Tăng lương tối thiểu vùng để bù đắp cho người lao động

Lương Đàm
Sau 2 năm không điều chỉnh lương tối thiểu (LTT), cuộc sống của người lao động (NLĐ) càng thêm khó khăn. Theo chuyên gia, nếu năm 2022 tiếp tục không tăng LTT, mức tăng LTT năm 2023 cần phải tính toán để bù đắp thiếu thốn của người lao động, nhưng cũng cần tránh “sốc” cho doanh nghiệp.
nguoi-lao-dong-muon-duoc-tang-luong-de-cuoc-song-do-kho-khan-hon-1642998161.jpg
Người lao động muốn được tăng lương để cuộc sống đỡ khó khăn hơn

2 năm không được tăng lương

Chị H đang làm công nhân trong một công ty tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Thu nhập của chị H, nếu có tăng ca được khoảng 6 triệu đồng/tháng (sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội). Hiện, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, chị H tăng ca đến 18 giờ 30; thứ 7 làm đến 17 giờ 30, có hôm làm đến 16 giờ 30 thì nghỉ.

“Một tháng, tôi tăng ca khoảng 40 giờ. Lương cơ bản của tôi hiện là 4,6 triệu đồng/tháng; tiền làm thêm được tính 31.000 đồng/giờ” - chị H cho biết.

Nếu không làm thêm, hoặc làm thêm ít, thu nhập của chị H (sau khi đã trừ đi khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội) chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm nghề lái xe, thu nhập không ổn định, tuỳ thuộc vào lượng hàng khách thuê chở. Với tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng (tính ở mức cao nhất) chỉ khoảng 12-13 triệu đồng/tháng như trên, cuộc sống của gia đình chị H rất khó khăn, thiếu thốn.

Gia đình chị H có 2 con đang tuổi ăn học. Chị H cho hay, hằng tháng phải chi rất nhiều khoản: Đóng học cho con, tiền ăn, tiền điện nước… Trừ các chi phí trên, còn lại bao nhiêu, chị dành dụm, tiết kiệm, có tháng được gần 1 triệu đồng, có tháng được vài trăm nghìn, nhưng có tháng không để lại được đồng nào.

Chị H nhớ lại, lần gần đây nhất chị được tăng lương cơ bản đã 2 năm, ở mức 200.000 đồng.

Cần có mức tăng lương tối thiểu phù hợp

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh LTT, Bộ LĐTBXH cho biết, từ ngày 1.4.2022 tới đây sẽ tiến hành điều tra về lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của NLĐ trong các loại hình doanh nghiệp năm 2022. Điều này nhằm cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức LTT vùng năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên về nội dung này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho biết, đây là hoạt động định kỳ, thường xuyên, đã thành thông lệ.

“Trước khi họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia để bàn về điều chỉnh mức LTT vùng của năm sau thì sẽ có các đoàn khảo sát tiền lương thực tế ở doanh nghiệp. Đây là thông lệ nhiều năm nay, theo kế hoạch của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Tuy nhiên, 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không điều chỉnh tiền lương tối thiểu nên không tổ chức khảo sát” - ông Quảng cho biết.

Nói về quy mô khảo sát 2.000 doanh nghiệp, ông Quảng cho rằng, con số mẫu trên không phải là lớn, tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19, đến khảo sát trực tiếp số lượng doanh nghiệp như trên là rất khó.

“Có thể có nhiều cách khảo sát: Có đoàn của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi khảo sát trực tiếp 15-20 doanh nghiệp; còn lại là khảo sát theo đề án hoặc giao cho các địa phương, hay Sở LĐTBXH tổ chức, hoặc khảo sát trực tuyến” - ông Quảng nói.

Ông Quảng nói thêm, trước đó, trong năm 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19, nên Bộ LĐTBXH có văn bản đề nghị chưa nhóm họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia để bàn về LTT năm 2022, mà chuyển sang Quý I/2022. Hiện tại, chưa có quyết định nào về LTT năm 2022 có điều chỉnh hay không.

Theo ông Quảng, nếu năm 2022 không tăng LTT, thì năm nay, NLĐ vẫn tiếp tục khó khăn. Như vậy, tăng LTT của năm 2023 phải tính toán làm sao bù đắp được cho NLĐ phần của 3 năm không tăng LTT, nhưng nếu mức tăng LTT nhiều quá thì cũng dễ gây “sốc”.

“Tăng LTT năm 2023 phải làm sao bù đắp được thiếu hụt được 3 năm không điều chỉnh LTT đối với NLĐ, nhưng nếu tăng LTT một lần cao quá rất dễ gây “sốc” cho việc chi trả của doanh nghiệp. Làm chính sách, nhất là chính sách tiền lương, phải có độ tăng phù hợp với khả năng của doanh nghiệp; nếu sốc quá thì gây bất ổn cho quan hệ lao động. Đây là bài toán khó, cần giải đáp” - ông Quảng bình luận. Ông Quảng đưa ra ví dụ, LTT năm 2018 tăng 6,5% so với năm 2017; năm 2019 tăng 5,3% so với năm 2018. Nếu năm 2023, LTT phải tăng ở mức 10% so với mức hiện nay thì sẽ tạo một cú “sốc”, nhưng nếu tăng thấp quá thì không bù đắp được khó khăn của NLĐ.

“Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, việc điều chỉnh mức LTT là hằng năm, nhưng nếu 3 năm mới điều chỉnh thì là một bài toán, cần tính toán để có lời giải” - ông Quảng nói.