Tâm sự công nhân từng là F0: Mùa xuân ấm áp đang về

Lương Đàm
Dịch COVID-19 ập đến khiến nhiều công nhân lao động trong các khu công nghiệp Bắc Giang trở thành F0, phải tạm nghỉ việc, đi điều trị. Trong lúc khó khăn, được nhận sự hỗ trợ, dù không nhiều, của tổ chức Công đoàn khiến họ rất xúc động.
chi-luong-thi-nho-mong-co-cong-viec-thu-nhap-on-dinh-de-lo-cho-cuoc-song-gia-dinh-1643600022.jpg
Chị Lương Thị Nhộ mong có công việc, thu nhập ổn định để lo cho cuộc sống gia đình

Nhận hỗ trợ - “liều thuốc tinh thần” đối với người mắc COVID-19

Chị Lương Thị Nhộ - công nhân Công ty Hosiden, tỉnh Bắc Giang - vẫn chưa thể quên được thời điểm chị trở thành F0. Khi đó, đang là tháng 5.2020, trong công ty đã có nhiều công nhân mắc COVID-19, nên chị xác định mình có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào.

“Ngày 14.5, tôi thấy bị sốt, đau đầu, mệt mỏi. Tôi rất lo lắng bởi đó là những dấu hiệu cho thấy, tôi đã bị bệnh. Sau khi xét nghiệm, cho kết quả dương tính, tôi được công ty cho nghỉ làm, đưa đi cách ly, điều trị tại bệnh viện” - chị Nhộ kể lại.

Dù khá lo lắng, nhưng trong quãng thời gian nằm viện, chị Nhộ luôn tuân theo hướng dẫn của các y, bác sĩ để có thể “đẩy lùi” bệnh khỏi cơ thể mình một cách nhanh nhất. Xa chồng, xa con, những câu chuyện gia đình chủ yếu qua những cuộc gọi video chớp nhoáng.

Có lần, chị Nhộ đang nằm nghỉ, bỗng thấy điện thoại báo có tin nhắn. Kiểm tra, chị Nhộ “giật mình” khi thấy tài khoản ngân hàng của mình được cộng thêm 2 triệu đồng. Đọc kỹ, chị biết đây là tiền hỗ trợ cho công nhân lao động là F0 từ Công đoàn tỉnh Bắc Giang. Chị Nhộ bảo, lúc đấy, chị cảm giác rất vui.

“Đang nằm viện, bỗng có tiền hỗ trợ đến. Điều đó như một sự động viên rất kịp thời, một “liều thuốc tinh thần” đối với người mắc COVID-19 như tôi. Tôi như có thêm động lực, sức mạnh để chiến thắng COVID-19” - chị Nhộ tâm sự.

Chị Nhộ cảm ơn sự quan tâm của tổ chức Công đoàn với những trường hợp là F0 như chị. Được nhận tiền hỗ trợ, chị Nhộ thêm thấm thía câu nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chị Nhộ tâm sự thêm rằng, chị cảm thấy tổ chức Công đoàn gần gũi với mình hơn bao giờ hết, bởi đã kịp hỗ trợ cho mình đúng lúc cần kíp nhất.

Trải qua gần 1 tháng điều trị, đến ngày 13.6, chị Nhộ mới được ra viện. Sau đó, chị còn phải tự cách ly hơn 1 tháng ở nhà. Tính cả thời gian điều trị và tự cách ly, chị mất hơn 2 tháng không đi làm, không có thu nhập. Khi trở lại làm việc, chị Nhộ cảm thấy không còn được khoẻ như trước đây, nhưng chị luôn cố gắng để làm việc chăm chỉ.

Vì đã từng là F0, nên đầu tháng 12, chị Nhộ mới được đi tiêm mũi vaccine đầu tiên. “Được tiêm vaccine sẽ giúp tôi yên tâm hơn khi làm việc. Tôi chỉ mong được tăng ca nhiều, thu nhập cao hơn để đảm bảo cuộc sống gia đình” - chị Nhộ tâm sự.

Nhận tiền hỗ trợ, mua quần áo cho các con

Cũng giống như chị Nhộ, chị Lý Thị Hường - công nhân một công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang - từng là F0. Chị được xác định dương tính với COVID-19 vào ngày 20.5.2021 khi đang trong thời gian cách ly tập trung.

“Do sức khoẻ không tốt, có bệnh nền, nên tôi mất nhiều thời gian điều trị bệnh hơn các công nhân khác, lên đến 55 ngày phải nằm trong bệnh viện. Sau đó, tôi cách ly ở huyện nửa tháng, ở nhà nửa tháng nữa. Tính ra, tôi phải xa nhà, xa chồng con gần 3 tháng trời” - chị Hường cho hay.

Trừ những ngày đầu, sau đó, chị Hường không được nhận hỗ trợ lương cho những ngày phải nghỉ làm. Chị rất lo lắng cho quãng thời gian sắp tới khi không có thu nhập, tiền hết, trong khi chị có 3 con đang tuổi ăn, học.

Tháng 8.2021, công ty gọi chị đi làm trở lại. Mừng vì được trở lại công ty, chị Hường lại thêm vui khi nhận được khoản hỗ trợ 2 triệu đồng từ Công đoàn Bắc Giang. “Đi làm được khoảng 2-3 tuần, tôi nhận được tiền hỗ trợ. Số tiền tuy không lớn, nhưng đối với tôi, nó có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, động viên tôi thêm nỗ lực để vượt qua khó khăn” - chị Hường bảo.

Và chị Hường nói thêm, từ món quà ý nghĩa trên, chị thêm tin tưởng và gắn bó với Công đoàn - tổ chức đã đến với người lao động vào thời điểm mà họ cần hỗ trợ nhất. Chị Hường đã dùng số tiền đó để mua quần áo, vật dụng cần thiết nhất cho các con…

Bây giờ, với chị, vòng quay cuộc sống đã trở lại bình thường như trước đây. Nếu tăng ca đều đều, chị Hường có thu nhập 10 triệu đồng/tháng; nếu không tăng ca, hoặc tăng ca ít, thu nhập rơi vào khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. “Nhưng để có con số 10 triệu đồng/tháng, tôi phải tăng ca tất cả các ngày trong tuần, kể cả chủ nhật. Không chỉ vậy, còn phải làm 2 tuần làm ngày, 2 tuần làm đêm” - chị Hường chia sẻ.

Điều chị Hường mong muốn nhất bây giờ, rất giản dị, đó là: Công việc ổn định, tăng ca đều; dịch được kiểm soát để chị, cũng như nhiều công nhân khác, an tâm làm việc, kiếm tiền nuôi các con ăn học, trưởng thành…