Thời kỳ đầu cuộc chiến tranh chống Pháp dưới triều Nguyễn (phần 2 và hết)

Lương Đàm
Sau Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), triều đình Huế lại tiếp tục sai lầm khi mong dùng chính sách ngoại giao để lấy lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thái độ thủ hòa vô lối của triều Nguyễn trong vấn đề giữ nước là một trong những nguyên do tạo thế cho thực dân Pháp mở rộng xâm lược lãnh thổ Việt Nam.
2-1683109507.jpg
Nhân dân Gò Công suy tôn Trương Công Định làm Bình Tây Đại Nguyên Soái

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm tiếp ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên mà triều đình Huế gần như không có phản ứng quân sự đáng kể nào. Thay vào đó, chỉ có các cuộc kháng Pháp của người dân dưới sự lãnh đạo của những nhà yêu nước, điển hình là Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân.

Khi quân đánh chiếm thành Gia Định tháng 2 năm 1839, Trương Định đã đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều và từng đánh thắng Pháp ở Cây Mai, Thị Nghè. Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai, ông đem quân phối hợp với quân triều đình của Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi Chí Hòa thất thủ, ông đã từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh để rút quân về Gò Công, tiếp tục chiêu binh dũng nghĩa. Ông được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái trấn giữ vùng Gia Định - Định Tưởng, triển khai tác chiến cả một vùng rộng lớn. Tháng 12 năm 1862, ông tổ chức tấn công các vị trí của Pháp ở ba tỉnh miền Đông, đẩy quân Pháp vào tình thế lúng túng bị động. Đến tháng 8 năm 1864, quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp, Trương Định bị trọng thương và để bảo toàn khi tiết, ông đã rút gươm tự sát khi mới 44 tuổi. Con ông là Trương Quyền đã rút lên vùng Châu Đốc, tiếp tục chống Pháp thêm sáu năm nữa.

Nguyễn Trung Trực vốn xuất thân là dân chài, nằm trong hệ thống lính đồn điền và từng chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ đại đồn Chí Hòa dưới quyền của Trương Định. Sau khi Chí Hòa thất thủ, quân Pháp kiểm soát vùng Mỹ Tho, thường cho tàu chiến vừa chạy tuần tra, vừa làm đồn nổi di động, trong đó có tiểu hạm Espérance (Hy Vọng) án ngữ vùng Nhựt Tảo (Long An). Sáng ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực đã tổ chức phục kích, đốt cháy tàu chiến này, diệt 17 lính Pháp và 20 lính tay sai người Việt. Tiếp đó, ông cùng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu trên địa bàn Gia Định, Biên Hoa. Đầu năm 1867, không theo lệnh chiêu an của triều đình, ông đem quân về lập mật khu ở vùng Kiên Giang. Ngày 16 tháng 6 năm 1868, ông bất ngờ dẫn quân đánh úp đồn Kiên Giang, chiếm đồn, diệt được 5 sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được năm ngày. Khi Pháp phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn tiếp tục chống thực dân Pháp: Tháng 8 năm 1868, quân Pháp cho tàu ra đảo Phú Quốc để truy đuổi và bắt được ông. Đến ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhà cầm quyền Pháp đã hành hình Nguyễn Trung Trực tại chợ Rạch Giá khi ông mới 30 tuổi.

Khi quân Pháp xâm lược ba tỉnh miền Đông, Nguyễn Hữu Huân cũng như nhiều nhà nho yêu nước khác đã cầm vũ khí đứng lên chống Pháp. Đến tháng 6 năm 1862, ông đem quân gia nhập lực lượng nghĩa quân Trương Định. Khi quân Pháp tấn công chiếm được căn cứ Tân Hòa, Trương Định kéo quân về vùng Lý Nhơn, còn Nguyễn Hữu Huân về khởi nghĩa ở Bình Cách (Tân An). Quân Pháp tấn công Bình Cách, ông phải rút quân về Thuộc Nhiêu (nay thuộc Cai Lậy, Tiền Giang). Tháng 6 năm 1863, Pháp bất ngờ đem quân càn quét phá được căn cứ Thuộc Nhiêu, ông rút quân về An Giang tiếp tục chiêu binh để khởi nghĩa lần thứ hai, Pháp rất lo ngại nên gửi tối hậu thư buộc Tổng đốc An Giang phải giao nộp ông, viện tội không tuân theo Hiệp ước Nhâm Tuất và kết án đi đày ở Cayenne. Sau năm năm tù, Pháp cho lệnh ân xá và đưa ông về quản thúc, giao cho làm giáo thọ ở Chợ Lớn với hy vọng lôi kéo ông.

Lợi dụng điều kiện đi dạy học, Nguyễn Hữu Huân liên lạc với các sĩ phu yêu nước và hội kín Hoa kiều Trường Phát, nhờ mua vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa. Do có mật thám nên Pháp bắt được thuyền chở vũ khí. Trước tình hình bất lợi, ông ra lệnh giải tán, bí mật trốn về lại Mỹ Tho và phát động khởi nghĩa lần thứ ba vào năm 1872. Lần này dân chúng theo rất đông, địa bàn kháng chiến kéo dài từ Mỹ Tho đến Mỹ Quý - Cai Lậy. Cuối năm 1874, quân Pháp đánh vào căn cứ Bình Cách. Nghĩa quân thất bại, Nguyễn Hữu Huân thoát được và tháng 3 năm sau, ông trở về vùng Tân An để tập hợp lại lực lượng, song bị bắt. Nhà cầm quyền Pháp sau khi chiêu hàng không thành đã kết án tử hình và hành quyết ông ngày 19 tháng 5 năm 1875 tại Mỹ Tịnh An.

Về phía triều đình Huế vừa bị thực dân Pháp gây áp lực ở miền Nam vừa phải đối phó với các cuộc khởi nghĩa nông dân, là thêm nạn giặc cướp ở Bắc Kỳ nên đã phải cầu viện nhà Thanh sang đẹp loạn. Chính sự rối loạn ở miền Bắc đã tạo điều kiện cho thực dân Pháp đem quân ra Hà Nội can thiệp, và thực hiện đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1873. Công cuộc phòng thủ thành Hà Nội chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương, và tiếp đó là trận Cầu Giấy lịch sử, có thể được xem như các sự kiện thuộc thời kỳ đầu chiến tranh trong chiến cuộc mở rộng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Từ năm 1872, đoàn thương thuyền Pháp của Đuypuy lấy cớ chở hàng theo sông Hồng lên biên giới phía Bắc đã đến khiêu khích Hà Nội, thậm chí đem quân lên Cửa Nam phá cổng phủ rồi bắt quan phủ xuống tàu. Triều đình Huế lại chủ trương giải quyết “âm thầm” bằng cách cầu cứu Pháp. Với danh nghĩa giải quyết vụ Đuypuy theo yêu cầu của triều đình Huế, Pháp cho Gácniê đem hai tàu chiến ra Bắc. Vừa tới Hà Nội, Gácniê đã bắn đại bác thị uy và hội quân với Đuypuy, đưa ra yêu sách ngỗ ngược đòi mở sông Hồng cho thương mại Pháp, tổ chức việc thu thuế và cho quân tự do đi vào khu vực dân cư với chiêu bài canh gác phố xá nhưng thực chất là cướp phá, đánh đập dân chúng.

Nhân dân Hà Nội đã đề cao cảnh giác, triệt để thực hiện bất hợp tác, không chỉ đường, không mua bán với Pháp. Không thương nhân, giáo dân nào lui tới chỗ chúng đóng quân. Dân chúng còn đóng cọc trên sông để chặn thuyết của Đuynuy, tổ chức các đài nghĩa sĩ phục kích trên bờ sông Hồng chặn đánh khi chúng đổ bộ lên định cướp phá, bỏ thuốc độc vào giếng nước ăn trong vùng chúng đóng quân, đốt kho thuốc súng ở bờ sông, bắn hỏa pháo thăng thiên từ trong thành ra khiến quân Pháp luôn trong trạng thái lo sợ.

screenshot-1-1683109938.png
Quân Pháp tấn công thành Hà Nội

Sau khi có thêm viện binh, ngày 18 tháng 11, Gácniê trắng trợn gửi thư cho quan Khâm mạng Nguyễn Tri Phương buộc phải giải giáp quân đội trong vòng 24 giờ. Sáng sớm ngày 20, quân Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội với hơn 200 quân, 11 khẩu đại bác và các pháo hạm đặt trên sông Hồng nhằm hướng Cửa Bắc và Cửa Tây bản phá. Nguyễn Tri Phương cùng 7.000 quân giữ thành tuy bất ngờ nhưng đã cố gắng ngăn cản các đợt tiến công của địch. Ở ngoài thành khi chiến sự xảy ra, nhân dân Hà Nội đã đốt kho chứa đạn của địch ở bờ sông nhằm hạn chế sức tiến công của chúng. Khi bắt đầu công thành bằng bộ binh, cánh quân tiến đến ô giác Quan Chưởng liền bị một đội quân của ta gồm 100 người do Tiên Chưởng cơ chỉ huy chặn đánh quyết liệt, anh dũng chiến đấu đến người cuối cùng. Tuy nhiên, thế trận của quân ta ngày càng bất lợi khi chủ tướng Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, con trai ông là Phò mã Nguyễn Lâm cùng Hiệp quản Trần Văn Cát và Suất đội Ngô Trinh hy sinh tại trận. Sau hơn một giờ chống trả quyết liệt, quân dân ta không ngăn nổi địch, một số quan lại bỏ chạy, binh sĩ tan tác. Quân Pháp thừa thắng tiến vào. Thành Hà Nội thất thủ.

Mặc dù thành mất, quan quân bỏ chạy, song nhân dân Hà Nội vẫn tiếp tục chiến đấu dưới sự chỉ huy của các sĩ phu yêu nước như: trấn áp bọn tay sai, phá hoại kho tàng của địch, thu thập tin tức tình báo cho quân ta ở bên ngoài. Đạo quân triều đình sống tại Sơn Tây do Hoàng Tá Viêm thống lĩnh tăng cường áp sát Hà thành. Các đồn địch ở xung quanh Hà Nội như Gia Lâm, Hoài Đức, Thường Tín,... lần lượt bị ta tập kích. Trai tráng làng Chèm tham dự nhiều trận đánh tàu chiến Pháp trên sông Hồng.

Tuy chiếm được Hà Nội nhưng quân của Gácniê luôn trong trạng thái lo sợ bị tiêu diệt, nên không dám đóng phân tán mà phải cố thủ trong thành, bịt kín các cửa, chỉ để lại cửa Đông liên lại với bên ngoài. Nhà Nguyễn một mặt vào Sài Gòn đề nghị Pháp cho gọi quân Gácniê về, mặt khác, ra Hà Nội thương thuyết để xin lại thành trì, kho tàng. Thừa cơ, Gácniê đưa quân đánh chiếm nhiều nơi khác như Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình,. Khi quân Pháp chỉ còn số ít ở Hà Nội canh phòng sơ hở, hai cánh quân triều đình do Hoàng Tá Viêm và Trương Quang Đàn chỉ huy từ Sơn Tây và Bắc Ninh về siết chặt quanh thành Hà Nội khiến Gácniê phải bỏ Nam Định kéo quân về cứu nguy. Sáng 21 tháng 12 năm 1873, đang hội đàm với phái viên triều đình, nhận được tin Lưu Vĩnh Phúc đem quân áp sát Hà thành, Gácniê bỏ họp kéo quân ra hòng nới rộng vòng vây. Sau một hồi giao chiến, quân ta giả thua, quân Pháp đuổi theo đến Thủ Lệ thì bị phục binh, ta đổ ra đánh, Gácniê và một số quân Pháp bị tiêu diệt. Số sống sót chạy về thành.

Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất của quân dân Hà Nội làm nức lòng nhân dân cả nước. Tin Gácniê bị giết khiến thực dân Pháp ở Bắc Kỳ vô cùng hoảng hốt. Quân Pháp giữ thành Hà Nội đã toan bỏ thành rút xuống tàu chiến đấu trên sông Hồng. Cùng lúc ấy, quân và dân ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng siết chặt vòng vây quanh các cứ điểm Pháp chiếm đóng. Đây là thời cơ thuận lợi để triều đình tổ chức phản công giải phóng Hà Nội và các tỉnh. Triều Nguyễn đã bỏ qua thời cơ ít có này. Sợ gây trở ngại cho việc thương thuyết với Pháp, triều đình đã điều quân của Lưu Vĩnh Phúc về Tam Tuyên và ngày 15 tháng 1 năm 1974 đã ký hòa ước thừa nhận sự thống trị của Pháp ở sáu tỉnh Nam Kỳ, mở nhiều thương cảng cho Pháp ở Trung và Bắc Kỳ.

Chính sách hòa hoãn, thương thuyết qua con đường ngoại giao của triều đình Huế không thể ngăn thực dân Pháp tấn công Bắc Kỳ lần thứ hai. Ngày 25 tháng 1 năm 1882, chúng tấn công Hà Nội lần thứ hai. Hà thành lại thất thủ. Thừa thế chúng đánh chiếm Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Sau khi thành Hà Nội thất thủ, nhiều quan lại ủng hộ Tôn Thất Thuyết xin đánh Pháp nhưng vua Tự Đức và triều thần trong Cơ mật viện không đồng ý mà tiếp tục duy trì chính sách thương lượng để xin lại thành Hà Nội. Ngày 27 tháng 3 năm 1883, thành Nam Định rơi vào tay Pháp, triều đình Huế bắt đầu thay đổi thái độ, tăng cường phòng bị ở cảng Thuận An cùng kinh đô và chủ trương tiến quân đánh Pháp ở Bắc Kỳ. Khí thế chống Pháp sôi sục của triều đình và nhân dân Huế đã khiến cho đặc phái viên của Pháp là Rheinart hoảng sợ cuốn cờ rút chạy vào Gia Định. Quân Pháp ở Hà Nội bị công kích liên tục và đại bại trong trận Cầu Giấy ngày 19 tháng 5 năm 1883. Thống đốc Pháp ở Nam Kỳ trục xuất phái đoàn thương thuyết của triều đình Huế. Chính phủ Pháp quyết định tăng cường quân đội để nắm lấy bằng được Bắc Kỳ, đưa cuộc chiến tranh xâm lược vào thời kỳ kết thúc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến