Quan tâm nuôi dưỡng nguồn nhân lực - vốn quý của doanh nghiệp

Huyền Văn
Trong Tháng Công nhân năm 2023, bám sát chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”, các cấp Công đoàn tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, có tính hành động cao, hướng về cơ sở. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với giai cấp công nhân.

Ổn định việc làm, an cư lạc nghiệp

Anh Nguyễn Thế Huy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau hơn một tháng đã tìm được việc làm tại Công ty cổ phần Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngoài mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng, anh Huy được đóng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

“Có công việc là có thu nhập để lo toan cho công việc gia đình, ổn định cuộc sống”, anh Nguyễn Thế Huy chia sẻ.

nlntv-tangquacongdoan300423-1-1682896511.jpg
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng quà cho lao động dịp Tháng công nhân.

Đây cũng là nỗi niềm của nhiều người lao động hiện nay trong bối cảnh một số lĩnh vực, ngành nghề gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Với công nhân, người lao động, việc làm là mối quan tâm thường trực bởi đây là nguồn thu nhập để trang trải các chi phí trong cuộc sống. Tiếp đó là mức lương và các chế độ đãi ngộ. Hiện Viện đang tiến hành khảo sát chung tại một số tỉnh thành có đông công nhân lao động để làm cơ sở đàm phán mức lương tối thiểu vùng trong năm nay”.

Để hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, các trung tâm dịch vụ việc làm tại các thành phố lớn cũng tăng cường các phiên giao dịch việc làm, kết nối cung cầu thị trường lao động, nhất là hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho công nhân khu vực mất việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 2.000 công nhân công ty TNHHH PouYuen Việt Nam bị mất việc trong tháng 3 với 4 buổi tư vấn. Trong những ngày cuối tháng 4, Pouyuen Việt Nam trả sổ bảo hiểm xã hội cho công nhân mất việc. Sau đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh tiến hành tư vấn giới thiệu việc làm mới cho họ.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: “Do các doanh nghiệp tái cơ cấu nên thị trường lao động cũng sẽ có những thay đổi. Do đó, các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh thành sẽ tăng cường kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động, đồng thời đảm bảo hướng dẫn, chi trả kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động”.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, khiến nhiều công nhân mất việc làm, rời bỏ quan hệ lao động, đồng nghĩa với việc họ rời bỏ tổ chức Công đoàn. Với trách nhiệm là tổ chức đại diện của người lao động, hơn lúc nào hết, Công đoàn các cấp cần tổ chức nhiều hoạt động kết nối việc làm cho người lao động. Khi người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, họ sẽ quay trở lại kết nối với tổ chức, cùng xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Trong khi đó, là công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, anh Nguyễn Đình Biên (Công ty TNHH Woosin Vina, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Người lao động luôn mong doanh nghiệp phát triển, người lao động có công việc ổn định, thu nhập tăng lên. Tuy nhiên, hiện cuộc sống của người lao động còn nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề nhà ở, trường học cho con công nhân, người lao động. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và cả tổ chức Công đoàn muốn làm nhà cho công nhân của đơn vị mình thuê hoặc cho ở miễn phí nhưng vẫn chưa có cơ chế. Bản thân người lao động hiện vẫn phải đi thuê nhà ở chật hẹp, ẩm thấp, xa nơi làm việc”.

Đây cũng là mong muốn của nhiều người lao động đang làm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước. Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn tại 16 tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, hiện có 70% lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là lao động di cư và 90% trong số này đang ở trọ trong khu dân cư với diện tích nhỏ, điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo.

Do đó, từ nhiều năm nay, vấn đề nhà ở, quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của công nhân lao động.

Trao đổi nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội của công nhân lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Hiện Việt Nam có gần 18 triệu công nhân lao động, tuy nhiên mới có khoảng 20% trong số này được đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Việc chưa có chỗ ở ổn định, dễ dẫn đến dịch chuyển lao động trong công nhân lao động, nhiều công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà trọ ẩm thấp, tồi tàn, ảnh hưởng đến tái tạo nguồn lực lao động. Bên cạnh đó, do điều kiện sống không đảm bảo, nhiều công nhân phải gửi con về quê nhờ người thân trông giúp, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực”.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tổ chức Công đoàn các cấp đã lấy ý kiến rộng rãi trong đoàn viên, người lao động về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo kết quả tổng hợp, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức hơn 430 hội nghị, hội thảo; qua đó đã nhận được hơn 10.000 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Qua tổng hợp ý kiến của tổ chức Công đoàn, vấn đề quan tâm hiện nay của công nhân, người lao động là làm thế nào để chính sách pháp luật về đất đai cùng với việc sửa đổi các luật khác nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để NLĐ có cơ hội có được nhà ở, đây là quyền rất cơ bản của người lao động.

“Người lao động cả nước mong muốn, những vấn đề lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, đặc biệt vấn đề nhà ở cho công nhân được giải quyết căn bản để bảo đảm cuộc sống, điều kiện làm việc. Người lao động bày tỏ mong muốn và đề nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để phát triển nhà ở cho công nhân, bảo đảm được cuộc sống “an cư, lạc nghiệp”. Bởi chỉ khi bảo đảm được nhà ở và các thiết chế xã hội khác thì mới bảo đảm được phát triển bền vững ở các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Phát huy vai trò của Công đoàn ở cơ sở

Tháng Công nhân là dịp cao điểm tổ chức Công đoàn triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Theo đó, các cấp Công đoàn trên cả nước tập trung tổ chức chương trình “Đối thoại Tháng 5”, diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”.

Cụ thể, các cấp Công đoàn tăng cường thiết lập các kênh thông tin thuận lợi để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động, kịp thời tổng hợp, phản ánh đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; các Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, phối hợp với chủ doanh nghiệp kịp thời động viên, giải quyết các vấn đề người lao động quan tâm, bức xúc; tham gia giải quyết tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, giảm thu nhập của người lao động; đề xuất doanh nghiệp tìm giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động một cách bền vững.

nlntv-tangquacongdoan300423-2-1682896594.jpg
Hoạt động đối thoại với Đại biểu Quốc hội sẽ diễn ra trong suốt tháng 5.

Tại Hà Nội, các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, giới thiệu đoàn viên Công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động; gắn hoạt động Tháng Công nhân với tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp, tổ chức truyền thông về 137 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5) và các hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn.

Đặc biệt, trong Tháng Công nhân, tổ chức Công đoàn tại Hà Nội triển khai chương trình “Mỗi Công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên”, trong đó chú trọng rà soát, đẩy mạnh công tác thương lượng với người sử dụng lao động để nâng cao phúc lợi, lợi ích đoàn viên; phối hợp tổ chức các “Phiên chợ công nhân”, “Tuần lễ bán hàng giảm giá cho người lao động”, “Ngày hội văn hóa thể thao công nhân”; tiếp tục ký kết, triển khai các hoạt động với đối tác phúc lợi nhằm mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động…

Tại huyện Sóc Sơn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Lê Văn Đại cho biết, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân đến 100% Công đoàn cơ sở và tổ chức phát động Tháng Công nhân trong CNVCLĐ và các cấp Công đoàn; tuyên dương 22 công nhân đạt danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLĐ huyện Sóc Sơn” năm 2023, 32 “Công nhân giỏi” huyện Sóc Sơn năm 2023; khen thưởng 5 tập thể, 5 cá nhân thực hiện tốt phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động năm 2023”; trao quà cho 15 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; 21 công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; LĐLĐ huyện tặng áo dài, trao yêu thương cho nữ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và dự kiến bàn giao 3 “Mái ấm Công đoàn”....

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung nhấn mạnh, trọng tâm của Tháng công nhân là các cấp công đoàn thành phố sẽ tiến hành thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về việc làm, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, phụ cấp độc hại và điều kiện về an toàn vệ sinh lao động của người lao động.

Tháng công nhân cũng là dịp để công đoàn cấp trên trực tiếp đi cơ sở, đề xuất, tham mưu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cùng cấp gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan người lao động.

Dịp này, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh tặng 100 phần quà (mỗi phần 1 triệu đồng) cho đoàn viên, người lao động đã có sự nỗ lực, vượt khó. Riêng trong Tháng công nhân năm nay, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh dự kiến dành 30 tỷ đồng cho các hoạt động chăm lo đoàn viên, CNVCLĐ.

Tại tỉnh Đồng Nai, các công đoàn cơ sở và doanh nghiệp tổ chức hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động nhân Tháng Công nhân năm 2023 với nhiều hoạt động đi vào thực chất. Đơn cử như Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) có số lượng đoàn viên lao động rất đông đảo, với hơn 30.0000 người. Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động trước tình hình khó khăn về đơn hàng như hiện nay. Cụ thể, công đoàn sẽ thăm 500 công nhân có hoàn cảnh khó khăn và 600 công nhân ở trọ trên địa bàn, đây đều là số công nhân lao động khó khăn nhất trong thời gian qua.

Trong tháng 5.2023, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam cũng sẽ xét duyệt hồ sơ xây dựng 10 Mái ấm Công đoàn, vận động “Vòng tay nhân ái” lần thứ 40 để quyên góp lương hỗ trợ ĐVNLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, tổ chức hiến máu nhân đạo...

Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, Tháng Công nhân năm 2023, các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động cảm ơn NLĐ và các chương trình phúc lợi đoàn viên, phối hợp tổ chức phiên chợ công nhân, tuần lễ bán hàng giảm giá, ngày hội văn hóa thể thao công nhân và ngày hội chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tổ chức thăm hỏi giúp đỡ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng đặt mục tiêu sẽ có gần 1.500 công đoàn cơ sở tổ chức Tháng Công nhân năm 2023, phấn đấu thành lập 11 công đoàn cơ sở, kết nạp 6.500 đoàn viên, giới thiệu 620 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và cập nhật dữ liệu đoàn viên 5.100 đoàn viên. Ngoài ra, thành lập 20 ban nữ công quần chúng tại cơ sở, trao tặng từ 5-7 căn nhà mái ấm công đoàn.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị các doanh nghiệp cần quan tâm, quý trọng và chia sẻ thành quả với người lao động (NLĐ) để nuôi dưỡng nguồn nhân lực, đó là nguồn vốn quý của mỗi doanh nghiệp - lực lượng tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận về việc lấy tháng 5 hàng năm là Tháng Công nhân với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó đến nay, các hoạt động trong Tháng Công nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi mới, sáng tạo trong nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, tạo được hiệu ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Đồng thời, từ năm 2017, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cũng được triển khai vào tháng 5 nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động.

“Kể từ đó, tháng 5 - Tháng Công nhân - Tháng hành động về ATVSLĐ được coi là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ về mọi mặt, cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe. Qua 4 năm phối hợp triển khai phát động giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tháng Công nhân - Tháng hành động về ATVSLĐ đã thực sự trở thành ngày hội của công nhân, lao động cả nước với nhiều hoạt động cụ thể hướng về NLĐ, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động”, ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Đến nay, 100% LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc đã có kế hoạch triển khai thực hiện Tháng Công nhân. Nhiều đơn vị đã tổ chức Lễ phát động tại cơ sở với những nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị với một số trọng tâm hoạt động như: Ngày hội công nhân, Tuần lễ văn hóa - Thể thao; biểu dương cán bộ Công đoàn, đoàn viên tiêu biểu; tặng quà, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; trao Mái ấm Công đoàn…

Với mục tiêu tập trung cao nhất các nguồn lực để triển khai hiệu quả các hoạt động trong “Tháng Công nhân năm 2023”, công đoàn các cấp quyết tâm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ nguồn nhân lực là tài sản giá trị nhất của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Một trong những điểm mới trong Tháng Công nhân năm 2023 là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa các đại biểu Quốc hội tại địa phương với cử tri là đoàn viên, người lao động. Qua đó, các đại biểu Quốc hội sẽ có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người đang trực tiếp lao động sản xuất, kiến tạo ra những giá trị cho xã hội; qua đó có thể truyền tải tâm tư, nguyện vọng của gia cấp công nhân, lao động trên diễn đàn Quốc hội.