Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi toàn diện ngành báo chí - truyền thông

Đây là một trong những nhận định đáng chú ý của PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo tại sự kiện thông tin chuyên đề với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và vai trò của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay” tổ chức ngày 10/5.
tri-tue-nhan-tao-se-thay-doi-toan-dien-nganh-bao-chi-truyen-thong-03-1683721905.jpg
Gần 400 sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham dự chương trình

Sự kiện do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn BKAP (BKAPGROUP) cùng Viện Trí tuệ Nhân tạo. Tới tham dự chương trình, gần 400 sinh viên báo chí – truyền thông đã được trang bị các kiến thức cơ bản về AI cũng như những thách thức, cơ hội mà AI mang lại, từ đó ứng dụng hiệu quả vào việc học tập, tác nghiệp…

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của xã hội nói chung, lĩnh vực giáo dục nói riêng. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh hiệu quả, đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học.

“Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh từ đó giúp cho việc học tốt hơn, dễ dàng hơn. Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ, trong đó có AI đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển khả năng tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian và không gian... Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục góp phần giúp sinh viên và giáo viên tối ưu hóa, tự động hóa công tác dạy và học” – PGS.TS Giang nhận định.

tri-tue-nhan-tao-se-thay-doi-toan-dien-nganh-bao-chi-truyen-thong-02-1683721652.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phát biểu khai mạc

Chia sẻ thêm về AI, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài nhấn mạnh, AI là một trong những công nghệ then chốt, mũi nhọn hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên có gần 60 quốc gia đã đưa ra chiến lược phát triển AI quốc gia trong đó có Việt Nam, vì AI là công nghệ quan trọng nhất, quyết định cho việc thắng thua, sự phát triển và văn minh của các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Hoài, trong khoảng 10 năm trở lại đây, AI phát triển rất mạnh và đang dần thay đổi cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, AI đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống cũng như trong công việc. Tuy vậy, vấn đề đặt ra đối với người dùng là cần phải biết chọn lọc, phân tích thông tin một cách khách quan, cụ thể để ứng dụng AI cho hiệu quả, tránh lạm dụng, phụ thuộc vào AI.

tri-tue-nhan-tao-se-thay-doi-toan-dien-nganh-bao-chi-truyen-thong-06-1683721652.jpg
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài chia sẻ về AI

Đặt vấn đề ứng dụng AI trong báo chí – truyền thông (BC-TT), PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài nhấn mạnh: AI chắc chắn thay đổi sâu sắc và toàn diện ngành BC-TT. Bởi bên cạnh những cơ hội lớn mà AI mang tới như thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình thu thập, xử lý, xuất bản, chia sẻ, tối ưu hóa, cá nhân hóa thông tin, AI cũng đi kèm những đe dọa tiềm tàng: Nguy cơ thông tin giả (fake news); nguy cơ mất việc làm; nguy cơ về quyền tự do báo chí/ngôn luận.

Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo gợi ý các công ty truyền thông, báo chí, truyền hình hay mỗi cá nhân hoạt động trong ngành BC-TT đều có thể ứng dụng công nghệ AI hiệu quả trong nhiều công việc: Sáng tạo nội dung (generative AI); Lọc nội dung; Phân tích và tình diễn nội dung; Sản xuất và xuất bản nội dung; Phân phối và trình diễn…

Điều quan trọng, theo ông Hoài, là con người cần tập trung vào những nội dung, lĩnh vực mà AI không/chưa thể làm được. Nếu các bạn sinh viên không chủ động tìm hiểu, học hỏi, không biết ứng dụng công nghệ AI vào công việc BC-TT, thì chính các bạn sẽ khó có cơ hội xin được việc trong bối cảnh yêu cầu từ các cơ quan BC-TT ngày càng cao như hiện nay.

tri-tue-nhan-tao-se-thay-doi-toan-dien-nganh-bao-chi-truyen-thong-04-1683721652.jpg
Nhiều chia sẻ, thắc mắc đã được gửi tới diễn giả

Các bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền rất hào hứng với những phân tích, chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài. Nhiều câu hỏi đã được gửi tới chuyên gia, xoay quanh việc liệu AI có triệt tiêu sự sáng tạo của con người? Liệu chúng ta có đang lo quá xa về các mối nguy từ AI? Hay làm cách nào để phòng chống việc ứng dụng AI cho mục đích xấu?

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, xoay quanh sự phát triển vũ bão của AI vẫn đang có nhiều vấn đề gây tranh cãi. AI là trí tuệ của máy tính, được xây dựng mô phỏng một số hành vi của con người, không nhất thiết phải có lý trí, tình cảm. Đơn giản, xem hành vi nào của con người được coi là trí tuệ thì AI cũng làm được điều đó.

tri-tue-nhan-tao-se-thay-doi-toan-dien-nganh-bao-chi-truyen-thong-01-1683721652.jpg
Đại diện Ban Lãnh đạo Tập đoàn BKAP trao học bổng cho sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Trên cơ sở đó, con người cần làm chủ được AI. Nếu chúng ta không làm chủ được AI thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Ông Hoài cho rằng cần có những phân định rạch ròi, con người làm gì và AI làm gì. Điều mấu chốt là con người cần làm những cái sáng tạo hơn để không giẫm chân vào những việc của A, không sợ bị AI cạnh tranh việc làm.

Nhằm góp phần tạo cơ hội cho các bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp cận và học tập công nghệ thông tin, trong đó có AI, trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn BKAP đã trao tặng 100 suất học bổng về công nghệ thông tin và AI, với tổng trị giá 200 triệu đồng, cho các bạn sinh viên Học viện.

Trọng Sang