọng tài;

c) Phí hành chính;

d) Phí chỉ định trọng tài viên vụ việc của trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;

đ) Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi trung tâm trọng tài.

2. Phí trọng tài do trung tâm trọng tài ấn định. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi trọng tài vụ việc, phí trọng tài do hội đồng trọng tài ấn định.

3. Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác.

phitrongtai-1638240966.png
 

* Bạn đọc Vũ Thị Thuận ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Việc chia sẻ thông tin công dân giữa các cơ sở dữ liệu (CSDL) được quy định như thế nào?

Trả lời: Ngày 15-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành. Điều 2 của quyết định quy định chia sẻ thông tin công dân giữa các CSDL như sau:

1. CSDL quốc gia về dân cư chia sẻ thông tin về công dân cho CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành và Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. CSDL hộ tịch điện tử, CSDL về cư trú, CSDL căn cước công dân, CSDL về y tế và CSDL chuyên ngành khác cung cấp thông tin về công dân cho CSDL quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật để bảo đảm thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời của thông tin.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chia sẻ dữ liệu thông tin công dân thuộc lĩnh vực quản lý để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

4. Việc kết nối, chia sẻ thông tin về công dân ngoài quy định tại các khoản 1, 2, 3 điều này, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quân đội Nhân dân