"Thắt lưng buộc bụng cả năm nhưng vẫn lo không có tiền tiêu Tết"

Lương Đàm
“Đang yên đang lành lại đến Tết” là câu cửa miệng của nhiều người giữa đại dịch COVID-19, khi cả năm "thắt lưng buộc bụng" cũng không đủ tiền chi tiêu sinh hoạt, đừng nói đến tiền tiêu Tết.

"Kem đánh răng nặn không ra thì cắt đôi"

Cắt đôi tuýp kem đánh răng đang cầm trên tay để sử dụng nốt phần kem còn sót lại, chị Nguyễn Thị Thủy (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thở dài buồn bã: "Thắt lưng buộc bụng cả năm trời, giờ vẫn chưa rõ có đủ tiền về quê ăn Tết không".

Nói rồi, chị kể về những ngày phải liệu cơm gắp mắm tiết kiệm tối đa để có thể duy trì cuộc sống trong những tháng giãn cách. Quãng thời gian đó, chị sinh bé thứ 2, chồng cũng mất việc do công ty cắt giảm nhân sự. Không thể về quê, vợ chồng con cái neo bám trong xóm trọ nhỏ, tằn tiện chi tiêu.

gia-dinh-chi-thuy-that-lung-buoc-bung-den-muc-toi-da-1642669476.jpg
Gia đình chị Thủy "thắt lưng buộc bụng" đến mức tối đa

Hết giãn cách, chồng chị Thủy trở thành lao động tự do, theo nghề thợ đá granite - nghề gắn liền với những bậc cầu thang, mặt tiền của các gia đình. Còn chị Thủy ở nhà chăm 2 con nhỏ và cơm nước cho chồng.

"Biết tình hình của gia đình, tôi luôn tiết kiệm, dù đó chỉ là giọt nước. Vợ chồng tôi luôn giữ thói quen, kem đánh răng nặn không ra thì cắt đôi; can nước giặt, nước rửa bát phải súc sạch để tránh lãng phí; điện nước, tôi cực để ý, không dùng phải tắt ngay.

Buổi sáng chồng đi làm, tôi tự nấu đồ ăn, có khi chỉ là gói mì tôm với quả trứng, hoặc rang cơm nguội,... Thức ăn mua đủ, không nấu thừa. Tôi cũng bỏ thói quen đi siêu thị vì rất hay mua phát sinh nhiều thứ linh tinh. Gia đình cũng hạn chế liên hoan, nhậu nhẹt hay tụ tập cuối tuần như trước đây.

Con gái lớn 4 tuổi cũng chưa đến trường nên tôi tự dạy con ở nhà, cũng chưa tốn tiền gửi trẻ. Bấm bụng chi tiêu cả năm trời mà đến giờ vẫn chưa có đồng dư, tiền tiêu Tết chỉ trông chờ vào tháng lương cuối năm của chồng" - chị Thủy thở dài.

"Đang yên đang lành lại đến Tết”

Gia đình chị Nguyễn Thị Luyến (Hoài Đức, Hà Nội) cũng chật vật kể từ thời điểm dịch bệnh. Vốn là giáo viên mầm non tư thục, chị phải nghỉ việc không lương từ thời điểm thành phố đóng cửa toàn bộ trường học.

Trong thời gian nghỉ dịch, chị Luyến mang bầu bé thứ 2, con gái đầu học lớp 2 cần có người hỗ trợ học online nên chị không thể san sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Thu nhập gia đình 4 người chỉ phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của chồng. Tiền sinh hoạt hàng tháng, tiền ăn, tiền bỉm sữa cho con,… sơ sơ cũng phải đến chục triệu trong khi lương mỗi tháng của chồng chị chỉ rơi vào khoảng 7-8 triệu đồng.

Chị Luyến dự định, khoản thưởng Tết của chồng năm nay sẽ được chi trả cho các khoản nợ mà trước đó gia đình đã phải vay mượn để có tiền đóng học cho con gái lớn.

“Từ lúc dịch, mọi khoản chi tiêu đều phải cắt giảm, căn ke từng khoản. Tiền chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày còn không đủ nói gì đến tiền tiêu Tết. Đang yên đang lành lại đến Tết” – chị Luyến thở dài.

"Tết năm nay toang nặng"

Rời quê vào Bình Dương làm thuê đã 4 năm, anh Trần Văn Thành (quê Thanh Hóa) thở dài ngao ngán khi được hỏi: "Bao giờ về quê ăn Tết?". Anh Thành cho biết, bản thân làm công việc bốc vác tại kho bãi, có thời gian chuyển qua trông công trình. Tuy nhiên, năm qua, dịch bệnh hoành hành, anh liên tục "nằm không" trong giai đoạn từ tháng 4 - tháng 10.

cong-trinh-noi-anh-thanh-trong-coi-1642669476.jpg
 Công trình nơi anh Thành trông coi

Đến thời điểm hiện tại, công trình đã hoạt động trở lại nhưng hàng hóa ít nên việc cũng "giãn cách", thưởng Tết càng sụt giảm, số tiền tiết kiệm đã vơi dần, anh Thành tỏ ra chán nản khi Tết đang cận kề.

"Đi làm cả năm chưa về quê, chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm từng đồng từng cắt mà cuối năm vẫn không có tiền. 6 tháng dịch, việc không có, tôi buộc phải sử dụng đến tiền tiết kiệm. Thật sự Tết năm nay toang nặng" - anh Thành buồn rầu.