Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19

Tại Hội thảo này, nhiều ý kiến tham luận, bài viết đề xuất, hiến kế giải pháp nhằm phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19, gắn với việc thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới cũng như các cam kết quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên…
phat-trien-chuoi-cung-ung-lao-dong-on-dinh-sau-dai-dich-covid-19-1654426894.jpg
Hình ảnh tại Hội thảo.

Ngày 5/6, tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”, Hội thảo chuyên đề 1 được tổ chức với chủ đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19”.

Các đồng chí: Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; TS. Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; một số đại sứ quán và tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp và các đại biểu khác.

Hội thảo tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập; những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch COVID-19; hoàn thiện pháp luật nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch COVID-19; kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, bài học rút ra đối với Việt Nam; vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam; việc làm thỏa đáng thích ứng điều kiện bình thường mới sau đại dịch COVID-19; lao động, việc làm trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới; đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động cho người lao động; phát triển việc làm trong điều kiện nền kinh tế số; vấn đề đổi mới quản trị quốc gia về lao động, đặc biệt chú trọng nhìn thị trường lao động toàn diện, cả lao động chính thức và lao động phi chính thức, trong đó xem xét vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra nhằm phát triển đồng bộ thị trường lao động sau đại dịch COVID 19.

Để đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng lao động sau đại dịch COVID 19, đáp ứng nhu cầu lao động trong điều kiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế, các tham luận, ý kiến đóng góp, trao đổi tại hội thảo, các bài viết trong kỷ yếu trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng thực trạng lao động, chuỗi cung ứng lao động và tác động của đại dịch tới thị trường lao động, đã góp phần luận giải thêm luận cứ khoa học và thực tiễn; hiến kế nhiều giải pháp, kiến nghị có ý nghĩa thực tiễn đòi hỏi từ cuộc sống.

Tại Hội thảo này, nhiều ý kiến tham luận, bài viết đề xuất, hiến kế giải pháp nhằm phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19, gắn với việc thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới cũng như các cam kết quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên. Các nhóm giải pháp kiến nghị Đảng và Nhà nước nhằm phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19.

Các đại biểu cho rằng, cần đổi mới tư duy, nhận thức về lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; coi trọng phát triển thị trường lao động là nền tảng trụ cột của nền kinh tế. Cần phải chú trọng cả nguồn cầu, nguồn cung, chất lượng nhân lực và đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài phát triển nguồn nhân lực, lao động là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân người lao động. Để thúc đẩy phát triển nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế cần phải có các biện pháp toàn diện cho thị trường lao động, tư duy quản trị lao động phải toàn diện gồm cả lao động chính thức và phi chính thức.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển thị trường lao động đảm bảo chất lượng, đồng bộ với hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng và hoàn thiện thể chế về quan hệ cung cầu thị trường lao động, việc làm; hoàn thiện theo hướng đảm bảo thống nhất hệ thống pháp luật có liên quan trong quản lý lao động, việc làm nhằm phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.

Theo các chuyên gia, để lao động được có việc làm, thu nhập ổn định, cần đảm bảo sự tập trung, thống nhất, có sự phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về lao động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu báo cáo và chế độ báo cáo liên quan đến quản lý lao động, việc làm hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động gắn với cơ sở dữ liệu dân cư, an sinh xã hội… nhằm phát huy vai trò chủ trì và sự phối hợp của các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin.

phat-trien-chuoi-cung-ung-lao-dong-on-dinh-sau-dai-dich-covid-19-01-1654426894.jpg
Các đại biểu dự Hội thảo.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường các biện pháp đảm bảo môi trường an toàn vệ sinh lao động. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Có biện pháp kinh tế và hành chính gắn trách nhiệm và quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động không chỉ phòng chống COVID-19 mà còn cả các nguy cơ bệnh tật khác trong môi trường lao động.

Ý kiến các chuyên gia cũng tập trung phân tích, Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, lao động gắn với các chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ; các vấn đề đảm bảo việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động hướng tới sự bền vững và bao trùm đặt ra cần chủ động hoàn thiện hệ thống các chính sách kinh tế gắn với chính sách lao động. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội… phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người lao động.

Trong phần thảo luận của tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung bàn về các vấn đề như: Việc làm thỏa đáng thích ứng điều kiện bình thường mới sau đại dịch COVID-19; vấn đề lao động, việc làm trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới và chịu tác động đại dịch COVID-19; vấn đề đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động cho người lao động thích ứng điều kiện đại dịch COVID-19; phát triển việc làm trong điều kiện nền kinh tế số - giải pháp thích ứng an toàn đại dịch COVID- 19; vấn đề đảm bảo an sinh xã hội đối với lao động phi chính thức trong điều kiện thích ứng đại dịch COVID-19 và nền kinh tế chuyển đổi số.

Các giải pháp, kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo này, Ban tổ chức tiếp thu, tổng hợp, đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia; xây dựng thị trường lao động lành mạnh, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn cung và cầu về lao động tăng mạnh sau đại dịch

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mạnh mẽ đến mọi mặt về kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã làm cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ; tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực…

phat-trien-chuoi-cung-ung-lao-dong-on-dinh-sau-dai-dich-covid-19-02-1654426894.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch, với mục tiêu duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, trong hai năm qua, có thể nói cả hệ thống chính trị của nước ta đã chung tay vào cuộc. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân đã được ban hành, trong đó phải kể đến các chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân, người lao động và doanh nghiệp. Các chính sách này cùng với hai nhóm chính sách lớn khác về chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất,...) và chính sách hỗ trợ tín dụng (hỗ trợ giải ngân, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất) đã phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động, góp phần san sẻ những khó khăn cho người lao động.

Cùng với thực hiện các chính sách trên, đặc biệt là triển khai quyết liệt chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại, theo đó, thị trường lao động dần có sự phục hồi trở lại.

Nguồn cung lao động đang dần tăng trở lại, trong đó quý I năm 2022 lực lượng lao động là 51,2 triệu người, tăng 160 ngàn người so với cùng kỳ năm trước, tăng 440 ngàn người so với quý IV năm 2021; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,1%, tăng 0,4% với quý trước; số lao động có việc làm là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu ở khu vực phi chính thức.

Cầu lao động tăng trở lại, trong đó nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).

Số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, quý I năm 2022 số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 1,1 triệu người (tương đương 2,46%), giảm 489 ngàn người so với quý IV năm 2021.

Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại chiều hướng tích cực, trong đó giảm lao động trong khu vực nông nghiệp và tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ so với quý IV năm 2021 (tỷ lệ lao động nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hiện tại là 27,8% - 33,5% - 38,7%).

Thu nhập của người lao động tăng dần, tăng 6,4 triệu đồng quý I năm 2022, tăng 20,1% so với quý IV/2021 và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước…/.