Yêu thương con không đúng cách của cha mẹ khiến con trở nên nhút nhát, ỉ lại

Huyền Văn
Những hành vi của cha mẹ do đặt kỳ vọng ở con mình sự năng động, giỏi giang, là điểm sáng trong đám đông khiến con trở nên nhút nhát.

Ai trong chúng ta khi biết mình có tin vui sắp có thiên thần chào đời đều sung sướng, nhất là trong thời nay khi mà mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con. Bao yêu thương, quan tâm đều hướng về con.

Do vậy, ông bố bà mẹ hiện nay đang chiều con vô điều kiện. Bởi bố mẹ không chịu đựng được tiếng khóc của con. Chỉ cần bé òa lên ăn vạ là mọi yêu cầu của con đều được đáp ứng. Hoặc có dọa nạt trẻ nhưng chỉ qua loa rồi lại chiều theo ý chúng.

nlntv-1653106650.jpg
Ảnh minh họa Internet

Cách làm này của cha mẹ chỉ khiến con giỏi mè nheo, phụ thuộc vào người lớn. Sau này khi lớn lên, ra ngoài xã hội, con không có ai để "ăn vạ", giúp đỡ mình nữa. Thế là đứa trẻ trở nên sợ hãi. Chưa kể con có thể thành người ích kỷ, dựa dẫm và luôn coi mình là trung tâm. Bên cạnh đó do lo lắng không yên tâm nên đã không cho con động tay động chân bất cứ việc gì.
Đây cũng là sai lầm hầu hết của các bậc cha mẹ. Nhiều phụ huynh thường nghĩ rằng, con bé như vậy không biết làm. Hoặc để chúng làm thì còn bừa bộn hơn, thôi làm cố cho xong.

Chính vì lối suy nghĩ đó chẳng những bị đánh giá là thiển cận lại còn khiến con trở nên lười biếng, ỉ lại. Sau này con khó mà tự lập được. Chưa kể đứa trẻ đó sẽ lóng ngóng trong mọi công việc. Dần dần chúng sẽ hình thành tâm lý tự ti giữa đám đông.

Những ông bố bà mẹ trẻ ngày nay không để con gặp thử thách, giải cứu chúng quá nhanh. Không ít phụ huynh bao bọc con cái quá mức. Không dám để cho con ra ngoài chơi vì sợ con ốm, sợ quần áo bẩn, sợ con bị ngã, gặp người xấu... Bên cạnh đó, mỗi khi con gặp rủi ro, tai nạn nhỏ như không bước được lên cầu thang, không dám đi trong bóng tối... cha mẹ cũng nhanh chóng chạy vào giúp đỡ bé. Tuy nhiên trẻ cần vài lần vấp ngã, cần tự xử lý những khúc mắc bản thân đang gặp phải để chúng tự tin hơn, học được nhiều kĩ năng sống hơn và để không còn quá phụ thuộc vào cha mẹ.

Tâm lý chung của người làm cha mẹ đều muốn bao bọc con, nhưng nếu chúng ta cứ mãi bao bọc con, chắc chắn tâm tư chúng sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực: "Nếu tôi thất bại hay làm sai cái gì thì đã có bố mẹ hoặc người khác giải cứu giúp". Hành động này khiến trẻ dần mất đi tính tự chủ, tính trách nhiệm và trở thành người thích ỷ lại người khác.

Có một số bố mẹ khen con quá nhiều. Đành rằng mỗi lần con làm việc tốt, cha mẹ nên khen thưởng để khuyến khích con. Nhưng nếu chúng ta cuồng con quá mức, đi đâu cũng kể lể những điều tốt đẹp của con, lúc nào cha mẹ cũng khen con mình... vô tình phụ huynh sẽ bằng lòng với thành tích mà con đạt được, coi thường những hành vi kém. Cuối cùng trẻ sẽ học được cách gian lận, phóng đại, nói dối, né tránh thực tế khó khăn. Bởi trẻ đã không học được cách đối diện với những khó khăn và thất bại.

Hầu như Bố mẹ không dám chia sẻ những sai lầm của bản thân. Nhiều bậc phụ huynh chỉ muốn mình hoàn hảo trong mắt con, là gương sáng để con noi theo. Vì vậy thường giấu lẹm việc bản thân từng mắc sai lầm. Điều này của cha mẹ đã vô tình dạy con nói dối, không dám đương đầu với hành động sai trái của mình.

Một số ông bố bà mẹ nuôi con trong môi trường hạn hẹp, không cho trẻ tiếp xúc với cộng đồng Khi sống mãi trong một không gian hạn hẹp, chỉ giáp mặt 1 số thành viên trong gia đình thì bé thường sợ đám đông. Bởi bé ít tiếp xúc với người lạ.

Điều này kéo dài trong 1 thời gian, khi lớn lên chắc chắn con sẽ nhút nhát, sống khép mình và không dám thể hiện trước đám đông.

Đồng hành cùng con trong việc xóa bỏ đi sự nhút nhát, giúp con tự tin hơn và việc mà các bậc cha mẹ cần phải làm. Nhưng không phải người cha người mẹ nào cũng thành công, vì mỗi trẻ có một tính cách khác nhau sẽ có những cách phản ứng khác nhau trước sự giúp đỡ của bố mẹ. Vậy nên việc cần làm của cha mẹ luôn là sự kiên nhẫn.

Huyền Anh