Phụ huynh 'toát mồ hôi' với giấy chứng nhận âm tính

Lương Đàm
Quy định học sinh F1 phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính mới được trở lại học trực tiếp khiến phụ huynh bức xúc vì gây mất thời gian, tốn kém.

Sáng 28/2, chị Chi, phụ huynh lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 đưa con trai đến phòng khám đa khoa từ sớm để test nhanh Covid-19. Năm ngày trước, con chị trở thành F1 khi lớp có một học sinh F0. Theo quy định, con trai chị cùng các bạn tiếp xúc gần F0 phải cách ly tại nhà năm ngày. Sau đó, các em phải test nhanh, có chứng nhận âm tính mới được trở lại lớp.

Để có chứng nhận này, phụ huynh phải đưa con đến trạm y tế hoặc một phòng khám, bệnh viện. Một số người đề nghị được tự test nhanh tại nhà, báo kết quả cho trường nhưng không được chấp nhận. Giáo viên giải thích, đây là quy định của ngành và được ban giám hiệu triển khai.

Vào chủ nhật, trạm y tế phường ít người làm việc, khó chờ được xét nghiệm nên chị Chi phải đến phòng khám vào thứ hai, 28/2.

Theo hướng dẫn xử lý F0, F1 trong trường của UBND TP Hồ Chí Minh, khi học sinh được xác định là F1, nhân viên y tế trường hoặc giáo viên lập danh sách, cung cấp thông tin dịch tễ cho trạm y tế địa phương.

Để quay lại học trực tiếp, học sinh phải được xét nghiệm âm tính vào ngày thứ năm (nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine), ngày thứ bảy (nếu chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều). Việc này do nhân viên cơ sở y tế thực hiện hoặc học sinh tự thực hiện dưới sự giám sát từ xa.

hoc-sinh-truong-thpt-thanh-da-quan-binh-thanh-trong-gio-hoc-dau-thang-2-1646130429.jpg
Học sinh trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh trong giờ học đầu tháng 2. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo chị Chi, căn cứ hướng dẫn trên, nhân viên y tế trường hoặc trạm y tế địa phương có thể giám sát từ xa cho học sinh xét nghiệm. Phương án đơn giản và thuận tiện hơn là phụ huynh xét nghiệm nhanh cho con, báo cáo bằng hình ảnh que test cho giáo viên.

"Cách làm này sẽ thuận lợi cho cả nhà trường lẫn phụ huynh. Sao lại đẩy học sinh là F1 phải ra ngoài xét nghiệm, mang giấy chứng nhận về, tăng thêm nguy cơ mắc bệnh", phụ huynh nói.

Bức xúc với quy định trên, chị Chi quyết định cho con ở nhà học online, chờ ổn định mới đi học trực tiếp. Tuy nhiên, vì con trai muốn đến trường nên chị đành cho con đi xét nghiệm dịch vụ.

Thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng THPT Lê Quý Đôn, xác nhận nhà trường có yêu cầu trên với học sinh diện F1 do tuân thủ quy định của UBND TP Hồ Chí Minh. Hàng ngày, danh sách học sinh F1 đều được trường báo về các phường, trung tâm y tế ở quận 3, nơi trường đóng trú.

Thầy Thạch cho biết, trường có tính đến phương án giám sát học sinh test từ xa. Tuy nhiên, căn cứ theo hướng dẫn của y tế quận, nhân viên y tế trường chưa đủ chuẩn để thực hiện việc này. Do đó, học sinh phải ra trạm y tế hoặc các cơ sở y tế để xét nghiệm.

"Chúng tôi đã đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế quận 3 xem xét lại quy trình này, sao cho thuận tiện hơn với phụ huynh và học sinh", thầy Thạch nói sau khi nhận thấy bất cập.

Tương tự, một số phụ huynh khác bức xúc với quy định phải có giấy chứng nhận âm tính mới được học trở lại. Chị Quỳnh, ngụ TP Thủ Đức, có con lớp một diện F1, nói quy định trên "nhiêu khê, không hiệu quả". "Hiện F0 ở trường học ngày càng nhiều, số lượng F1 theo đó tăng gấp nhiều lần. Nếu buộc phải ra phường hoặc trạm y tế sẽ gây ra áp lực lớn cho họ, mất rất nhiều thời gian chờ đợi, mệt mỏi vô cùng", chị Quỳnh nói.

Cũng theo phụ huynh này, việc test nhanh cho trẻ gây ra tác động tiêu cực đến sức khoẻ và tâm lý. Con trai chị khóc thét mỗi lần được test nhanh trong khi nhiều bé khác ở lớp bị tổn thương ở mũi. Theo chị Quỳnh, trẻ F1 chỉ cần theo dõi sức khoẻ ở nhà đủ bảy ngày theo quy định, nếu không bị ho, sốt, có thể học trực tiếp.

Một phụ huynh khác, là công nhân ở quận 12, cho rằng, quy định trên gây tốn kém, tạo gánh nặng không nhỏ với gia đình khó khăn kinh tế. "Để có giấy chứng nhận, test nhanh bên ngoài cũng tốn trên dưới 200.000 đồng. Giả sử một tháng mà con bị dính F1 vài lần thì phụ huynh cũng bí", anh nói.

tre-trong-dau-den-truong-sau-9-hoc-truc-tuyen-tai-truong-mam-non-1646130429.jpg
Trẻ trong đầu đến trường sau 9 học trực tuyến, tại trường Mầm non 19/5 (quận 1) tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần.

Hiện, cách xử lý, tầm soát F1 ở mỗi trường một khác. Ngoài các trường thực hiện đúng quy định, một số trường "linh động" để phụ huynh tự test cho con ở nhà sau khi hết thời hạn cách ly, báo kết quả bằng hình chụp que xét nghiệm cho giáo viên. "Nếu thực hiện đúng quy trình của Bộ Y tế thì rất nhiêu khê, phụ huynh than phiền", một hiệu trưởng trường THCS nội thành cho biết.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh cho rằng, nên xem lại quy định xử lý F0, F1 tại trường học hiện nay. Việc test nhanh toàn bộ F1 không cần thiết, gây tốn kém và phiền hà với phụ huynh; tạo áp lực lên đội ngũ y tế địa phương.

Theo ông Khanh, không cần test nhanh cho F1 nếu học sinh không có dấu hiệu bất thường. Các em chỉ cần ở nhà cách ly 5-7 ngày theo quy định, nếu khỏe mạnh, có thể đến lớp bình thường.

"Trước đây, khi các em đi học trực tiếp trở lại, trường không quy định phải test nhanh, có giấy chứng nhận mới được học. Các em F1 hiện nay, nếu đã cách ly đúng quy định, cần được chào đón như lần đầu trở lại trường", ông Khanh nói.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã nắm được khó khăn từ phụ huynh và đang phối hợp với Sở Y tế đề xuất thành phố tháo gỡ. Theo đó, Sở Giáo dục dự định đề xuất cho học sinh F1, sau thời gian cách ly tại nhà, theo dõi sức khoẻ có thể tự test nhanh, có kết quả âm tính được quay lại trường.

"Phụ huynh đưa các em đến cơ sở y tế xét nghiệm là tốt nhất. Trong trường hợp không thể, trường sẽ hướng dẫn tự test tại nhà rồi báo kết quả lại. Việc này rất cần sự hợp tác của phụ huynh, cha mẹ cần biết cách test, đồng thời trung thực trong việc thông tin", ông Trọng cho biết.