Trải nghiệm và chia sẻ yêu thương với người khiếm thính

Võ Việt
Hơn 30 học sinh Trường Tiểu học Mê Linh, phường 4, TP Đà Lạt vừa được Đoàn phường 4 tổ chức một hoạt động ngoại khóa hết sức ý nghĩa tại quán Thanh Xuân.

Đây là hoạt động học mà chơi, chơi mà học và giúp cho học sinh có được sự trải nghiệm, có tinh thần tốt sau những giờ học căng thẳng trên ghế nhà trường, nhất là giúp các em biết yêu thương mọi người xung quanh và chia sẻ nhiều hơn với người bị câm điếc.

Điều đặc biệt ở quán Thanh Xuân là nhân viên phục vụ đều là người khiếm thính. Do vậy, khi thực khách gọi đồ uống, đồ ăn nhẹ đều bằng cử chỉ hành động và chỉ cụ thể vào bảng thực đơn. Trên thực đơn dù có ghi cụ thể các món trà, cà phê, các loại sinh tố, bánh ngọt… nhưng đều không ghi giá tiền cụ thể. Sau khi thưởng thức mỗi món ăn, uống tùy thích, thực khách cũng thể hiện sự hài lòng và hạnh phúc bằng việc tự bỏ tiền vào thùng gỗ nhỏ tại quầy hàng và đến quán Thanh Xuân, các em học sinh được tìm hiểu ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính, học cách làm xà phòng của người khiếm thính để có sản phẩm bày bán tại quán của tại quán Thanh Xuân. Qua đó, giúp cho các em có thêm những trải nghiệm, thêm yêu thương chia sẻ với mọi người, trong đó có người khiếm thính.

hinh-8-1677136388.jpg
Học sinh oder đồ uống ở quán Thanh Xuân

Em Nguyễn Tâm An - Học sinh lớp 4D, trường Tiểu học Mê Linh, phường 4, TP Đà Lạt, bày tỏ “Hôm nay con rất là vui vì được gặp các anh chị khiếm thính được học những ngôn ngữ ký hiệu và được làm xà bông. Con thấy cái này rất là ý nghĩ là con hiểu hơn với các anh chị câm điếc”.

Với em Dương Hiển Minh Quân - Học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Mê Linh, phường 4, TP Đà Lạt, thì nói: “Con cảm thấy rất là vui khi được tham gia cái chương trình ý nghĩa này. Con rất thích rất thích làm xà bông và đó là công việc các anh chị câm điếc thường làm. Qua đó con cũng hiểu hơn về ý nghĩa về các anh chị câm điếc và các anh chị đó đã dạy cho con các ngôn ngữ ký hiệu”.

Tiếp tục tìm hiểu về quán của thời thanh xuân, các em học sinh còn được biết, đã khoảng 6 năm qua, quán Thanh Xuân tọa lạc trên diện tích khoảng 1.000 m2 được hình thành và đi vào hoạt động. Đây là một dự án doanh nghiệp xã hội mang tính nhân văn, giúp cho những bạn trẻ không nghe, không nói được có những trải nghiệm về nghề nghiệp, tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể tự lập về sau. Người đưa ra ý tưởng và phát triển dự án chính là chàng trai Võ Thành Luân, quê TP Bảo Lộc. Với trăn trở làm gì để mình thấy hạnh phúc, để mọi người cũng cảm nhận được điều đó? Vì lẽ đó, anh Luân quyết định bỏ dở chương trình du học ở Philippines trở về Đà Lạt để thực hiện ý tưởng của mình cùng các bạn trẻ chung chí hướng.

hinh-1-1677136388.jpg
Học sinh được học ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính

Trong 6 năm qua, anh Luân đã nhận khoảng 30 bạn trẻ bị câm điếc đến học nghề pha chế, phụ bán cà phê nước uống, làm bánh ngọt và làm tinh dầu sả, xà phòng cùng với làm những đồ vật thủ công để lưu niệm. Hiện nay, quán Thanh Xuân thường có 10 bạn câm điếc là nhân viên phục vụ với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 6 đến 9 triệu đồng/ người.

Tại quán Thanh Xuân chỉ trừ chủ quán thì nhân lực của quán đều là các bạn điếc. Tuy không thể nghe hay nói nhưng họ giao tiếp với nhau bằng nụ cười và ngôn ngữ kí hiệu hình thể. Họ gọi nhau với cái tên rất gần gũi là người nói và người điếc. Em Nhung - nhân viên quán Thanh Xuân, phường 4, TP Đà Lạt, bày tỏ: (Anh Võ Thành Luân - Chủ quán Thanh Xuân, phường 4, TP Đà Lạt, phiên dịch): “Hôm nay các bạn nhỏ tới đây thì Nhung dạy các bạn nhỏ cách làm xà phòng, giúp các bạn nhỏ gói xà phòng. Nhìn cái bạn làm rất là đẹp, dễ thương được làm cùng với nhau rất là vui và hạnh phúc”.

Điều đặc biệt nữa tại quán Thanh Xuân, các bạn điếc được cơ hội tiếp xúc hoà nhập với cộng đồng nhiều hơn, sống vui tươi và bắt đầu hướng nghĩ lo cho cha mẹ gia đình nhiều hơn. Lương của các bạn nhận được đã tự chủ được cuộc sống và biết để dành.

Ngoài trà, cà phê, sinh tố, bánh ngọt, quán còn bày bán những sản phẩm như tinh dầu chiết xuất từ cây sả java tím có nguồn gốc từ Indonexia, cũng như hương thảo, chanh được trồng tại nông trại ở gần quán; đồng thời bán xà phòng cùng các sản phẩm đồ thủ công như vòng tay, vòng cổ, túi vải, sen đá,... Điều đặc biệt hơn là tất cả các sản phẩm ấy phần lớn đều do các bạn câm điếc làm.

hinh-5-1677136388.jpg
Học sinh được học cách làm xà phòng

Cũng vì lẽ đó mà hoạt động tổ chức cho các em học sinh có hoạt động ngoại khóa tại quán Thanh Xuân đã và đang được Đoàn phường 4 tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Anh Võ Thành Luân - Chủ quán Thanh Xuân, phường 4, TP Đà Lạt, cho biết thêm: “Đây là một cái chương trình thường niên từ nhiều năm qua mà quán thanh xuân đã luyện tập rất là nhiều và đào tạo với các bạn để sắp xếp làm cái chương trình để mình có thể dạy làm xà phòng gói xà phòng và ngôn ngữ ký hiệu. Vì trong ngôn ngữ ký hiệu thì các bạn với người khiếm thính rất là hạnh phúc khi được chia sẻ thông điệp này đã được nhận sự cảm thông từ phía tất cả các em ở đây. Ngày hôm nay đã kết hợp với Đoàn phường 4 để làm chương trình này. Rất kỳ vọng rằng là chương trình này sẽ được lan tỏa thông điệp trong tương lai vì các bạn nhỏ chính là tương lai của đất nước. Sẽ có những chương trình trải nghiệm thú vị như thế này để kết bạn, được làm hoàn thiện các kỹ năng và khả năng nhận diện với cảm xúc của các bạn sẽ được tăng lên rất nhiều. Qua đó cũng sẽ là tay là tiếng nói cho quán Thanh Xuân trong tương lai khi các bạn chia sẻ những thông điệp tốt đẹp này tới những người xung quanh”.

Anh Nguyễn Văn Giàu - Bí thư Đoàn phường 4, TP Đà Lạt, cho biết: “Đoàn phường 4 kết hợp cùng với quán Thanh Xuân tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong đó có hoạt động trải nghiệm làm xà bông và tham quan học tập ngôn ngữ ký hiệu ở quán. Đây làm hoạt động giúp các em vừa trao dồi thêm về kiến thức rèn luyện thêm về kỹ năng nhiều trải nghiệm mới, giúp các em có tinh thần tốt, giảm bớt căng thẳng vừa chơi vừa học mang lại giá trị rất là cao. Hy vọng là được tiếp tục đồng hành cùng quán Thanh Xuân tiếp theo. Và cũng rất là mong muốn chương trình ý nghĩa này được nhân rộng thêm đối với các bạn trẻ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và cả Việt Nam mình nữa”

hinh-4-1677136388.jpg
Hướng dẫn các em học sinh làm xà phòng

Kết thúc hoạt động trải nghiệm rất ý nghĩa tại quán Thanh Xuân, mỗi em học sinh còn được phần thưởng là trực tiếp giao tiếp với người khiếm thính để gọi và lấy cho mình những thức uống tại quán. Nhờ đó, các em thêm hiểu được quán cũng như ngôi nhà để người nói và người câm điếc sống hạnh phúc cùng nhau. Đồng thời, giúp các em học sinh hiểu được thông điệp mà quán Thanh Xuân muốn truyền tải và càng thêm yêu cuộc sống và tuổi trẻ của chính mình./.

Đình Trọng