Thiếu nhân lực và trang thiết bị - vấn đề y tế "nóng" tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Huyền Văn
Có rất nhiều vấn đề y tế "nóng" tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trong đó, tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc và thiếu thuốc, vật tư y tế được các đại biểu bàn luận nhiều trong kỳ họp khi lấy ý kiến cho dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. 
nlntv-hinh-anh-1-toan-canh-ky-hop-quoc-hoi-1666686953.PNG
Toàn cảnh kỳ họp Quốc Hội - Ảnh nguồn Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Về vấn đề thứ nhất - nhân viên y tế xin nghỉ việc, Bộ Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, có hơn 4.100 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gần tương đương với con số này của cả năm 2021. Đây là một hệ quả tất yếu khi chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc chưa tương xứng với công sức mà nhân viên y tế bỏ ra. Cụ thể, bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, tại đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40%, mức thu nhập chỉ là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng thu nhập này không hề tương xứng với những đóng góp xã hội của họ.

Khi ngành y không đủ nhân lực thì chắc chắn công tác khám, chữa bệnh sẽ khó khăn hơn. Cũng có ý kiến cho rằng việc bác sĩ chuyển ra khu vực y tế tư nhân làm thì vẫn phục vụ cho xã hội. Ở một mức độ nào đó ý kiến này đúng một phần nhưng hệ thống y tế tư nhân chủ yếu khám cho người có tiền. Vì thế mới cần có chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế…Và không chỉ người dân khổ, những nhân viên y tế đang làm việc tại các bệnh viện công cũng vô cùng vất vả khi nhân lực ít, bệnh nhân nhiều.

Về tổng thể, công chức, viên chức xin thôi việc là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn lao động có tay nghề cao, có năng lực và trách nhiệm, giỏi chuyên môn. Tương tự, người lao động cũng có quyền lựa chọn, tìm kiếm việc làm có lương cao, môi trường và điều kiện làm việc tốt, phù hợp với nghề nghiệp, năng lực, sở trường của mình. Nhưng tình trạng công chức, viên chức trong ngành y tế xin nghỉ việc tăng nhanh trong thời gian gần đây rất cần được quan tâm, vì trong đó có những người có bề dày công tác, năng lực chuyên môn cao - là một nguồn lực quý đối với khu vực Nhà nước. Khi những công chức, viên chức này rời khỏi khu vực Nhà nước ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, cũng như với cả hệ thống. Vì vậy, việc đưa nội dung nhân viên y tế xin nghỉ việc để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 là rất xác đáng.

nlntv-hinh-anh-2-dai-bieu-pham-khanh-phong-lan-doan-tphcm-1666689364.PNG
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn TP.HCM - Ảnh nguồn VOV.VN

Về vấn đề thứ 2 - Thiếu trang thiết bị y tế, các đại biểu cho đây là điều đáng lo ngại. Ngành y tế có 3 chân kiềng là y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng dược, trang thiết bị vật tư y tế. Nếu trước chỉ y tế cơ sở yếu, thì hiện nay cả 3 chân kiềng này đều yếu. Tại kỳ họp, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM kể rằng: "Mỗi người dân, bạn bè của tôi nói đi vào viện bây giờ thiếu thuốc, thiếu từ băng gạc, bệnh nhân chịu đau đớn tự đi mua, bảo hiểm y tế không thanh toán được. Như vậy, chúng ta tước đi quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân". Đây là những vấn đề tồn tại nhiều năm do cơ chế của chúng ta. Muốn giải quyết thì phải thay hoặc điều chỉnh cơ chế.

nlntv-hinh-anh-3-dai-bieu-nguyen-lan-hieu-doan-binh-dinh-1666689305.PNG
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Bình Định - Ảnh nguồn VOV.VN

Tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân".

Đây là quan điểm của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Bình Định. Trước tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế và những vấn đề khác của ngành y, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về cơ chế tự chủ tài chính, việc xã hội hóa; hợp tác công tư, chế độ, chính sách cho người làm nghề khám bệnh, chữa bệnh. Mục tiêu là để cho các cơ sở bệnh viện tự chủ được thì chúng ta cần tính đủ chi phí khám, chữa bệnh, số tiền bù ra sẽ do ngân sách như Khoản 4 Điều 100 trong Luật sửa đổi đã quy định rõ ràng. Đặc biệt, ngành y tế nên bổ sung thêm nguồn tiền từ quỹ bảo hiểm y tế, phải có hiệu lực ngay sau Luật ban hành, không nên đợi 5 năm nữa. 5 năm nữa mà bắt đầu tính đúng tính đủ mới có sự bù của ngân sách, bảo hiểm thì các bệnh viện chắc chắn sẽ không tự chủ được.

Cũng liên quan đến việc tự chủ tài chính, một số đại biểu khác nhấn mạnh, cần quy định rõ tự chủ là trao quyền cho bệnh viện được quyền tự quyết định hoạt động khám, chữa bệnh, được quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện, tự chủ trong quyết định tài chính kể cả tài chính do ngân sách đầu tư. Cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định quyền năng đi đôi với mức độ tự chủ mà bệnh viện đã đạt được.

Còn rất nhiều ý kiến về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Đây là dự án Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này, tuy nhiên, có ý kiến đề nghị vì đây là dự án Luật khó, phức tạp, có tác động sâu rộng đến người dân, vì vậy nên để thông qua sau 3 kỳ họp.

Mặc dù còn nhiều điều về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi chưa được thống nhất nhưng đáng mừng là những vấn đề y tế đã được nhìn nhận một cách khách quan, thẳng thắn để có hướng giải quyết phù hợp. Đặc biệt, Quốc hội đã đồng ý phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Tân Bộ trưởng được kỳ vọng là một người dẫn đầu trong ngành y bản lĩnh, giải quyết tốt những vấn đề đang tồn tại. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc Hội, bà Đào Hồng Lan cũng khẳng định sẽ cố gắng nắm bắt thực trạng của ngành để có những giải pháp trong thời gian tới./.

Mạnh Sáu
Ngọc Sơn

Ngọc Sơn

12:11 26/10/2022

Tuyệt vời!