Tháng 7 - tháng tưởng niệm và tri ân

Huyền Văn
Gốc rễ của tri ân và tưởng niệm là lòng biết ơn chân thành, sâu sắc. Vì lẽ đó, trên dải đất hình chữ S này, tháng 7 tấu lên biết bao khúc tráng ca về các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh hoặc gửi lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường; biết bao gia đình với những người mẹ, người vợ mòn mỏi như “hòn vọng phu”. Họ ra đi giữa mùa Xuân của đất trời, giữa mùa Xuân của cuộc đời để rồi tên mình “khắc vào đá núi”, hóa thành đất, cỏ cây, ruộng vườn hòa quyện nên dáng hình đất nước .

Là người con sinh ra tại mảnh đất miền Trung gió Lào cháy bỏng, mỗi tên làng, tên núi tên sông của quê hương đều đã từng đi vào lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược với những con đường chiến lược, địa đạo, hầm hào... và chắc rằng, bất cứ ai đã từng đi qua mảnh đất "thời hoa lửa" ấy đều chẳng thể nhạt phai những ký ức về một miền Trung ra trận, miền Trung của "Máu và Hoa".

nlntv-trian-anh-1-1658715493.jpg
Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An nhìn từ trên cao (Ảnh: Phan Hồng)

Dải Trường Sơn kéo dài từ thượng nguồn sông Lam trên đất tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), giáp Nghệ An tới tận cực nam Trung Bộ. Nó bao gồm toàn bộ các dãy núi nhỏ hơn ở Bắc Trung Bộ và các khối núi, cao nguyên Nam Trung Bộ, xếp thành hình cánh cung lớn mà mặt lồi quay ra Biển Đông. Dọc những khe suối của rừng già, bướm vẫn bay, đàn ong vẫn lấy mật cần cù và đâu đó trên dải đất này cũng như bên lãnh thổ của nước bạn Lào, Campuchia, vẫn còn biết bao liệt sĩ chưa được tìm thấy, đã nhập hồn vào núi đá, sông suối, cỏ cây, hóa thành áng mây trắng cuối trời ?

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào là nơi yên nghỉ của hơn 11.000 cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Được xây dựng từ năm 1976 trên diện tích gần 7 ha tại thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn – Nghệ An), đây là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc và là biểu tượng tình đoàn kết thủy chung, son sắt của hai dân tộc Việt - Lào anh em. Đi về phía Nam, qua Sông Bến Hải, đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị....lòng người se lại khi dâng nén tâm nhang mà xung quanh chi chít những nầm mồ trắng, những ngôi mộ tập thể trong các nghĩa trang lớn, nhỏ đem đến cho những người lữ khách viếng thăm một xúc cảm nghẹn ngào "có người lính, mùa xuân ấy, ra đi từ đó không về ?"...

nlntv-tt-danghuong-1658715793.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa Trang Quốc tế Việt - Lào ngày 23/7/2022 (Ảnh: Lâm An - Phan Hồng) 

Mỗi chúng ta trong cuộc đời hãy một lần đến nghĩa trang liệt sĩ để cảm nhận được sự khốc liệt, mất mát và đau thương của chiến tranh cũng như để tưởng niệm, tri ân những người đã ngã xuống cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc hôm nay. Cả nước có gần 1,2 triệu liệt sỹ, trong đó gần 200.000 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt; gần 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích. Không lời nào tả hết, chẳng thể nói đủ về những mất mát, đau thương. Mỗi nấm mồ, mỗi số phận, mỗi cuộc đời nhưng đã vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc hay vì nghĩa vụ quốc tế cao cả mà dâng hiến tuổi xuân xanh cho lý tưởng.

nlntv-danghuong2-1658715968.jpg
Thủ tướng dâng hương tại Nghĩa Trang Quốc tế Việt - Lào tỉnh Nghệ An (Ảnh: Phan Hồng)

Có những con số chẳng phải để tự hào song chúng ta phải biết để trân trọng trân quý quá khứ. Đó là hành trang giúp chúng ta tự tin hơn đi về phía trước. Hiếm có đất nước nào mà mỗi tấc đất, thước biển đều thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ; của thương, bệnh binh, của lực lượng thanh niên xung phong, của quân, dân ta. Và cũng hiếm có đất nước nào, mà mỗi miền quê, mỗi xã phường, mỗi làng mạc đều có nghĩa trang liệt sĩ. Còn như ở Thị xã Quảng Trị, mỗi nhà đều có một ban thờ trước sân để thờ cúng các liệt sĩ.

nlntv-danghuong3-anh-3-1658716048.jpg
Ông Nguyễn Hữu Bắc - Phó trưởng Ban Chuyên đề Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt cùng Đoàn công tác của Ban dâng hương tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Quảng Trị (Ảnh: An Thủy)

Sau chiến tranh, cả nước có gần 800 ngàn thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh; hơn 300 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam; gần 111 ngàn người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày. Đó là chưa kể đến hơn 4 triệu dân thường đã bị chết, bị thương tật suốt đời do bom đạn, do kẻ thù giết hại...cái giá của hòa bình, độc lập, tự do to lớn đến nhường nào.

Những hy sinh của các thế hệ cha anh chẳng bao giờ vô nghĩa. Mỗi tấc đất quê hương, mỗi diện tích biển đảo mà cha ông để lại vẫn được giữ gìn nguyên vẹn đến ngày nay. Dân tộc Việt Nam đã vượt qua những cuộc trường chinh, vươn mình hội nhập, đoàn kết kiên cường vượt qua bao giông bão để sánh vai cùng bè bạn năm châu.

Hàng chục ngàn công trình tưởng niệm tri ân, ghi công anh hùng liệt sĩ, quân và dân ta đã được xây dựng trên cả nước. Song không thể nói hết nỗi niềm của những người đang sống hôm nay hướng về các thế hệ tiền nhân, lớp lớp cha ông đã không tiếc máu xương và thanh xuân để Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…”.

nlntv-danghuong4-1658716344.jpg
Lãnh đạo Ban Chuyên đề Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt cùng Lãnh đạo chính quyền địa phương tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, Nghệ An (Ảnh: Viết Mão)

Đến ngày 17/7/1947, trong thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý chọn ngày 27/7 hằng năm là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” - ngày để quân dân cả nước bày tỏ sự biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, đồng thời đánh dấu sự ra đời của các hoạt động tình nghĩa “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đối với người có công với cách mạng trong tháng 7 hằng năm. Người căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.

nlntv-danghuong-anh-5-1658716416.jpg
Tháng 7 - tháng của tưởng niệm và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng (Ảnh: Lâm An)

Những ngày tháng 7, không chỉ miền Trung mà cả đất nước này có nhiều ngọn nến cầu nguyện, tri ân được dâng lên ở các nghĩa trang. Nhiều dòng sông gắn với thời hoa lửa cũng có hàng ngàn bông hoa đăng xuôi dòng tưởng niệm. Ngày 27/7 trở thành ngày mà những người còn sống không được phép quên vì sự tri ân, tưởng niệm của chúng ta lớn nhường nào cũng không thể xứng đáng được với máu, mồ hôi và tuổi xuân xanh của lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì tự do, độc lập.

Tri ân, tưởng niệm không chỉ là dâng nén tâm nhang, lễ cầu siêu quy mô hay đồng quà, tấm bánh thăm hỏi, động viên... có một sự tri ân tưởng nhớ biết ơn cần nên lưu tâm, chú ý hơn, đó là hậu thế hôm nay hãy sống sao cho xứng đáng với các thế hệ đi trước.

Nghĩa trang nhiều khi chưa phải là nơi chết chóc, mà sự hy sinh đã hóa thành bất tử của biết bao thế hệ cha anh ngã xuống, đang yên nghỉ ở các nghĩa trang liệt sĩ hóa vào đất nước trường tồn. Tháng 7 về miền Trung, về viếng các nghĩa trang; dâng nén tâm nhang lên các anh hùng liệt sĩ, huyết quản chúng ta thêm tự hào dân tộc, giống nòi; thêm trân quý giá trị hòa bình của cuộc sống này và yêu lắm quê hương Việt Nam.

   Lâm An