Thời kỳ đầu chiến tranh qua một số cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam thời phong kiến

Lương Đàm
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đã phải liên tục đối phó với mối đe dọa ngoại xâm. Và từ đó, xuyên suốt tiến trình lịch sử dân tộc, dựng nước đi đôi với giữ nước, lao động hòa bình đan xen với chiến tranh chống xâm lược đã thành quy luật thép. Do vậy, vấn đề chiến tranh nói chung, thời kỳ đầu chiến tranh nói riêng, không phải là vấn đề xa lạ đối với người Việt.
3 trận thủy chiến làm nên những trang sử hào hùng trên Bạch Đằng Giang
3 trận thủy chiến làm nên những trang sử hào hùng trên Bạch Đằng Giang

Không chỉ theo truyền thuyết, mà cả những cứ liệu lịch sử thành văn trong sử cổ Trung Hoa đã chép cho thấy cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược là một trong những hoạt động giữ nước đầu tiên của dân tộc ta bằng phương thức chiến tranh. Năm 214 trước Công nguyên, nhà Tần sai Đồ Thư đem khoảng 50 vạn binh đánh vào đất Việt; nhưng người Việt đều chạy vào rừng, không chịu để bị bắt, rồi lợi dụng địa hình hiểm trở để ban đêm ra đánh tiêu hao quân Tần, nhằm khi quân Tần rơi vào tình thế nguy khốn thì phản công giết được Đồ Thư.

Như vậy, vấn đề đoàn kết chặt chẽ chống kẻ thù chung của các tộc người Việt là chìa khóa quan trọng để giành chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù mạnh. Phương thức tác chiến duy nhất đúng đắn của người Việt cổ thời kỳ đầu chiến tranh không phải là dàn trận chính quy mà là dựa vào các làng chạ, lợi dụng địa hình hiểm trở, ngày ẩn đêm đổ ra đánh tiêu hao sinh lực địch, làm thất bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của kẻ thù xâm lược.

Thời Âu Lạc, để chuẩn bị chiến tranh chống quân xâm lược Triệu Đà, vua nước Việt là Thục An Dương Vương đã dựa vào hậu phương rộng lớn, đoàn kết được cả hai tộc người Âu Việt và Lạc Việt cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, đặc biệt đã cho xây dựng thành Cổ Loa vừa là kinh thành của Nhà nước Âu Lạc vừa là một công trình phòng thủ đặc biệt trong điều kiện vũ khí lúc bấy giờ chỉ là cung tên, giáo, mác. An Dương Vương cũng xây dựng lực lượng quốc phòng khá hùng mạnh, quân đội gồm cả quân bộ và quân thủy, đồng thời cho chế ra nỏ liên châu, bắn một lần được nhiều mũi tên,...

Chính vì vậy, trong cuộc chiến tranh với Triệu Đà, thời kỳ đầu chiến tranh là thời kỳ mà quân dân Âu Lạc hoàn toàn chiếm ưu thế. Các nguồn sử liệu, truyền thuyết cho biết chiến trường của cuộc kháng chiến chống Triệu diễn ra ở khu vực tam giác Cổ Loa - Tiên Du - Vũ Ninh. Quân Triệu chỉ tiến được đến núi Tiên Du (Bắc Ninh), bị Thục Phán đem quân từ Cổ Loa ra đánh, thua chạy về núi Vũ Ninh rồi xin giảng hòa. Chiến thắng của quân dân Âu Lạc trong thời kỳ đầu chiến tranh đã khẳng định sức sống của dân tộc Việt trước thử thách của lịch sử, tiếc rằng do mất cảnh giác mà về sau Thục An Dương Vương đã mắc mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù, không giữ được bí kíp nỏ thần, đồng nghĩa với việc để mất thành quả ấy.

Phục dựng "nỏ thần" An Dương Vương trong huyền thoại
Phục dựng "nỏ thần" An Dương Vương trong huyền thoại

Trong thời kỳ Bắc thuộc, cùng với lịch sử đấu tranh bền bỉ chống đồng hóa, tinh thần bất khuất nổi dậy giành tự chủ của người dân Việt đã được thổi bùng thành những cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn. Tiêu biểu là khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Triệu Trinh Nương, khởi nghĩa Lý Bí, khởi nghĩa Triệu Quang Thục, khởi nghĩa Mai Thúc Loan, khởi nghĩa Phùng Hưng, khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ, khởi nghĩa Dương Đình Nghệ...

Điểm chung của các cuộc khởi nghĩa là thường giành được thắng lợi ban đầu, song khi bị đàn áp thì không đủ sức chống lại với tính cách một cuộc chiến tranh giữ nước hoàn chỉnh, thường bị thất bại nhanh chóng ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh. Tuy nhiên, cách thức và kinh nghiệm hoạt động quân sự chống xâm lược của tổ tiên ta đã dần dần được hình thành như: nghệ thuật kết hợp chống ngoại xâm với chống nội phản, nghệ thuật phản công chiến lược, nghệ thuật đánh du kích,...

Cao trào đấu tranh chấm dứt thời Bắc thuộc của dân tộc ta gắn với tên tuổi Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử. Sự kiện này mang dáng dấp của sự tiếp nối giữa chiến tranh giải phóng với chiến tranh giữ nước, và chiến thắng lại giành được ngay trong thời kỳ đầu chiến tranh. Ngô Quyền từng cầm quân dưới quyền Dương Đình Nghệ giải phóng Đại La, sau chiến thắng được giao quản giữ Châu Ái.

Năm 938, được tin Kiều Công Tiễn làm phản, sát hại Dương Đình Nghệ, ông kéo quân ra hạ thành Đại La, giết Kiều Công Tiễn, đồng thời lãnh đạo quân dân chuẩn bị kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Ông đã kịp thời diệt thù trong để rảnh tay đánh giặc ngoài, biết lợi dụng địa hình, thời tiết bố trí trận địa cọc ngầm Bạch Đằng để mai phục, kết hợp quân thủy bộ, quân chủ lực và quân địa phương trong chiến đấu tiêu diệt địch. Chiến thắng Bạch Đằng đi vào lịch sử như là một sáng tạo hết sức độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho lối đánh thần tốc, đạt hiệu quả cao trong lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm.

Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (năm 981, do Lê Hoàn lãnh đạo) thể hiện rõ hình hài của chiến tranh toàn dân giữ nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh này chưa được phân định rõ nét so với các thời kỳ tiếp theo. Cuộc kháng chiến chống Tống do Lê Hoàn lãnh đạo diễn ra trong thời gian rất ngắn và có thể nói không có sự phân kỳ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào mùa Xuân 981, nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đem quân đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đem quân đến Tây Kết, Lưu Trừng đem quân đến sông Bạch Đằng. Lê Hoàn tự làm tướng đi chặn giặc, cho đóng cọc ngăn sông và sai quân sĩ trá hàng dụ địch, đồng thời dồn lực đánh bại cánh quân thủy, khiến các cánh quân khác nghe tin thua trận phải rút về nước. Theo một ý nghĩa nhất định, quân và dân Đại Việt đã giành được chiến thắng ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến